Nhiều chính sách đang hướng tới để hỗ trợ cho các chuỗi liên kết, tuy nhiên đã đến lúc cần xác định những mô hình liên kết thực sự có tính lan tỏa để giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và cho ra đời những sản phẩm nông nghiệp mang tầm quốc gia.
Tắc đầu ra vì thiếu niềm tin
Những ngày đầu năm 2015 khi thông tin công ty Ba Chữ “đổ buôn” số lượng lớn rau không rõ nguồn gốc rồi gắn mác rau an toàn (RAT) vào các siêu thị lớn tại Hà Nội như Metro, BigC, Lotte Mart... khiến người dân hết sức hoang mang vì không biết phân biệt thật giả RAT như thế nào.
Thực tế Công ty Ba Chữ có 6,3ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất RAT. Tuy nhiên so với nhu cầu thực tế của khách hàng thì đơn vị này vẫn còn thiếu khoảng 300kg/ngày. Đại diện Công ty Ba Chữ cho biết họ còn liên kết với 5 HTX trên địa bàn các xã Vân Nội, Tiên Dương và Bắc Hồng để nhập thêm khoảng 200 - 300kg/ngày. Phía Công ty đã xuất trình được hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ. Chủng loại rau của Công ty cũng tương đồng với thông tin cán bộ bảo vệ thực vật địa phương cung cấp...
Tuy nhiên, khi vụ việc được làm rõ thì vụ tết năm đó người dân trồng RAT trong cả xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội vẫn bị thất thu mạnh. Người tiêu dùng không còn tin vào thương hiệu RAT ở đây nữa. Riêng Công ty Ba Chữ không khỏi lao đao..
Câu chuyện của doanh nghiệp này khá điển hình cho vòng luẩn quẩn của sản xuất nông sản an toàn hiện nay: đầu tư cao, thu về giá trị kinh tế cao do nhu cầu lớn. Nhưng khi nhu cầu quá lớn mà vùng sản xuất không đáp ứng được thì lập tức “vỡ trận”. Không nhắm mắt trà trộn sản phẩm kém chất lượng thì đành ngậm ngùi bỏ qua những đơn hàng ùn ùn kéo đến.
Nút thắt ở đây chính là việc doanh nghiệp không gắn với vùng sản xuất của người dân và tạo sự lan tỏa trong sản xuất. Khi doanh nghiệp đơn thuần chỉ là những thương lái làm động tác mua đi bán lại thì chắc chắn cầu nối này sẽ không thể bền vững ở thị trường hiện nay. Khi cầu nối bị gẫy, người sản xuất sẽ “hứng đủ” đòn dội chợ vì không thể mang lượng lớn nông sản đã canh tác mang đi bán lẻ hết được.
Để tránh những câu chuyện như trên xảy ra, ngành nông nghiệp đang tìm kiếm những mô hình liên kết giữa người dân sản xuất và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ có tính lan tỏa mạnh. Tính lan tỏa đó được hiểu là sự kết nối của doanh nghiệp có công nghệ đến không chỉ một vài và rất nhiều hộ nông dân sản xuất, từ đó người dân sẽ học được cách thức canh tác tiên tiến và đoàn kết sản xuất trên một vùng nguyên liệu rộng lớn.
Liên kết “đổi đời”
Mô hình liên kết có tính lan tỏa như trên đã bắt đầu xuất hiện. Điển hình nhất gần đây là Tập đoàn Vingroup khởi động chương trình liên kết với 1000 hộ nông dân và hợp tác xã trong sản xuất rau sạch. Chương trình chính thức triển khai từ 1/9/2016 với tổng ngân sách khoảng 300 tỷ đồng cho năm đầu tiên. Điều kiện tham gia là các hộ sản xuất có quy mô tối thiểu trên 1 ha, cam kết sản xuất nông sản sạch, an toàn; ưu tiên những hộ sản xuất đã đạt tiêu chuẩn VietGap hoặc chuyên sản xuất trái cây đặc sản theo vùng miền.
Theo đó, thông qua Công ty Đầu tư Phát triển Sản xuất Nông nghiệp VinEco (“VinEco”), Vingroup sẽ: Trực tiếp đào tạo và hướng dẫn các hộ nông dân có nhu cầu về quy trình sản xuất sạch; Hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật và giống; Kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất và trước thu hoạch; Thu mua sản phẩm và hỗ trợ phát triển thương hiệu. Với việc kiểm soát khép kín từ đồng ruộng đến siêu thị, Chương trình sẽ cắt giảm được tối đa các khâu trung gian, tập trung nâng cao chất lượng nông sản cung ứng ra thị trường.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng điều phối BCĐ Quốc gia về Nông thôn mới đánh giá đây là hướng đi tất yếu. “Vingroup đưa ra thương hiệu nông nghiệp là VinEco, họ đã chủ động được một phần nguyên liệu thực phẩm sạch bằng một số trang trại như ở Tam Đảo, Long Thành… Tuy nhiên những trang trại này họ phải tự vận hành toàn bộ và sản lượng cũng không thể đáp ứng được nhu cầu về thực phẩm sạch ngày một lớn. Nên việc chủ động liên kết với nông dân và chuyển giao công nghệ cho người dân sẽ tạo được sự lan tỏa sản xuất rất tốt, từ đó mới có được lượng hàng hóa đủ lớn để phục vụ thị trường”, ông Tiến phân tích.
Bằng kinh nghiệm của mình, ông Tiến cho biết thêm, ở đâu sản xuất nông nghiệp chỉ có doanh nghiệp vào thu mua hay bao tiêu, thậm chí tự xây dựng vùng sản xuất thì người dân địa phương đó ít cơ hội “đổi đời”. Nhưng ở đâu doanh nghiệp vào ký kết liên kết với nông dân để dân trực tiếp sản xuất thì chỉ vài năm đời sống người dân sẽ thay đổi rõ rệt.
Trong một cuộc tọa đàm mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đánh giá, để tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, doanh nghiệp là hạt nhân cốt yếu. Đánh giá về những mô hình của Vingroup, Bộ trưởng Cường cho rằng, việc Vingroup đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu VinEco là điều đáng mừng. Việc sản xuất trên quy mô lớn có điều kiện cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản trị sẽ tạo nhiều việc làm hơn, thu nhập của người dân, doanh nghiệp và tổ chức sản xuất cũng cao và bền vững hơn.
Ở đâu sản xuất nông nghiệp chỉ có DN vào thu mua hay bao tiêu, thậm chí tự xây dựng vùng sản xuất thì người dân địa phương đó ít cơ hội “đổi đời”. Nhưng ở đâu DN vào ký kết liên kết với nông dân để dân trực tiếp sản xuất thì chỉ vài năm đời sống người dân sẽ thay đổi rõ rệt. (Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng điều phối BCĐ Quốc gia về Nông thôn mới)
Các hộ sản xuất, hợp tác xã muốn tham dự Chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” của Tập đoàn Vingroup liên hệ qua: http://vineco.net.vn/ Hotline: 1800 6880 - Email: [email protected]
Bình luận