Dù là dịp 20/10, những công nhân môi trường như chị Trần Thị Vân, Tổ trưởng tổ thu gom rác phường Lê Lợi, Xí nghiệp môi trường Ngô Quyền 1 (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng) vẫn miệt mài với công việc dọn dẹp đường phố.
“Chị lao công như sắt, như đồng...”
Chị Vân đã quen với việc mình phải đi làm trong khi người khác đi chơi, sum họp gia đình, nên không chạnh lòng và vẫn rất vui vì được công ty quan tâm, chăm lo chu đáo.
Gắn bó với nghề từ năm 1999, trong 23 năm không ngừng chăm chút cho các tuyến đường, ngõ phố trên địa bàn quận Ngô Quyền, chị Vân có 17 năm được phân công phụ trách địa bàn phường Lê Lợi. Phường có hơn 2.200 hộ dân, mật độ dân cư đông, nhiều ngõ ngách dài, hẹp nên công việc của công nhân vệ sinh môi trường càng vất vả.
Khó mà kể hết những khó nhọc của nghề mà chị nguyện gắn bó cả đời. Mỗi ngày, từ 3 giờ chiều đến 12 giờ đêm, chị quét dọn và đi bộ đẩy nhiều chuyến xe rác nặng dọc các ngõ phố, đưa về nơi tập kết. Mặc trời nắng như đổ lửa hay mưa gió, giá rét..., cứ vào ca là chị bắt tay vào làm việc, tỉ mỉ, cần mẫn.
“Vất vả nhất là ngày mưa bão, chúng tôi phải “căng mình” dọn dẹp đường phố, có khi vài ngày mới xong. Làm việc từ sáng đến nửa đêm, sáng sớm hôm sau lại tiếp tục làm tăng cường cho đến khi tất cả các đường phố, ngõ ngách trở nên gọn gàng, sạch sẽ”, chị Vân chia sẻ.
Khi các con còn nhỏ, chị đi làm đêm về muộn, sáng hôm sau vẫn phải dậy sớm để cho con ăn uống, đi học. Những ngày lễ, Tết, chị bận hơn, nên không bao giờ đưa được con đi chơi.
Ngày 30 Tết, chị làm từ trưa đến 4,5 giờ sáng mới về, hai con chị ở nhà phải tự thắp hương cúng giao thừa. Bây giờ các con chị đã lớn, nhưng công việc hằng ngày của người công nhân môi trường chẳng bao giờ hết nhọc nhằn.
Ngoài những khắc nghiệt của công việc lao động ngoài trời, nghề làm đẹp đường phố của chị còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như tai nạn giao thông, nhiễm bệnh từ rác thải độc hại... Không chỉ vậy, công việc hằng ngày không tránh khỏi những phức tạp, va chạm...
“Trên tuyến đường chính của phường là đường Lê Lợi có nhiều hộ kinh doanh, trong đó hầu hết là người thuê nhà. Có lẽ vì không phải là chủ nhà nên một số người chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.
Nhiều khi tôi vừa quét dọn sạch, quay lại đã thấy rác chất đống, phải tiếp tục dọn đến khi hết rác. Hay có khi gõ kẻng mà người dân không đem rác ra đổ, nhưng vừa đẩy xe đi thì họ đem rác ra, không thấy xe rác thì họ chửi bới...”, chị Vân kể.
Chỉ mong người dân có ý thức cao hơn
Một khó khăn khác là đối với các loại rác thải cồng kềnh, khó xử lý như đồ nội thất, phế thải vật liệu xây dựng, đồ thủy tinh, sành sứ..., người dân thường bỏ chung với rác thải sinh hoạt hoặc vứt luôn ra đường.
Khi công nhân môi trường nhắc nhở, hướng dẫn họ chở rác đến đúng nơi quy định để có xe chuyên dùng xử lý, nhưng một số người không chịu nghe, mà còn tỏ thái độ khó chịu, to tiếng.
“Những lúc như vậy, tôi rất bức xúc, nhưng luôn xác định mình là người phục vụ người dân, nên tôi cố gắng kiềm chế. Có nhiều khi tôi phải gọi điện cho người đạp xích lô đến chở rác đi, cũng có khi phải gọi tổ trưởng dân phố, cụm trưởng dân cư đến cùng nhắc nhở người dân. Còn đối với loại rác trên mà vô chủ, bị vứt bên đường thì chúng tôi đều phải dọn sạch”, chị Vân chia sẻ.
Đời sống vật chất của người dân ngày càng được nâng cao, rác thải theo đó ngày càng nhiều, công việc của công nhân môi trường càng cực nhọc. Dù vậy, chị Vân luôn vui vẻ với công việc hằng ngày, động viên các chị em trong tổ cùng cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao.
Hiện, chị Vân phụ trách điều hành tổ sản xuất có 10 công nhân, phân công lao động cụ thể, khoa học. Chị cùng tất cả chị em trong tổ vừa làm việc, vừa tích cực vận động người dân giữ vệ sinh môi trường, phân loại rác tại nguồn.
Với sự am hiểu địa bàn phụ trách cùng sự nhiệt tình, trách nhiệm cao với công việc, chị sát sao với từng góc phố, ngõ ngách. Chỗ nào chưa sạch, nơi nào phát sinh nhiều rác..., chị đều tham gia giải quyết kịp thời.
Khi được hỏi về mong muốn của mình, chị Vân trả lời giản dị: “Tôi chỉ mong người dân có ý thức cao hơn, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Đi trên đường mà không thấy rác là tôi vui và cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa với bà con, với thành phố”. Với lương tháng khoảng 6 triệu đồng, chị cũng mong muốn thu nhập được nâng cao hơn để cuộc sống ổn định hơn, yên tâm làm việc.
Dành nhiều lời khen ngợi cho chị Trần Thị Vân, ông Phạm Văn Tấn, Giám đốc Xí nghiệp môi trường Ngô Quyền 1 (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng), nói: “Chị Trần Thị Vân rất chịu khó, năng nổ, trách nhiệm cao với công việc, được mọi người trong công ty cũng như người dân quý mến.
Đơn vị gọi là chị lên đường ngay, không quản ngày lễ, Tết, đêm hôm, nắng mưa, bão gió. Đi tổng vệ sinh, tham gia lao động thời vụ của công ty như trồng hoa Tết, hay hỗ trợ các tổ khác... chị Vân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa làm việc ca kíp, vừa phụ trách điều hành tổ sản xuất, bảo đảm đường sá, ngõ ngách trên địa bàn phường Lê Lợi luôn sạch sẽ.
Chị được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố về thành tích xuất sắc trong công tác năm 2016, nhiều năm liền được trao tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở””.
Bình luận