(VTC News) - Lợi dụng mưa dông, tầm nhìn hạn chế tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981, tàu Trung Quốc hung hãn lao đến hòng đâm va, gây sức ép đối với tàu Kiểm ngư Việt Nam.
Trong ngày 13/6, Trung Quốc đang có 116 tàu (42 tàu hải cảnh, 14 tàu vận tải, 18 tàu kéo, 36 tàu cá và 6 tàu quân sự) tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981.
Đặc biệt, các nhóm tàu Trung Quốc chủ động ngăn chặn tàu Việt Nam, ở phạm vi cách giàn khoan từ 8 - 10 hải lý. Các tàu Trung Quốc luôn bám sát tàu Việt Nam trong khoảng 50 - 100 m, chạy với tốc độ cao, có thái độ hung hăng, sẵn sàng đâm húc vào tàu kiểm ngư Việt Nam.
Theo bạn, Việt Nam nên làm gì với giàn khoan trái phép Trung Quốc
|
Cũng theo Cục Kiểm ngư, trong vùng biển Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trời mưa giông và mây mù, biển động, gió giật cấp 6 khiến tầm quan sát bị hạn chế. Tuy nhiên, các tàu kiểm ngư vẫn đang bám trụ trong vùng biển cách giàn khoan từ 10 - 13 hải lý.
Lợi dụng thời tiết xấu, tàu Trung Quốc đâm lén tàu Việt Nam
Lợi dụng biển Đông có mưa dông, tầm nhìn hạn chế tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981, tàu Trung Quốc hung hãn lao đến hòng đâm va, gây sức ép đối với tàu Kiểm ngư Việt Nam - đó là những thông tin mà PV báo ANTĐ cập nhật từ thực địa giàn khoan Hải Dương 981.
Tàu Trung Quốc thường xuyên đâm va, phun vòi rồng vào tàu Việt Nam |
Theo đó, các tàu của Trung Quốc khi nhìn thấy tàu Kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ gần khu vực giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trên vùng biển chủ quyền Việt Nam, đã lao đến bám sát ở khoảng cách từ 50-100 mét và có các hành động thô bạo và nguy hiểm cho tàu Kiểm ngư Việt Nam như tạt đầu, đâm mạn, chạy lùi...
Đặc biệt, tàu Trung Quốc đã lợi dụng thời tiết gần khu vực giàn khoan đang có mưa dông, tầm nhìn hạn chế để chạy với tốc độ cao, đâm lén các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.
Luôn chủ động trong mọi tình huống nên tàu Kiểm ngư Việt Nam đã né tránh an toàn trước những cú đâm va bất ngờ của Trung Quốc.
Các tàu Trung Quốc cũng thường xuyên dàn thành hang ngang, cách giàn khoan 35 hải lý để vây, chặn hướng di chuyển của các tàu cá Việt Nam trong quá trình di chuyển vào gần khu vực giàn khoan để đánh bắt thủy sản.
Thời tiết xấu, tàu Việt Nam khó tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981
Ngày 13/6, vùng biển Hoàng Sa gió biển thổi mạnh, mưa lớn kèm theo sóng cấp 5 đã khiến các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam khó tiếp cận sâu vào khu vực giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép.
Trước tình hình đó, các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam phải thả trôi, chờ thời tiết tốt hơn để thực hiện nhiệm vụ đấu tranh của mình.
Thời tiết xấu, các tàu chấp Pháp Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 |
Nhận thấy hướng tiếp cận khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn nên lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển đã chủ động tăng cường công tác chuẩn bị gia cố các vị trí trọng yếu: cabin cửa sổ, boong tàu nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất mức độ gây thiệt hại về vật chất, con người.
Do tàu cảnh sát biển 2016 chao lắc dữ dội giữa đại dương nên chỉ trừ những người trực làm nhiệm vụ, còn lại các phóng viên và thủy thủ đều phải rút vào trong tàu.
Trung Quốc tiếp tục trơ trẽn vu cáo Việt Nam
Bắc Kinh ngày 13/6 lại tiếp tục vu cáo các tàu Việt Nam đâm va hơn 1.500 vào các tàu Trung Quốc kể từ đầu tháng trước và không thừa nhận việc điều các lực lượng quân sự tới gần giàn khoan Hải Dương-981. Mỹ đã ngay lập tức gọi các tuyên bố này là "hoàn toàn lố bịch".
Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm qua, Phó tổng vụ trưởng Vụ biên giới và đại dương thuộc Bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Dị Tiên Lương, đã vu cáo các tàu Việt Nam đâm các tàu Trung Quốc tổng cộng 1.547 lần kể từ đầu tháng trước.
Ảnh chụp cho thấy tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam |
Ông Dị nói, Việt Nam có 61 tàu trong khu vực, trong khi Trung Quốc có 71 tàu, bao gồm các tàu chính phủ và phụ trợ.
Ông Dị còn nói Trung Quốc sẽ không bao giờ cử các lực lượng quân sự tới gần giàn khoan và còn vu cáo Việt Nam đang cố gắng thúc đẩy một vụ kiện quốc tế.
Trên thực tế, Việt Nam cho biết Trung Quốc luôn duy trì trên 100 tàu gần khu vực giàn khoan. Chính các tàu của Trung Quốc đã tổ chức tấn công các tàu Việt Nam bằng các hình thức như đâm va, phun vòi rồng...
Việt Nam đã cáo buộc Trung Quốc điều 6 tàu chiến tới khu vực gần giàn khoan, nhưng ông Dị nói Bắc Kinh chưa từng cử các lực lượng quân sự.
"Kể từ ngày 2/5 tới nay, và kể cả tới khi các hoạt động khoan dầu hoàn tất, chúng tôi chưa từng và sẽ không bao giờ cử các lực lượng quân sự vì chúng tôi đang tiến hành các hoạt động thương mại, dân sự, thông thường", ông Dị nói.
"Tôi chỉ có thể nói rằng đây là một tuyến đường biển và đôi khi có các tàu quân sự của Trung Quốc trở về từ phía nam đi ngang qua nhưng các tàu này ở xa nơi đặt giàn khoan dầu", ông Dị bao biện.
Hoàng Sa, Trường Sa hiển nhiên là của Việt Nam
Những hiện vật, tài liệu đang được trưng bày tại huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, đã góp phần khẳng định vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bằng máu xương, công sức, mồ hôi và nước mắt, các thế hệ người Việt đã bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, trong đó có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Tại gian trưng bày “Nhà nước phong kiến Việt Nam thực hiện chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” có bốn tấm bản đồ cổ do người phương Tây vẽ. Đây được xem là một trong những bằng chứng khách quan, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Khách tham quan các hiện vật, là minh chứng cho chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa |
Một trong số đó là tấm bản đồ "An Nam đại quốc họa đồ" của Giám mục Taberd, xuất bản năm 1838 ghi rất rõ: "Quần đảo Hoàng Sa thuộc nước An Nam," đồng thời thể hiện phần lãnh thổ của Trung Quốc không hề có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Hàng loạt Châu bản triều Nguyễn được trưng bày ở ngay phía cửa trước Phòng Truyền thống đảo Nam Yết cũng nhắc đến việc thực thi chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Nhà nước phong kiến Việt Nam.
Ở một góc khác trong phòng này là bản sao "Giấy chứng sinh" do đại diện phái đoàn nước An Nam làm ở đảo Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa, ngày 28/8/1940, ghi thông tin: "Họ và tên của em bé: Mai Kim Quy. Giới tính: Nữ. Ngày và nơi sinh: 7/12/1939, lúc 15 giờ tại đảo Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa. Là con gái ông Mai Xuân Tập, nhân viên khí tượng và bà Nguyễn Thị Thắng, nội trợ. Người làm chứng thứ nhất: Nguyễn Tăng Chuẩn, bác sỹ Đông Dương. Người làm chứng thứ hai: Đỗ Đức Mai, Giám đốc Đài Phát thanh. Đại diện phái đoàn ký tên: Chauvet."
Các cán bộ Phòng Truyền thống đảo Nam Yết còn cho biết thêm, đợt khai quật năm 1993-1994, 1995 và 1999 ở Trường Sa do Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành đã tìm thấy nhiều di tích, di vật thời đại văn hóa Sa Huỳnh vốn ở vùng ven biển miền Trung Việt Nam cách ngày nay khoảng 2.000 năm, và gốm, sứ, sành thời nhà Trần, Lê, Nguyễn...
Những cứ liệu này đã chứng minh, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã trải qua bao thăng trầm nhưng việc thực thi chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa luôn tiếp nối liên tục và thống nhất.
Hà Minh(tổng hợp)
Bình luận