• Zalo

Nữ sinh bị nước cuốn: Giật mình cống 'nuốt người'

Thời sựThứ Tư, 10/07/2013 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Cái chết thảm của nữ sinh bị nước cuốn khiến nhiều người phải giật mình, bởi ngay tại vị trí này, đã có nhiều người đi đường chịu chung số phận.

(VTC News) - Cái chết thảm của nữ sinh bị nước cuốn khiến nhiều người phải giật mình, bởi ngay tại vị trí này, đã có nhiều người đi đường chịu chung số phận.

Bị nước cuốn là chuyện bình thường

 

Một ngày sau khi xảy ra vụ chết đuối thương tâm khiến nữ sinh viên ngoan hiền Đinh Thị Phương Thảo (23 tuổi, quê Bình Định), là cô lớp phó học giỏi của Khoa Quản trị kinh doanh năm cuối trường ĐH Kinh tế Luật vĩnh viễn ra đi trong nổi đau thương khó lấp đầy của thầy cô, bạn bè và những người thân của em.

Cống thoát nước trên rạch Suối Nhum khá nhỏ nên thường xuyên xảy ra ngập nước mỗi khi mưa lớn.
 

Chiều 9/7, phóng viên VTC News tìm đến hiện trường khu vực rạch Suối Nhum (nối giữa phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM và khu Đại học Quốc gia, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) để ghi nhận. Tuyến đường dẫn vào khu vực KTX khá thưa thớt người qua lại. Mặt đường khá hẹp, không một ánh đèn đường. 


Đoạn đường qua khu vực cống nước tại rạch Suối Nhum rộng chừng 3 mét, hai bên bờ không có lan can, chỉ có vài cọc tiêu nhỏ, phía dưới là vực nước sâu.


Trên bờ cống, đoạn bị sụp lở, những bông hoa cúc còn tươi cánh, vài nén nhang vẫn đỏ lửa mà bạn bè nạn nhân vừa để lại.
 

TP.HCM, rạch Suối Nhum, chết, Ký túc xá, cống, nghẹt nước, sinh viên


Tiếp chúng tôi tại đây, Anh Nguyễn Văn Hoàng cùng đồng nghiệp là anh Lê Văn Ngọt (làm nghề trồng rau, chăn vịt dọc bờ rạch Suôi Nhum) với biệt danh khắc tinh của “thuỷ dữ” qua khu vực cống Rạch Suối Nhum mỗi khi trời mưa bão.

 

Anh Hoàng (người trực tiếp nhảy xuống tìm hai nữ sinh bị nạn) chia sẻ: “Cứ mỗi khi mưa lớn, anh em tôi phải ra chặn hai đầu đường để hỗ trợ những người đi qua đây. Thấy người đi đường gặp nạn khi lưu thông qua khu vực này, cho dù là đêm hôm khuya khoắt hay trời giông bão, chúng tôi cũng phải tìm cách cứu người, bất chấp nguy hiểm”

 

Theo đó, anh Hoàng và anh Ngọt kể về vụ tai nạn làm một sinh viên chết đuối chiều 8/7. Lúc đó, mưa như trút nước khiến đoạn đường qua khu vực cống Rạch Nhum bị ngập sâu. Như nhiều lần trước, hai anh em lại chạy ra đứng chặn hai đầu đường để giúp đỡ và cảnh báo cho người đi đường biết nguy hiểm.

 

Anh Nguyễn Văn Hoàng kể lại sự việc chiều 8/7.


Anh Hoàng cho biết, trước khi hai nữ sinh bị nước cuốn xuống suối, anh Hoàng và anh Ngọt đang đưa một cụ già thu mua phế liệu qua đường.

 

“Tôi nhìn thấy hai cô bé đang chạy lại nên ra hiệu các em dừng xe. Tuy nhiên, tiếng la lớn để cảnh báo vừa dứt thì cũng là lúc chiếc xe máy đã chạy đến giữa dòng”, anh Ngọt kể.

 

Hai anh chưa kịp chạy lại thì hai cô bé cùng xe máy đã bị cuốn phăng xuống dòng nước chảy siết khiến một người bị mất tích, người kia may mắn ngoi lên được mặt nước và bị nước cuốn ra xa.

 

Lúc đó, anh Hoàng và anh Ngọt liền lao xuống ứng cứu. “Tôi thấy cô bé nổi lên mặt nước và đang bị nước cuốn ra xa, hướng lán trại của tôi nên tôi vội bơi theo. May mà cô bé đã nắm được vào một cành cây nên tôi đã nhìn thấy, bơi đến và đưa nạn nhân lên bờ. Còn một người nữa chúng tôi đã cố lặn tìm nhưng không thấy nữa", anh Ngọt kể lại.


