Chiều 18/7, có mặt tại Bệnh viện K, nơi chiến sỹ công an Đậu Thị Huyền Trâm đang nằm điều trị sau khi hạ sinh đứa con đầu lòng, chúng tôi không thể kìm được nước mắt khi tác nghiệp. Chị Trâm là sản phụ mắc ung thư phổi, đã từ bỏ các biện pháp điều trị ung thư để đảm bảo an toàn cho đứa con trong bụng, chị vừa trải qua một ca phẫu thuật ngồi để sinh con.
Là một người phụ nữ giàu nghị lực, chị Trâm đã kiên cường chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, vượt qua những cơn đau đày đọa cơ thể để nuôi và giữ lại thai nhi trong bụng mà không hề rơi một giọt nước mắt, chưa một lần than trách số phận đã quá khắc nghiệt với mình. Ngay cả khi được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đến thăm hỏi động viên, chị Trâm vẫn không hề "kể khổ", chị chỉ mìm cười và nói: “Cho phép con được ôm bác”.
Chỉ đến khi gặp lại một đồng nghiệp cũ của người cha quá cố chị Trâm mới òa khóc, vừa nắm tay người cán bộ công an, chị vừa nói trong nước mắt: “Bác đến làm con nhớ đến bố nên con thương mẹ và anh con quá. Bác và đoàn thể đến thăm con, con vui lắm con nhìn mọi người mặc quân phục, con muốn mặc lại nó. Con còn nhiều việc muốn làm lắm”.
Được biết, bố của chị Đậu Thị Huyền Trâm là ông Đậu Đình Thuần, trước từng là cán bộ chủ chốt của công an tỉnh Hà Tĩnh, phụ trách lĩnh vực hình sự, từng có thời gian đảm nhiệm vị trí trưởng công an huyện Cẩm Xuyên nhưng đã qua đời nhiều năm trước vì trọng bệnh.
Nghe giọng con gái nghẹn ngào, mẹ chị Trâm nước mắt cũng rơi lã chã, vừa cầm khăn vừa lau nước mắt cho con nói: “Thôi, không khóc nữa, con còn có thằng Gấu đó, sống còn nuôi thằng Gấu chứ”.
Bé Gấu là tên gọi thân mật của con trai vợ chồng chị Đậu Thị Huyền Trâm và anh Trần Mạnh Hà (chiến sỹ công an đang công tác tại tỉnh Hà Tĩnh). Kể về người vợ của mình anh Hà cho biết, 2 anh chị mới kết hôn vào tháng 1/2016. Đến tháng 5, thì chị Trâm phát hiện bị nổi hạch to dọc cổ, nghi bị lao hạch, chị Trâm đi xét nghiệm nhưng không phải. Sau một thời gian dài thăm khám với rất nhiều các cuộc xét nghiệm, cuối cùng vợ chồng chị nhận được kết luận chị Trâm mắc ung thư di căn có thể ung thư tuyến giáp, nghĩ tới ung thư phổi. Lúc ấy chị Trâm đang mang thai.
Nhớ lại khi cầm kết quả trên tay, anh Hà kể: "Tôi và vợ có bàn hướng giải quyết. Không một phút chần chừ, vợ tôi quyết định giữ con và tôi ủng hộ quyết định đó: Không tích cực điều trị ung thư mà nuôi thai"
Do khối hạch to, gây chèn ép, trong phổi lại có một khối u nên chị Trâm thường xuyên rơi vào tình trạng khó thở nhưng vẫn âm thầm chịu đựng đau đớn. Chỉ đến khi quá khó thở, nếu không nhập viện sẽ nguy hiểm tính mạng, chị mới nhập viện K để theo dõi và điều trị. "Nhiều đêm vợ tôi không ngủ được vì đau đớn, mệt mỏi, em không ăn uống được nhiều, men gan lúc cao lúc tháp, chán ăn nên chủ yếu chỉ truyền bịch dinh dưỡng. Những lúc ấy 2 vợ chồng chỉ biết dựa vào nhau, có khi Trâm sẽ mệt quá mà ngủ gục trên vai tôi. Với chúng tôi, những giờ phút ấy chỉ có một hy vọng duy nhất là con".
Đến tuần thứ 29, niềm hy vọng của vợ chồng chị Trâm đã chào đời sau khi chị có biểu hiện bị suy hô hấp cấp. Bé Gấu, nặng 1,2kg hiện dang được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Sau ca mổ ngồi để 'bắt thai', hiện chị Đậu Thị Huyền Trâm đang được điều trị tích cực và tỉnh táo hơn nhiều dù vẫn khó thở do căn bệnh ung thư di căn hành hạ. Chị Trâm vẫn phải ngồi, dựa lưng vào gối và thở ô xy, thân mình gầy gò nhưng 2 chân vẫn đang sưng phù. Chị liên tục được truyền dinh dưỡng, tiêm thuốc.
Chia sẻ về trường hợp của bệnh nhân Đậu Thị Huyền Trâm, bác sỹ Trần Đức Thọ, Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện K Trung ương cho biết: "Hiện, chúng tôi chỉ điều trị hồi sức nâng cao thể lực cho bệnh nhân, chứ chưa điều trị chuyên môn về căn bệnh ung thư. Còn về sức khỏe cháu bé hiện cũng đã ổn hơn, nhưng chúng tôi chưa tiên lượng được điều gì, phải ít nhất là sau 15 ngày hoặc 30 ngày mới có những đánh giá cụ thể".
Trả lời về khả năng chữa trị căn bệnh ung thư phổi của chị Trâm, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó GĐ Bệnh viện K Trung ương cho biết: "Trước khi sinh con sản phụ này đã bị ung thư giai đoạn 4 và có di căn, chúng tôi đã cố gắng chăm sóc kéo dài thời gian.
Vì bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối lại đã di căn sang nhiều bộ phận khác thì rất khó để điều trị triệt để, nên sau khi chăm sóc phục hồi, chúng tôi sẽ chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân".
Video: Thực hư uống nước đun sôi để nguội có thể gây ung thư
Bình luận