Khu rừng hơn 512ha này không chỉ là di tích lịch sử, mà còn là nơi quy tụ những cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi, được bảo vệ tuyệt đối an toàn. Đó là rừng Mã Đà, là di tích lịch sử Chiến khu Đ, ở xã Tân Hòa, Đồng Phú, Bình Phước. Khu rừng này được bảo vệ bởi công ty B58, một doanh nghiệp của những cựu chiến binh, đứng đầu là bà Nguyễn Thị Hồng Tươi, và chồng bà, ông Phạm Công Trường.
Tôi không có khái niệm nghỉ
Sau khi liên lạc qua điện thoại với “nữ tướng” Nguyễn Thị Hồng Tươi, xin phép vào thăm rừng, bà nói: “Rất vui được nhà báo ghé thăm. Tôi cũng đang trên đường vào rừng đây”.
Nằm cách TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước khoảng 30 cây số, con đường từ trung tâm tỉnh vào rừng Mã Đà đã được trải nhựa phẳng lỳ. Hai bên đường là những vườn cao su, điều, xen lẫn vườn trái cây xanh mướt. Khung cảnh làng quê trù phú.
Mặc dù đã bước sang tuổi “thất thập”, nhưng bà Tươi vẫn nhanh nhẹn chẳng thua gì thanh niên. dẫn chúng tôi vào khu lán trại của công ty B58 nằm dưới tán những cây to vài người ôm, bà cười bảo: “Thấy vắng vậy chứ chỉ cần có người vào là vài phút sau sẽ có người đến “hỏi thăm” ngay. Cho nên, nếu không liên lạc trước các chú không vào rừng được đâu”.
Đang mùa mưa, khu rừng ẩm ướt, tầng lá mục dưới chân mềm như tấm nệm và mát rượi. Đi vào sâu chừng hơn chục phút, tận mắt thấy những thảm rừng còn nguyên vẹn, những cây cổ thụ cao đến vài chục mét, phải ngửa hết đầu ra sau mới thấy ngọn. “Rừng này thuộc tiểu khu 379 Mã Đà, xưa là căn cứ cách mạng, là trụ sở của Bộ tư lệnh miền Đông, nơi nhiều lãnh đạo lão thành cách mạng từng hoạt động. Cho nên, khu rừng này có giá trị rất lớn về lịch sử”, bà Tươi nói tiếp.
Dừng lại dưới gốc cây kơ nia cổ thụ, được “trưng dụng” làm bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, bà nói: “Cây kơ nia này chưa to đâu, còn có cây đến 20 người ôm, nhưng ở sâu trong rừng”.
Trên đường tham quan, chúng tôi gặp anh Phạm Văn Trí, nhân viên bảo vệ, anh nói: “Tôi làm bảo vệ ở đây được 7 năm rồi. Bây giờ tụi lâm tặc không dám bén mảng đến đây nữa, vì chú Trường, cô Tươi và các chú hội cựu chiến binh làm bài bản, như đánh trận ấy, nên tụi nó không làm gì được. Chứ hồi đầu tụi nó làm dữ lắm. Nếu không có cô chú Trường, thì rừng này mất lâu rồi. Lâm tặc thì không có cửa vào phá, nhưng tôi nghe nói tỉnh muốn thu hồi để giao cho danh nghiệp. Nếu giao thì tôi chắc chắn mất rừng luôn”.
Nói về “cái duyên” với khu rừng này, bà Tươi kể: cách đây 30 năm, bà cùng gia đình từ Nam Định vào Bình Phước lập nghiệp, khi đó còn là tỉnh Sông Bé. Những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ, bà từng được những cánh rừng che chở, bảo vệ. Vì thế, bà không khỏi xót xa trước cảnh những cánh rừng ngày một “nghèo” đi bởi bàn tay con người. Năm 1996, vợ chồng bà và Ban liên lạc khối Tình báo B.58 (Hội CCB TP.HCM) được tỉnh cho nhận khu rừng Mã Đà để chăm sóc, bảo vệ.
Tuy nhiên, việc bảo vệ, quản lý lỏng lẻo do các thành viên hầu hết đã lớn tuổi, lại không ở tập trung, nên bà Tươi xin ban liên lạc giao việc quản lý, bảo vệ khu rừng cho vợ chồng bà. Năm 2009, công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ B58 (Công ty B58), do vợ chồng bà Tươi đứng đầu được thành lập nhằm có tư cách pháp nhân, theo quy định của pháp luật.
Kể từ đó, bằng tình yêu rừng, bằng trách nhiệm, sự cương quyết và khôn khéo, khu rừng quý này đã được bảo vệ tuyệt đối an toàn và ngày một xanh tươi hơn. Trên diện tích rừng do Công ty B58 đang quản lý, có 54 cây di sản Việt Nam được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận năm 2014 với 13 loài cây quý nằm trong Sách đỏ như lim, gụ, gõ đỏ, trắc cẩm lai… Đến năm 2017, khi Chính phủ chính thức quyết định đóng cửa rừng, cấm khai thác dưới mọi hình thức thì bà như được tiếp sức. Từ nay không còn nguy cơ rừng bị xóa sổ để lấy đất trồng cây công nghiệp, những vạt gỗ quý các loại cùng những di tích ghi dấu một thời oanh liệt của cha ông xưa, sẽ còn mãi với thời gian.
“Đến khi nào cô mới nghỉ hưu?”, tôi cười hỏi. “Tôi không có khái niệm nghỉ. Tôi sẽ tiếp tục dành toàn bộ tâm sức bảo vệ khu rừng quý này. Đến khi nào không đủ sức làm nữa thì thôi”, bà Tươi trả lời bằng cả sự quyết tâm trong giọng nói.
Bảo vệ rừng cũng phải có “chiến thuật”
Nói về tâm huyết với khu rừng, bà Tươi tâm sự: “Khu rừng này từng là căn cứ cách mạng, biết bao máu đồng đội chúng tôi đã đổ xuống, hài cốt họ còn nằm ở đây, nếu không bảo vệ được là có tội với họ, có lỗi với lịch sử, với các thế hệ sau. Chính vì thế, khi được giao, phải quyết hoàn thành nhiệm vụ, giống như nhiệm vụ đánh giặc vậy”.
“Nhưng cô chú đã bảo vệ rừng như thế nào?”, tôi hỏi. Bà Tươi đáp: “Hồi mới nhận bảo vệ khu rừng này, chúng tôi giống như những người đã đạp đổ chén cơm của nhiều kẻ khác. Chính vì thế, họ hận tôi lắm. Một mặt bắn tin đe dọa, một mặt vẫn cứ tổ chức vào rừng khai thác với lực lượng hùng hậu hơn trước, để nếu gặp bảo vệ thì chống trả. Đã từng có bảo vệ của tôi bị đánh phải đi cấp cứu, chòi canh bị đập phá.
Tôi dành thời gian tìm hiểu từng đối tượng, sau đó tiếp cận, một mặt thuyết phục, phân tích cho họ hiểu, tư vấn họ tìm một nghề khác phù hợp để làm ăn. Tôi nói với họ rằng bây giờ rừng này không chỉ là cuộc sống của tôi mà còn là cuộc sống của cả cộng đồng, trong đó có các anh. Nếu các anh phá, tức là phá cuộc sống của tất cả. Sau đó, tôi xây dựng mạng lưới tai mắt tại địa phương theo kiểu “cài răng lược”, tức là người này theo dõi người kia, kịp thời phát hiện những người “manh nha” ý đồ vào rừng kiếm chác để ngăn chặn. Cứ như thế, tình trạng phá rừng giảm dần, và không lâu sau thì dứt hẳn. Hiện nay, lực lượng bảo vệ rừng chỉ có 30 người, nhưng đố anh mang được gì trong rừng ra”.
Anh Phạm Văn Trí kể: “Tôi làm bảo vệ ở đây gần chục năm rồi. Hồi mới làm, công tác bảo vệ căng thẳng, nguy hiểm lắm, nhất là thời điểm năm 2012-2014. Vừa lâm tặc vừa người dân vào rừng khai thác lâm lộc, như măng, quả ươi, cây thuốc…
Năm 2014, lâm tặc đã vào đánh dấu 60 cây lim, đã dọn gốc sạch, chỉ chờ mưa to sẽ cắt, nhờ phát hiện kịp thời, chúng tôi vừa tập trung hết lực lượng, đóng chốt tại chỗ 24/24, vừa tìm hiểu đối tượng chủ mưu để hù doạ, thuyết phục, cuối cùng cũng bảo vệ thành công. Bây giờ rừng bình yên rồi. Chú Trường, cô Tươi và các chú hội cựu chiến binh làm bài bản, như đánh trận ấy. Hiện nay, mạng lưới tai mắt, trinh sát của ban quản lý rừng rải khắp nơi, anh chỉ cần mang một cây con ra khỏi rừng là có người lại “hỏi thăm” ngay. Nếu không làm sao giữ rừng như thế này được”.
Bà Tươi cho biết, từ khi được giao giữ rừng Mã Đà đến nay, công ty B58 chưa lấy bất cứ một chút nguồn lợi nào từ rừng. Trong khi đó, bình quân mỗi tháng bà phải bỏ ra khoảng 150 triệu để trả lương cho nhân viên và các chi phí khác. Số tiền này được lấy từ nguồn thu nhập riêng của gia đình. “Rừng còn hay không quyết định phần lớn ở người giữ rừng, nếu người giữ rừng có ý chí thì không bao giờ mất được. Hạnh phúc của tôi là nhìn thấy rừng an toàn. Tiền ai chẳng muốn, chỉ cần chặt một cây gỗ trong rừng ra bán là có cả trăm triệu đồng ngay, nhưng nếu biết nghĩ, để có một cây gỗ to như thế, phải mất cả trăm năm. Chưa kể vấn đề sinh thái, biến đổi khí hậu. Tiền nào đánh đổi được?”, bà Tươi nói.
Doanh nhân, cựu chiến binh Nguyễn Thị Hồng Tươi được Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hiêp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam, UBND tỉnh Bình Phước và Chính phủ tặng nhiều bằng khen; được tặng “Bông sen vàng APEC” và danh hiệu “Doanh nhân Văn hóa nữ tướng thời bình”. Bà vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Bình luận