Tham gia chung kết cuộc thi World Scholar’s Cup được tổ chức tại Đại học Yale vào năm lớp 9, cô bé 14 tuổi Khánh Trang lần đầu tiên được trải nghiệm môi trường giáo dục khai phóng tại Hoa Kỳ. Chuyến đi này, theo Trang đã thay đổi cuộc đời của mình mãi mãi. Từ một cô bé cận thị, rụt rè, Khánh Trang quyết tâm phải nghiêm khắc thay đổi bản thân để tìm cho mình cơ hội được đến Mỹ một lần nữa.
“Giấc mơ Mỹ” năm 14 tuổi
Trang sau đó quyết tâm ôn luyện và thi đỗ vào lớp chuyên Anh Trường Phổ thông Năng Khiếu, một trong những trường chuyên nổi tiếng ở TP.HCM.
Là học sinh lớp chuyên Anh nên Khánh Trang luôn duy trì việc học tiếng Anh đều đặn trong nhiều năm liên tiếp với mục tiêu rõ ràng. Vì vậy, em không gặp quá nhiều khó khăn trong việc hoàn thành các chứng chỉ chuẩn hóa. Ngay từ cuối năm lớp 10 và đầu năm lớp 11, em đã đạt 1530/1600 SAT, 800/800 điểm SAT 2 Toán và 8.0/9.0 IELTS.
“Cách học trước nay em áp dụng nhiều nhất chính là duy trì việc luyện đề để vừa ôn luyện ngữ pháp vừa học từ mới. Sau khi hoàn thành hết các bài tập, em thường gọi điện cho bạn để luyện nghe nói. Bọn em có thể nói bất cứ chủ đề gì, cùng nhau bàn luận và sửa lỗi phát âm cho nhau. Đặc biệt, em tích cực tham gia tranh biện để vừa tăng cường phản xạ nói ,cũng như xây dựng vốn kiến thức toàn diện nhiều lĩnh vực” - Trang nói.
Tuy nhiên, với các trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ, điểm số không bao giờ là tất cả. Ban tuyển sinh luôn đánh giá thí sinh trên các phương diện khác nhau, từ học tập cho tới các hoạt động ngoại khóa.
Hiểu được điều này, Khánh Trang đã tập trung cho hoạt động ngoại khóa yêu thích của mình là tranh biện. Em cũng trở thành gương mặt nổi bật trong các cuộc thi tranh biện lớn nhỏ.
Năm 2019, Khánh Trang cùng hai người bạn đại diện cho trường tham gia và trở thành quán quân chương trình Trường Teen do VTV 7 tổ chức.
Ở chủ đề “AI có thể thay thế giáo viên?” - Khánh Trang đã có phần tranh biện ngoạn mục: “Các bạn có thể nói có nhiều cải cách từ AI (trí tuệ nhân tạo) và nó sẽ tốt. Nhưng chúng ta có giáo viên, do yêu thương học sinh nên giáo viên sẽ đấu tranh, và khi cải cách đó không tốt thì giáo viên sẽ lên tiếng vì học sinh”.
Sự tự tin cùng lối tư duy logic đã giúp Khánh Trang giành trọn 30 điểm từ ban giám khảo.
Trang cũng cho biết, tranh biện đã giúp em phát triển nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, tư duy phản biện và biết cách trình bày những luận điểm sao cho thuyết phục. “Để có nhiều hiểu biết về tình hình thời sự trên thế giới, em chăm chỉ đọc báo hơn. Đồng thời, nhìn nhận vấn đề theo các góc khác nhau chứ không nhìn phiến diện".
Đặc biệt, khi tranh biện về các chủ đề như khác biệt tôn giáo, vấn đề xung đột chính trị, quan hệ giữa các nước,… đã khơi gợi ở Trang sự tò mò, ham tìm hiểu. Đây cũng là lý do em quyết định lựa chọn theo học chuyên ngành quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên lúc nộp hồ sơ, Khánh Trang vẫn lo lắng vì em không sở hữu nhiều thành tích nổi bật như các bạn khác. Nữ sinh cho rằng điểm SAT của mình chỉ ở mức bình thường, thậm chí GPA năm lớp 12 còn thấp hơn năm trước.
