• Zalo

Nữ tài xế gây tai nạn làm 10 người thương vong bị xử ra sao?

Pháp luậtThứ Sáu, 24/10/2014 07:01:00 +07:00Google News

(VTC News) – Cô gái lái ô tô gây tai nạn liên hoàn khiến 10 người thương vong ở Đăk Lăk có thể bị phạt bao nhiêu năm tù, phải bồi thường ra sao?

(VTC News) – Cô gái lái ô tô gây tai nạn liên hoàn khiến 10 người thương vong ở Đăk Lăk có thể bị phạt bao nhiêu năm tù, phải bồi thường ra sao?

Như đã đưa tin, Công an huyện Ea H’leo (Đăk Lăk) cho biết đang tạm giữ nữ tài xế Lưu Thị Thanh Tuyền (26 tuổi, ngụ thị trấn Ea Đ’răng) để điều tra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến 10 người thương vong xảy ra tại khu vực chợ Ea Đ’răng vào chiều 20/10.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu Lưu Thị Thanh Tuyền khai rằng, hôm gây tai nạn đã cùng 3 người bạn rủ nhau đi chơi nhân ngày Phụ nữ Việt Nam. Sau đó, cả nhóm vào quán nhậu gần thị trấn ăn uống, đến khoảng 15h30 thì nhóm ra về.
Chiếc xe gây tai nạn là của một người bạn trong nhóm. Do Tuyền mới nhận bằng, người này để cô cầm lái về nhà. Khi đến khu vực chợ thị trấn Ea Đ’răng, để tránh chiếc xe máy chạy phía trước, Tuyền đã đạp phanh nhưng lại nhầm sang chân ga khiến xe lao vụt đi.  
 Hiện trường vụ tai nạn.
Hậu quả, vụ tai nạn đã khiến 2 người chết, 8 người khác bị thương, trong đó có 4 người bị thương nặng.
Liên quan đến sự việc này, phóng viên VTC News đã có cuộc trao phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Toản - Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hưng Yên. 
Ông Toản nhận định, đây là một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Người vi phạm đã có hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây tai nạn làm 2 người chết và bị thương 8 người, gây tâm lý sợ hãi cho những người dân quanh khu vực mỗi khi tham gia giao thông, làm mất an ninh trật tự trên địa bàn nơi xảy ra tai nạn.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea H’leo cần nhanh chóng khởi tố vụ án để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn này.
 Ông Nguyễn Hữu Toản - Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hưng Yên.
Về trách nhiệm hình sự đối với nữ tài xế Lưu Thị Thanh Tuyền, ông Toản nói: “Đến thời điểm này cũng chưa thể xác định rõ về trách nhiệm hình sự đối với nữ tài xế. Điều này cần phải chờ việc điều tra, xác minh và kết luận từ phía cơ quan chức năng mới có thể khẳng định chắc chắn được.

Tuy nhiên, căn cứ vào các tình tiết vụ việc, tôi cho rằng, nữ tài xế này có thể bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. 
Theo quy định tại điều luật này, khung hình phạt thấp nhất đối với người phạm tội là bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm, nặng nhất thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.”
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, ông Toản cho biết, tài xế và chủ sở hữu phương tiện phải thực hiện bồi thường cho các nạn nhân theo quy định “Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra” tại Điều 623 Bộ Luật Dân dự.
Điều 623 Bộ Luật Dân dự quy định, nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật (Khoản 1).

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác (Khoản 2).

Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Khoản 3).

Điều 610 Bộ Luật Dân sự cũng quy định việc bồi thường do xâm phạm tính mạng người khác.  

Theo đó, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng (Khoản 1).

“Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. 

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định” (Khoản 2).

Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm Điều 612 Bộ luật Dân sự. Cụ thể như sau:  

Trong trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường cho đến khi chết.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn