Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bà Hứa Thị Phấn, cựu cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín - Trustbank, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ, về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.
Cùng bị truy tố với tội danh trên còn có 5 bị can gồm: Bùi Thị Kim Loan, 41 tuổi, kế toán Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Phú Mỹ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn; Lâm Kim Dũng, 64 tuổi, cựu Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang; Huỳnh Thị Xuân Dung, 60 tuổi, cựu Giám đốc Công ty địa ốc Phúc Nguyễn; Lâm Hứa Quỳnh Trinh, 36 tuổi, cựu thủ quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam, chi nhánh Lam Giang, cựu Phó phụ trách phòng Ngân quỹ, Ngân hàng Đại Tín chi nhánh Sài Gòn; Phạm Hồng Hảo, 71 tuổi, cựu nhân viên Ngân hàng Đại Tín.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2007, bà Phấn đại diện nhóm Phú Mỹ (gồm Công ty đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 người trong gia đình) mua gần 85% cổ phần của ngân hàng, giữ chức vụ cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đại Tín - TrustBank.
Lợi dụng là cổ đông lớn nhất, bà Phấn lũng đoạn, nắm quyền chi phối hoạt động của ngân hàng. Cụ thể, bà này đưa người thân quen vào các vị trí lãnh đạo... rồi chỉ đạo họ thực hiện hàng loạt hành vi trái pháp luật.
Tính đến tháng 2/2012, ngân hàng lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 2.800 tỷ đồng. Để chiếm đoạt tiền của ngân hàng, bà Phấn chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch cao gấp 8 lần giá trị thật (154 tỷ đồng), mua bán lòng vòng, sau đó bán lại cho TrustBank hơn 1.256 tỷ đồng, chiếm đoạt hơn 1.105 tỷ đồng.
Ngoài ra, bà còn thông qua Bùi Thị Kim Loan chỉ đạo nhân viên TrustBank tại chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang lập chứng từ hạch toán khống trên hệ thống SmartBank hơn 5.256 tỷ đồng, sau đó đẩy nợ cho Công ty Phương Trang, cấn trừ vào số tiền đã chiếm đoạt.
Nhiều hành vi sai phạm khác của bà Phấn được cơ quan chức năng tách ra thành vụ án khác để điều tra xét xử trong giai đoạn sau.
Trước đó, Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM tuyên phạt bà Phấn 20 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" , 20 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Tổng hợp với bản án 17 năm tù do TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó, bà Phấn phải chấp hành 30 năm tù - mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn.
Bị cáo buộc cùng tội danh, Bùi Thị Kim Loan nhận 28 năm tù, Ngô Kim Huệ 10 năm tù. Cựu chủ tịch Ngân hàng Đại Tín Hoàng Văn Toàn nhận 7 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Ngoài ra, 24 bị cáo khác nhận từ 2 năm tù treo đến 10 năm tù.
Công ty Phương Trang cũng phải hoàn trả lại cho Ngân hàng Đại Tín hơn 6.400 tỷ đồng (hơn 3.900 tỷ nợ gốc, gần 900 tỷ nợ lãi và 1.600 tỷ nợ lãi phát sinh). Riêng các khoản nợ bắt buộc giữa Phương Trang và Đại Tín, Hội đồng xét xử (HĐXX) tách ra để các bên giải quyết bằng vụ án dân sự.
HĐXX cũng yêu cầu tiếp tục kê biên tài sản thế chấp của Công ty Phương Trang để đảm bảo cho việc thanh toán các khoản nợ tại CB (tiền thân là VNCB, Đại Tín). Khi hoàn trả hơn 6.400 tỷ đồng, Phương Trang sẽ được nhận lại toàn bộ tài sản.
Cho rằng bản án sơ thẩm chưa xem xét toàn bộ chứng cứ, bản chất của vụ án, bà Phấn cùng 10 đồng phạm kháng cáo kêu oan, hoặc xin giảm nhẹ hình phạt. Không đồng tình phán quyết về mặt dân sự, 16 người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo.
HĐXX sau đó đã quyết định bác kháng cáo của bà Phấn và 11 bị cáo đồng phạm, giữ nguyên án sơ thẩm.
Bình luận