Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng đã đánh giá việc thực hiện Nghị quyết trên mọi lĩnh vực, có thể thấy đất nước ta bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong điều kiện muôn vàn khó khăn, thách thức. Việc thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa khắc phục hậu quả thiên tai, vừa tập trung phát triển kinh tế là một thách thức không hề đơn giản.
Thế nhưng với quyết tâm chính trị cao, kiên định phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ, Đảng, Nhà nước đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều chủ trương, giải pháp sáng suốt, đúng đắn và hiệu quả. Xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho Nhân dân là mục tiêu phấn đấu cũng là chiến lược lâu dài của Đảng ta.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, mục tiêu này được đặc biệt quan tâm lãnh đạo, tuy nhiên trước những diễn biến mới của tình hình thế giới và trong nước, từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII theo dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức bên cạnh những thời cơ thuận lợi.
Vậy đâu là thời cơ thách thức, đâu là những giải pháp trọng tâm đột phá để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới mang lại hạnh phúc cho Nhân dân? Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về nội dung này.
Tích cực xây dựng năng lực phản ứng chính sách
- Thưa ông, chúng ta đã đi được hơn nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đất nước ta đứng trước rất nhiều khó khăn, có những khó khăn chưa có tiền lệ. Trong bối cảnh đó, ông nhìn nhận thế nào về ý chí quyết tâm trên dưới đồng lòng nhằm triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng?
Sau Đại hội XIII, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ thì những khó khăn, thách thức đột ngột, khó dự báo, phức tạp đã diễn ra. Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, Chính phủ, Nhà nước cũng rất kịp thời điều hành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng.
Nhìn lại nửa chặng đường đã qua, có thể nhấn mạnh một số những thành tựu rất nổi bật. Một là kinh tế nước nhà vẫn có tăng trưởng khá cao và giữ được đà khởi sắc ổn định. Các thứ hạng xếp loại trên thế giới đã được cải thiện rất đáng kể.
Trong bối cảnh vừa nêu, tốc độ tăng trưởng của chúng ta vẫn dương vài phần trăm để nền kinh tế Việt Nam đứng vào top thứ 40 trên thế giới, xuất nhập khẩu, tức là ngoại thương của đất nước đứng vào tốp 20 trên thế giới. Mặc dù đây chỉ là con số nhưng nó phản ánh thành tựu rất đáng trân trọng trên mặt trận kinh tế mà Việt Nam đã đạt được.
Với tiềm lực kinh tế như thế này, chúng ta mới có điều kiện đảm bảo được an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và sau dịch bệnh đảm bảo được hệ thống chính sách xã hội. Cho nên đời sống của Nhân dân mặc dù có khó khăn do đột biến nhưng không có những khó khăn gay gắt, không có những tình huống trầm trọng như một số nơi trên thế giới.
Chúng ta đã dành một khoản cứu trợ an sinh xã hội rất lớn và đã phát động toàn xã hội vào công tác từ thiện nhân đạo, công tác xã hội nói chung. Không chỉ Nhà nước dành nguồn lực, mà nguồn lực toàn xã hội được huy động để đảm bảo chính sách xã hội, an sinh xã hội, cho nên tinh thần của Nhân dân ta mặc dù trong bối cảnh khó khăn kinh tế, thu nhập suy giảm nhưng vẫn đồng lòng, đồng thuận với Đảng và Nhà nước trong những chính sách phát triển kinh tế xã hội. Đây là những thành tựu kinh tế - xã hội rất quan trọng mà không phải quốc gia nào trên thế giới trong bối cảnh tương tự cũng làm được.
- Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo ông đâu là những đột phá quan trọng?
Trong bối cảnh vừa qua, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao năng lực xây dựng chính sách, chúng ta đã rất tích cực xây dựng năng lực phản ứng chính sách. Quốc hội đã họp phiên đặc biệt để ra những văn bản về mặt thể chế pháp lý, tạo hành lang thể chế cho Chính phủ triển khai giải pháp rất tình thế, xử lý vấn đề kinh tế - xã hội do dịch bệnh tạo ra, do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu tạo ra, thậm chí do cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tạo ra. Đây là những tình huống đặc biệt rất cần năng lực phản ứng chính sách.
Tôi cho rằng, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, năng lực phản ứng chính sách của Việt Nam rất đáng được đánh giá cao và tổng kết những bài học kinh nghiệm ban đầu để tiếp tục thích ứng trong thời gian tới.
Tôi muốn bổ sung thêm một lĩnh vực nữa, đó là lĩnh vực đối ngoại. Chúng ta đã rất chủ động năng động linh hoạt, xử lý hàng loạt các vấn đề quốc tế, giữ được môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước. Chúng ta đã đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường, mặc dù thị trường toàn thế giới đứt gãy rất nghiêm trọng nhưng xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn có đà tăng trưởng. Đó những thành tựu, cố gắng rất lớn trên lĩnh vực đối ngoại, ngoại thương.
Ngoài ra, sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam, sự giúp đỡ đầu tư nước ngoài không những không giảm mà lại còn gia tăng rất nhanh chóng. Nhiều nhà đầu tư chiến lược đã chọn Việt Nam là tập đoàn cứ điểm toàn cầu để tăng cường sản xuất kinh doanh trong bối cảnh rất khó khăn như hiện nay, trong đó có những doanh nghiệp có nguồn công nghệ mũi nhọn như sản xuất chip bán dẫn.