“Ban đầu em chỉ hướng đến các trường thuộc top 50 LAC. Khi tìm hiểu em thấy Smith là trường nữ sinh hàng đầu có chương trình học rất linh hoạt, vừa được lựa chọn môn học, vừa có thời gian làm thêm. Bên cạnh đó còn có học bổng toàn phần nên em đã quyết định nộp vào đây”, Trang chia sẻ.
Trang cho hay, điều em tâm đắc nhất là mặc dù là trường nữ sinh, nhưng em vẫn có cơ hội học cùng các nam sinh như bình thường, bởi trường nằm trong khối Five College Consortium (làng đại học của 5 trường thuộc bang Massachusetts).
Theo nữ sinh: "Mặc dù thực tế là sẽ nhập học ở 1 trường đại học, nhưng em có thể đăng ký môn học và hưởng các cơ hội của 4 trường đại học hàng đầu khác bao gồm Amherst College, Mount Holyoke, Hamsphire College và University of Massachusetts. Ngoài ra, Smith cũng cho phép học sinh của mình được học một số môn ở trường đại học Brown (Ivy League)".
Tạo ấn tượng buổi phỏng vấn online
Khoảng thời gian ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Trang tập trung cho việc hoàn thành bài luận để kịp gửi hồ sơ trong đợt tuyển sinh sớm nhất. Lựa chọn giữa hai chủ đề là tranh biện và nghệ thuật.
Khánh Trang chia sẻ: “Mọi người góp ý em cần lựa chọn thế mạnh bản thân là tranh biện để viết bài luận. Nhưng trong bản CV em đã đề cập rất nhiều đến tranh biện nên em muốn lựa chọn chủ đề khác. Vì vậy, em đã lựa chọn chủ đề bài luận là 'cửa sổ tâm hồn'. Em bị cận thị rất nặng, lại bị dị ứng khi đeo kính áp tròng nên khó khăn khi tham gia nhảy múa, biểu hiện cảm xúc của bản thân. Thay vào đó, em tập trung diễn tả bằng ngôn ngữ cơ thể, bằng biểu cảm khuôn mặt”.
Khánh Trang cho rằng bài luận của em không đề cập đến những vấn đề to lớn thay đổi thế giới nhưng xuất phát từ thực tế của bản thân. Nhờ vậy mà các luận điểm của em mang tính thuyết phục cao hơn, là những chia sẻ thật lòng của bản thân.
Một điểm nhấn khác giúp Trang gây ấn tượng với ban tuyển sinh là cách em trả lời trong buổi phỏng vấn online của Đại học Smith. Theo nữ sinh, có thể đây là điểm nhấn thể hiện ưu điểm của bản thân phù hợp với tiêu chí của trường.
“Khi bắt đầu cuộc trò chuyện với giám khảo, em mở đầu bằng cách dí dỏm, chơi chữ một chút khiến cô cười suốt buổi phỏng vấn. Em nghĩ làm chủ cuộc nói chuyện, tạo không khí thoải mái thay vì đơn thuần hỏi đáp sẽ ấn tượng hơn. Em còn nói về bài diễn văn của một cựu học sinh phát biểu khi ra trường. Thậm chí cô còn chưa nghe đến nên rất hào hứng nghe em trình bày”, Khánh Trang nói.
Tháng 8 tới, Khánh Trang sẽ bắt đầu nhập học kỳ đầu tiên tại Smith College. Đây cũng là ngôi trường mà cựu Đệ nhất phu nhân Barbara Bush, Nancy Reagan hay tác giả cuốn tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” nổi tiếng Margaret Mitchell từng theo học.
Trước mắt, Trang vẫn chăm chỉ học tập để hoàn thành hết chương trình phổ thông và tham gia hoạt động tranh biện yêu thích trong câu lạc bộ ở trường.
Bình luận