• Zalo

Nữ SV thuyết phục doanh nghiệp làm từ thiện hiệu quả

Giáo dụcChủ Nhật, 01/01/2012 08:58:00 +07:00Google News

Cô sinh viên Đào Thị Thủy Vân chia sẻ, hình mẫu doanh nhân tương lai của cô chính là một doanh nhân xã hội.

Cô sinh viên Đào Thị Thủy Vân chia sẻ, hình mẫu doanh nhân tương lai của cô chính là một doanh nhân xã hội.

Hoạt động tình nguyện của sinh viên nhiều khi chỉ để cho vui hoặc thêm hiểu biết về cuộc sống. Nhưng với Đào Thị Thủy Vân, sinh viên năm thứ 4, ĐH Ngoại thương, một trong 10 gương mặt trẻ của thủ đô năm 2011, giúp đỡ người khác là một trong những việc làm sẽ theo cô lâu dài. Cô gái chia sẻ, hình mẫu doanh nhân tương lai của cô chính là một doanh nhân xã hội. Vì thế, khi đến tập đoàn Vincom đề nghị tài trợ cho dự án từ thiện ở Sơn La, Vân đã thuyết phục họ bằng quyết tâm thay đổi những ngôi nhà tạm bợ nơi đây.

Cô sinh viên Đào Thị Thủy Vân 

Mới 22 tuổi nhưng Vân thực sự trưởng thành và năng động trong môi trường học tập và làm việc của mình.

Thuyết phục bằng hiệu quả thực tế

Thủy Vân cho biết, cô muốn hoạt động tình nguyện của mình đến được với những người thực sự cần nó. Hơn thế nữa, cô gái trẻ mong những đồng tiền mình quyên góp cho họ sẽ được sử dụng vào những mục đích cụ thể, hữu ích cho cuộc sống thực tế của họ, để người được giúp đỡ không chỉ cầm đồng tiền và một thời gian sau thì tiêu hết.

Vì những suy nghĩ thiết thực như vậy, cô đã thuyết phục được những người ở tập đoàn làm từ thiện và quan tâm đến hiệu quả thực sự của mỗi hoạt động là Vincom bỏ hàng trăm triệu để cô gái trẻ lập dự án xóa nhà tạm cho đồng bào Sơn La.

Vân nói, thay vì đến và mời họ tài trợ cho chương trình bằng những lợi ích hấp dẫn để quảng bá tên tuổi, thương hiệu…Vân phải chỉ ra được cách làm của cô để tiền đến đúng người, không thất thoát, có mục đích cụ thể và những khảo sát đáng tin cậy về đồng bào Sơn La. Nhờ nắm thông tin xác thực từ địa phương, cùng với việc khảo sát đầy đủ trên thực tế, Vân đã thuyết phục được tập đoàn Vincom tham gia tài trợ dự án.

Khi tham gia các hoạt động tình nguyện, Đào Thị Thủy Vân nhận ra có những doanh nghiệp làm từ thiện không cần quan tâm đến việc hoạt động của họ được báo chí biết đến và ngợi ca.

Vì vậy, mới 22 tuổi nhưng khi nói về kinh doanh và doanh nghiệp, cô gái trẻ thể hiện những hiểu biết và một quan niệm mới mẻ, hiện đại về hình ảnh một doanh nhân mới.

Vân cho biết cô sẽ theo đuổi lĩnh vực Marketing và tương lai mong muốn thành lập công ty riêng sau khi tích lũy kinh nghiệm làm việc trong những môi trường hiện đại.

Vân chia sẻ: Trong hình dung của mọi người, doanh nhân là những người chạy theo lợi nhuận và có thể bỏ qua những vấn đề khác liên quan đến môi trường, sức khỏe của cộng đồng. Nhưng cô tin rằng, xu hướng đó đang thay đổi vì nhận thức của người dân ngày càng tốt hơn buộc doanh nghiệp phải ý thức về trách nhiệm của mình.

Cô cũng tin rằng, trong những năm tới, môi trường kinh doanh ở Việt Nam sẽ có sự thay đổi chóng mặt trong thời gian tới chứ không như những năm trước đây. Khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có tầm nhìn xa hơn, bớt đi những tư duy kinh doanh ngắn hạn, chạy theo lợi nhuận trước mắt. Các bạn trẻ sẽ cống hiến cho công việc nhiều hơn chứ không chỉ là hoàn thành và đối phó.

Yêu kinh tế nhờ bố

Kể về định hướng đưa mình vào trường kinh tế: kinh tế đã ngấm vào cô từ khi còn là cô bé đang học phổ thông. Thời ấy, bố của cô làm trong ngành hải quan đã cho Vân những hiểu biết ban đầu về kinh doanh. Từ khi Vân học lớp 7, cô đã được tiếp xúc với những giấy tờ kinh doanh và hỏi bố những gì chưa hiểu, được bố chia sẻ những câu chuyện liên quan đến kinh tế.

Nhưng điều quan trọng nhất, theo Vân, là bố mẹ đã cho cô từ rất sớm, một thói quen tự lập và một cá tính mạnh mẽ.

“Bố mẹ không bao giờ ép buộc mình phải làm gì đó và luôn nói rằng chỉ góp ý, còn quyết định như thế nào là ở mình.”- Vân chia sẻ.

Đặc biệt nhất, ảnh hưởng về tính cách của Vân là bố. Bố luôn bình tĩnh trước mọi tình huống, chưa ai thấy bố run. Sau này, khi lớn lên, bố tâm sự với Vân rằng: “Bố phải như thế để giáo dục con. Con có thấy bây giờ mình rất mạnh mẽ không?”

Vì vậy, từ nhỏ, Vân đã được rèn luyện cho khả năng tự xoay xở. “Thậm chí, ông từng mạo hiểm để cô con gái nhỏ mới 8 tuổi đi tàu một mình từ Hà Nội về quê khiến mẹ Vân ngày đó hoảng hồn. Thế rồi, khi học cấp 2, mình đã tự đưa em trai ra Hà Nội được.”- Vân nhớ lại.

Vậy nên, mới 22 tuổi nhưng Vân thực sự trưởng thành và năng động trong môi trường học tập và làm việc của mình. Bảng thành tích dài dằng dặc về những dự án, hoạt động tình nguyện chỉ mới là một phần nhỏ trong những việc làm của Vân khi còn ngồi trên giảng đường.

Sắp tới, bước ra khỏi cánh cổng trường ĐH, Vân cho biết con đường thực hiện giấc mộng kinh doanh của mình: Sẽ làm việc và hiểu môi trường kinh doanh Việt Nam trước khi quyết định học cao hơn ở nước ngoài.

Nguyễn Hường/Theo VNN

Bình luận
vtcnews.vn