(VTC News) – Thảo luận tại tổ về Bộ luật lao động (sửa đổi) chiều 16/11, nhiều ĐBQH cho rằng, nên có mức chuẩn chung về tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ là 60 tuổi.
Tại đoàn ĐBQH TP Hà Nội, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho rằng, dự thảo Bộ luật lao động (sửa đồi) quy định tuổi nghỉ hưu cho lao động nam là 60 tuổi và lao động nữ là 55 tuổi chưa thể hiện rõ được quyền nghỉ hưu, theo ĐB này, nên để lao động nữ chọn nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ 55-60 tuổi thì mới thể hiện được quyền nghỉ hưu.
Có ĐB cũng nêu vấn đề, nhiều lao động nữ bày tỏ “tôi còn khỏe thế này mà đã phải nghỉ rồi”. Theo ĐBQH Chu Sơn Hà (Ảnh: Kiều Minh)
Tuy nhiên, nên quy định thời gian kéo dài đối với nam không quá 65 tuổi và đối với nữ không quá 60 tuổi.
ĐB Bùi Thị An còn thẳng thắn đưa vấn đề gắn với bình đẳng giới, theo ĐB này thì nam giới và nữ giới cần được làm việc như nhau, đánh giá thành quả lao động như nhau, quy hoạch như nhau, trừ trường hợp làm công việc trong môi trường độc hại, đặc thù thì mới nên cho nghỉ sớm.
“Nếu Đảng và Nhà nước thấy lãng phí chất xám thì cứ sử dụng lao động nữ, sao lại bắt chúng tôi về hưu sớm?! Đề nghị cả nam lẫn nữ đều quy định 60 tuổi nghỉ hưu, đừng quy định ưu tiên thế này lại nảy sinh cho phụ nữ chúng tôi phải xin xỏ thế nọ…” – ĐB An nói.
Đồng tình với ý kiến của ĐB Bùi Thị An, ĐB Chu Sơn Hà nhấn mạnh, nên quy định lao động nữ và nam nghỉ hưu ở độ tuổi 60, căn cứ vào tình hình cụ thể về lao động nặng nhọc hay biên giới hải đảo… thì Chính phủ quy định nghỉ sớm hay muộn nhưng cũng không quá 5 năm.
ĐB Hà cũng nói thêm, những người có trình độ, trí tuệ thì dù về hưu vẫn có thể tiếp tục đóng góp cho xã hội được thông qua các hợp đồng lao động, chứ không hẳn về hưu là lãng phí chất xám.
ĐBQH Bùi Thị An (Ảnh: Kiều Minh)
ĐB An ví dụ, một sinh viên ra trường với hệ số 2,34 x 1,05 triệu đồng = xấp xỉ 2,5 triệu, chi phí cho chỗ ở khoảng 500 nghìn, đi lại khoảng 300 nghìn, còn 1,6-1,7 triệu cho các khoản chi phí khác thì… không làm được gì! Giả sử sinh viên ra trường rồi lập gia đình sớm, 2 vợ chồng lương khoảng 5 triệu thì không đủ mà tái sản xuất.
“Chính phủ nên nghiên cứu lại để người lao động có đủ mức sống tối thiểu, thậm chí nếu có thể thì tạo điều kiện “lo” nhà cho người lao động (như Trung Quốc đã làm), nếu không thì tăng lương cũng… chẳng để làm gì!” – bà An đưa ý kiến.
Về quy định về nghỉ thai sản đối với lao động nữ, nhiều ĐB đồng tình tăng thời gian nghỉ thai sản đến 6 tháng, đây là sự tiến bộ của luật, bảo vệ thế hệ tương lai và chất lượng giống nòi. Hơn nữa, các ĐB cũng cho rằng hiện các nhà trẻ cũng không nhận trông các bé dưới 6 tháng tuổi nên quy định nghỉ thai sản 6 tháng rất thuận lợi cho cả mẹ và bé.
Theo ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh, không nên phân biệt thời gian nghỉ như quy định của dự thảo là 5 tháng đối với lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường và 6 tháng đối với lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà nên thống nhất chế độ nghỉ 6 tháng như nhau, như vậy luật mới khả thi.
“Tôi cho rằng, phụ nữ ở nông thôn hay thành thị, phụ nữ làm việc ngoài nhà nước hay trong nhà nước đều sinh nở như nhau, không nên phân biệt”.
Về thời gian nghỉ Tết âm lịch, một số ĐB đề nghị, không nên băn khoăn về thời gian nghỉ mà luật nên mạnh dạn quy định luôn là nghỉ Tết âm lịch 5 ngày, vì chỉ còn 1 ngày nữa thì “người ta cũng sẽ tìm cách… nghỉ luôn thôi!”. |
Kiều Minh
Bình luận