Ngoài vai trò của một nhà thiết kế áo dài hàng đầu, nhà thiết kế (NTK) Đỗ Trịnh Hoài Nam còn là một thầy giáo được học trò yêu mến. Trong số các học trò của anh có không ít những CEO, những doanh nhân, nhà thiết kế có tiếng…
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam đã có chia sẻ về nghề và quá trình làm thầy với những câu chuyện thú vị.
- Rất nhiều doanh nhân, học trò gọi anh là “Thầy”. Vậy chữ “Thầy” đối với anh có ý nghĩa như thế nào?
Chữ “Thầy” chính là động lực để hàng ngày tôi cố gắng hoàn thiện mình để trao nhiều hơn nữa những giá trị dành cho xã hội. Có lẽ với tôi, được gọi là Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam đó là đam mê và hạnh phúc của tôi.
- Từng theo học cả trong nước và nước ngoài, theo anh điểm chung và sự khác biệt giữ “Thầy Ta” và “Thầy Tây” trong lĩnh vực thiết kế là như thế nào, thưa anh?
Trong lĩnh vực thiết kế, các thầy cô Việt Nam sinh ra trong một đất nước đang phát triển nên hệ thống đào tạo còn non trẻ chưa gắn nhiều với thực tiễn.
Trong khi đó, các thầy cô nước ngoài được kế thừa một hệ thống đào tạo bài bản từ cơ sở vật chất lẫn kỹ năng đào tạo.
Từ đó, những thầy giáo ở nước ngoài được trải nghiệm trong môi trường hiện đại, tạo ra giá trị thực tiễn từ hệ thống được thừa kế từ nhiều đời trước. Điểm chung của các bậc giáo dục là luôn sống với sứ mệnh của mình để trao giá trị và mong muốn kết quả học trò làm thành công của mình.
Và đặc biệt điểm chung của những nhà giáo dục ở bất kỳ quốc gia nào là liên tục học tập, trau dồi, “học nữa học mãi” để liên tục phát triển bản thân.
- Trong cuộc đời dạy học của mình, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam đã từng nhận “phong bì” cảm ơn của học trò chưa?
Tôi không phải là một giáo viên ở một trường đào tạo nào đó thì thực sự việc nhận phong bì là không có. Nhưng câu hỏi này nhắc nhớ cho tôi một kỷ niệm, trước kia tôi được mời vai trò BGK của cuộc thi thời trang. Có một cậu học trò là sinh viên tham gia cuộc thi có nhờ tôi giúp đỡ.
Tôi hướng dẫn, chia sẻ từ trên phác thảo để bạn đó làm tốt hơn. Sau khi tôi hướng dẫn rất nhiệt tình, cậu học trò rút ví ra tờ 500 nghìn đồng, thì lúc đó tôi rất tức giận.
Bởi lẽ, tôi dạy cậu ta đâu phải vì giá trị vật chất. Sở dĩ gặp tôi không phải vì bạn đó muốn học hỏi mà chỉ vì muốn đút lót tôi.
Sau đó, tôi đã hành động rất quyết liệt và đã dạy bảo cậu những điều về đạo lý để cậu học trò hiểu “tiền rất quan trọng nhưng không phải là tất cả và có những thứ bạn không thể mua được bằng tiền”.
Có lẽ, cậu ta đã hiểu ra điều đó và sau lần thứ 2 hướng dẫn, cậu học trò đã đạt được kết quả rất cao của cuộc thi.
- Vậy kỷ niệm đáng nhớ về tuổi học trò của riêng anh là gì?
Tuổi học trò của tôi thì có quá nhiều kỷ niệm và có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi mà tôi vẫn nhớ mãi là những người thầy hướng dẫn tôi từ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường cho đến khi tôi thành công. Mỗi người thầy đều dạy cho tôi những trải nghiệm.
Có những người thầy ở thời điểm đó tôi cho là không tốt, những người thầy “hay đề cao mình” thậm chí là có thời điểm khiến tôi cảm giác mình bị “hạ thấp” thì lại là động lực và dạy tôi được nhiều điều tuyệt vời hơn. Tôi không cổ súy cho điều này nhưng rõ ràng nó là động lực để tôi có ngày hôm nay.
Có những người thầy là nguồn cảm hứng dành cho tôi, và một trong những người tạo nguồn cảm hứng và làm thay đổi cuộc đời tôi là tiến sĩ Menis Yousry- một người thầy tâm lý đã cho tôi thấy “cuộc đời này mình hạnh phúc thì mình có tiền, nhưng có tiền chưa chắc đã mua được hạnh phúc”.
Đỗ Trịnh Hoài Nam, nhà thiết kế áo dài thành công theo một cách khác biệt. Hơn 20, năm theo đuổi nghề với những giải thưởng về thiết kế, Đỗ Trịnh Hoài Nam là một hiện tượng một cái tên được nhắc đến, được kể thành câu chuyện dài chính từ những ý nghĩa và đam mê với “tà áo dài dân tộc” của anh.
Anh là nhà thiết kế Việt đầu tiên trình diễn thành công bộ sưu tập áo dài sen vàng khai mạc Tuần lễ thời trang NewYork Couture Fashion Week được tổ chức tại New York.
Bình luận