Một thành tựu Nhân dân ta rất phấn khởi, đánh giá rất cao, đó là thành tựu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục quyết tâm nỗ lực. Kết quả từ những năm trước, chúng ta đã xử lý được nhiều vụ rất phức tạp kéo dài, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, qua đó Nhân dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, tin tưởng hơn vào chế độ, góp phần củng cố thế trận lòng dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
- Quan điểm dân thụ hưởng là một trong những điểm mới quan trọng được Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập trong tổng thể phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Nhìn lại việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, mục tiêu này đã được thực hiện ra sao, thưa ông?
Chúng ta hoàn thiện phương châm đến khâu "dân thụ hưởng" rất phù hợp với các nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với thực tiễn phát triển đất nước và rất phù hợp với lòng dân.
Suy cho cùng, toàn bộ sự nghiệp cách mạng này là vì hạnh phúc của Nhân dân. Tất cả những cái khác đều là phương tiện nếu đặt trong mối quan hệ với hạnh phúc của Nhân dân. Dĩ công vi thượng; Dân vi bang bản, đây là tinh hoa chính trị phương đông của chúng ta. Chủ nghĩa Mác-Lênin có nói, cách mạng là ngày hội của quần chúng, làm sao quần chúng Nhân dân đi làm cách mạng theo Đảng như là những ngày hội của mình, vì sự nghiệp cách mạng ấy sẽ đem lại niềm vui, hạnh phúc thật sự cho Nhân dân. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn, ngoài việc phục vụ lợi ích của Nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không còn lợi ích nào khác. Ý Bác nói đến đây là lợi ích tối cao.
Tôi cho rằng, trong những năm vừa qua và trong toàn bộ công cuộc đổi mới chúng ta đã làm rất tốt điều này. Nếu như vào ngày mới đổi mới, thu nhập bình quân đầu người của ta chưa đầy 200 USD. Bây giờ là trên 4.000 USD. Nhân dân ta mặc dù vẫn còn bộ phận khó khăn nhưng phải thừa nhận rằng đa số Nhân dân được cải thiện về mức sống, điều kiện sống. Đây là thành công nhất trong công cuộc đổi mới cũng như toàn bộ sự nghiệp cách mạng.
Tiếp tục tạo đột phá về thể chế, về kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực
- Bên cạnh những kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những hạn chế nhất định, thưa ông?
Chúng ta vẫn đang đứng trước hạn chế, khó khăn, thậm chí những nguy cơ, thách thức. Cái mà chúng ta đáng lo ngại nhất là khoảng cách về phát triển giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới tuy đã được rút ngắn nhưng khoảng cách vẫn còn khá lớn. Nếu nói theo ngôn ngữ của hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa 7 thì tình trạng tụt hậu vẫn đang tồn tại.
Vấn đề thứ hai là mặc dù đã được cải thiện rất nhiều nhưng đời sống của Nhân dân vẫn còn khó khăn, thậm chí đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, đời sống của một bộ phận Nhân dân ở những vùng xã đặc biệt khó khăn. Do vậy, cần phải nhấn mạnh ở tầm cao hơn để có những chính sách giải pháp hữu hiệu hơn nữa để khắc phục những yếu kém này.
- Chỉ còn 2 năm nữa kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII, theo ông đâu là những giải pháp đột phá cần phải nỗ lực thực hiện?
Đại hội XIII đã nhấn mạnh đột phá về thể chế, về kết cấu hạ tầng, về nguồn nhân lực. Đây vẫn là những điểm rất mấu chốt. Về thể chế, rất cần hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Phải cải thiện thể chế làm sao để nâng cao năng lực phản ứng chính sách của Nhà nước, của Chính phủ.
Đột phá tiếp theo là về kết cấu hạ tầng. Mặc dù chúng ta đạt rất nhiều tiến bộ, nhưng giao thông, logistics nói chung vẫn còn thua kém các nước trong khu vực. Theo thống kê, chi phí logistics của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới ít nhất là từ 15- 20% thì đương nhiên nó làm giảm sức cạnh tranh, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tôi cho rằng, kết cấu hạ tầng cần phải cải thiện và đặt nhiệm vụ hoàn thiện, phát triển kết cấu hạ tầng trong bối cảnh đã có chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng số cần phải đi trước một bước.
Đột phá về nguồn nhân lực, nguồn nhân lực công nghệ kỹ nghệ, nguồn nhân lực quản lý, điều hành, nguồn nhân lực có trình độ khoa học cao, chúng ta phải có những chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Nhìn lại, chúng ta đã tranh thủ được nhiều sự hiện diện của đội ngũ các nhà khoa học chưa? Phải thừa nhận là chưa nhiều, vì thể chế vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
- Tại hội nghị giữa nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra yêu cầu cần phải làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm khi nhiệm kỳ Đại hội 13 chỉ còn 2 năm nữa là kết thúc. Theo ông, nhiệm vụ này cần phải có quyết tâm chính trị ra sao?
Vai trò người đứng đầu, vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp nhất là cấp chiến lược nhấn mạnh hơn bao giờ hết, phải dám nghĩ, dám làm, vì dân, vì đất nước trên cơ sở đảm bảo đúng Hiến pháp và pháp luật thì phải rất linh hoạt, chủ động.
Trên cơ sở đảm bảo những lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Trung ương, phải phân cấp, phân quyền, dám nhận trách nhiệm, triển khai các công việc trong địa phương mình, ngành mình, lĩnh vực mình một cách chủ động, có trách nhiệm.
Đất nước trong những năm vừa qua nổi lên điều này như một bước tiến, thành tựu rất đáng trân trọng. Tôi cho rằng, năng lực này cùng với việc phân cấp, phân quyền, dám chịu trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu, của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược cần phải tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông.
Bình luận