Trước khi xảy ra sự việc đau lòng, hai người đàn ông khu vực từng cứu được nhiều người khác  bị rơi xuống dòng nước.

 

Anh Hoàng nói, trước khi được lực lượng chức năng đến tìm kiếm và trục vớt cô bé còn lại (nạn nhân Thảo) lên bờ, trong khoảng thời gian gần 2 giờ liền, anh và anh Ngọt đã liên tục rẽ nước, vạch bụi cây tìm kiếm nhưng vô vọng.

 

“Nước chảy quá xiết, cộng thêm trời tối đen như mực, khu vực lại không có đèn đường khiến chúng tôi bất lực”, anh Hoàng cho biết.

 

Theo anh Hoàng, trước khi xảy ra vụ tai nạn làm nữ sinh Thảo chết thảm, anh từng cứu giúp nhiều trường hợp tương tự.

 

“Tôi không đếm đã bao nhiêu lần nhảy xuống con suối này cứu người, tuy nhiên những lần trước chúng tôi đều cứu được người, còn hôm qua cô bé đó (tức Thảo), tôi bất lực", anh Hoàng cho biết.

 

Theo anh Hoàng, một năm trở lại đây, khi KTX sinh viên hình thành thì việc qua lại tuyến đường này khá nhiều. Vào những ngày mưa, do lỗ thoát nước qua cống khá nhỏ khiến dòng chảy bị ứ đọng, dẫn đến tình trạng ngập úng nên liên tục xảy ra tai nạn với người đi đường vào những ngày mưa lớn.

 

Sẽ xây dựng lại cầu, làm mới đường

 

Đến sáng 9/7, các ban ngành Đại học Quốc gia TP.HCM cũng như Trung tâm quản lý Đô thị; Ban kế hoạch tài chính; Ban quản lý dự án xây dựng đã đến kiểm tra hiện trường nơi xảy ra tai nạn.

 

Ông Huỳnh Ngọc Sang, Giám đốc Trung tâm quản lý Đô thị (Đại học Quốc gia TP HCM) thừa nhận thời gian giần đây, Ban quản lý nhận nhiều phản ánh của người dân về tình trạng mỗi lần mưa lớn gây ngập cống khiến nhiều người dân, sinh viên chạy xe ngang qua cống bị cuốn xuống.

TP.HCM, rạch Suối Nhum, chết, Ký túc xá, cống, nghẹt nước, sinh viên
 Đoạn đường qua khu vực cống khá hẹp, hai bên không có lan can, đường không có đèn chiếu sáng nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
 

"Do ở thượng nguồn, tình trạng người dân xả rác bừa bãi làm nghẹt đường cống. Bên cạnh đó, cống thoát nước tại đây được thiết kế lỗ thoát quá nhỏ nên khi mưa lớn, nước chảy qua không xuể tràn lên mặt đường. Chúng tôi đã thường xuyên cử lực lượng xuống vớt rác, khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên vẫn chưa tránh khỏi tai nạn xảy ra", ông Sang nói.

 

Ông Sang cho biết thêm, khi quy hoạch tổng thể đại học Quốc gia TP HCM năm 1997, đây là con đường vành đai trải đá, bề ngang khoảng 3m. Năm 2008, khi xây dựng khu B ký túc xá đại học Quốc gia, con đường được đưa vào dự án mở rộng bề ngang 26m, dài 1,8 km và được thi công làm 3 giai đoạn với hơn 40 tỷ đồng.


Mỗi lần mưa lớn, nước trên rạch Suối Nhum dâng cuồn cuộn  

Theo đó, Sang cho biết thêm, con đường dẫn vào khu B và đi qua khu vực cống (nơi xảy ra vụ tai nạn) do còn vướng giải tỏa mặt bằng vài chục hộ dân ở phía phường Linh Xuân (quận Thủ Đức) nên con đường này đang được sử dụng tạm bợ để cho người dân đi lại.

 

Tuy nhiên, phía Ban quản lý đã đôn đốc phía UBND quận Thủ Đức nhanh chóng tiến hành đền bù, giải tỏa mặt bằng để Ban quản lý hoàn thành tuyến đường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo các ban, ngành nói trên đến khảo sát và thực hiện ngay việc xây dựng cầu, đường để bảo đảm an toàn cho việc đi lại của hơn 40.000 sinh viên đang tá túc tại khu B.

 

Trong khi chờ kế hoạch được thực hiện, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ cho lắp đặt đèn chiếu sáng, bố trí lực lượng bảo vệ hướng dẫn, cảnh báo người qua lại khi trời mưa lớn.

Phạm Nguyễn

Bình luận
vtcnews.vn