• Zalo

Nông dân thuần phục thảo dược ‘ông uống, bà khen’ thu bạc tỷ

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 29/10/2014 02:19:00 +07:00Google News

Từ loại cây hoang dại sống dưới tán rừng già nay được người dân đưa về trồng, chỉ sau 3 năm, ba kích đem lại giá trị kinh tế hơn 1 tỷ đồng/ha.

Nằm trên dãy Trường Sơn cao hơn 1.000m, xã Lăng (Tây Giang, Quảng Nam) được thiên nhiên ban tặng loài cây dược liệu ba kích tím quý hiếm.


Từ loại cây hoang dại sống dưới tán rừng già nay được người dân đưa về trồng, chỉ sau 3 năm, ba kích đem lại giá trị kinh tế hơn 1 tỷ đồng/ha.

Nghe ông tiến sĩ, đắc tội với Giàng

Cây ba kích được ví là thần dược “ông uống bà khen”. Ba kích mọc tự nhiên, khi biết được công dụng, người ta săn lùng khiến cho cạn kiệt. Trong đó, xã Lăng, huyện Tây Giang được núi rừng Trường Sơn bao bọc ban tặng cho nguyên một vùng “thần dược” nhưng nay đã cạn kiệt.

Để cung cấp cho thị trường, người dân nơi đây đã nhân giống thành công loại cây này và cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhắc đến người đầu tiên trồng ba kích ở miền biên ải này, người dân chỉ cho chúng tôi gặp ông Bríu Pố, ở thôn A Rớh, xã Lăng.
Củ ba kích tím 
Nhà ông Pố nằm ngay trung tâm xã nhưng tìm gặp thì phải vào trang trại trong núi. Ba kích được ông trồng dưới rừng cây nguyên sinh. Hỏi về việc trồng ba kích, ông Pố bảo: “Mấy khi các con lên đây. Có việc gì cứ từ từ hãy làm. Vào đây làm cái này trước rồi nói chuyện mới hay”.

Nói xong, ông Pố xách ra can rượu 5 lít ngâm ba kích màu tím ngắt. Tôi đùa ông Pố: “Bố định giết chúng con ạ? Bố mang ra nhiều vậy uống cả tuần cũng không hết đâu”.

"Từ hiệu quả kinh tế của cây ba kích, lãnh đạo huyện Tây Giang đã xác định ba kích không chỉ là cây thuốc quý mà còn là cây xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Huyện không chỉ khuyến khích mà còn cung cấp giống miễn phí cho người dân để nhân rộng. Việc trồng ba kích còn góp phần bảo vệ những cánh rừng tự nhiên", anh Hùng cho biết.
Ông Pố cười: “Các con đừng lo, rượu ngâm ba kích uống không biết say, biết mệt! Nếu có say thì mai cũng tỉnh bơ, chẳng đau đầu như mấy thứ rượu ở dưới xuôi mô. Bố già rồi cũng làm được nửa lít và lên nương bình thường, chứ uống mấy chén ăn thua chi”.


“Chào bàn” hết mấy lượt, ông Pố bắt đầu tiết lộ việc mình trồng ba kích.

Ông kể: “Việc bố trồng ba kích cũng đơn giản thôi. Vào năm 2006, bố cùng tiến sĩ Ngô Văn Trại ở Hà Nội vào Tây Giang khảo sát cây dược liệu ở khắp núi rừng xã Lăng. Tại đây, tiến sĩ Trại phát hiện dưới tán rừng tự nhiên có cây ba kích tím. Tiến sĩ bảo đây là loài dược liệu quý, chữa được nhiều bệnh".

Qua hướng dẫn của tiến sĩ Trại, năm 2007, Bríu Pố mày mò ươm và trồng thành công giống ba kích. Ban đầu ông Pố trồng vài cây, rồi lên đến vài trăm cây. Những thành quả ban đầu được bao nhiêu, ông Pố đem ngâm rượu và biếu người thân…
Ông Bríu Pố chăm sóc vườn ươm ba kích 
Dần dần người ta tìm đến nhà và mua với giá từ 40.000 đồng, sau đó đẩy lên 500.000 đồng/kg. Thấy được hiệu quả kinh tế, ông Pố nhân rộng, đến nay đã gần 2ha dưới chân núi A Dương, xã Lăng.

Theo ông Pố, giờ kể lại chuyện đưa ba kích về trồng nghe đơn giải lắm, còn ngày trước ông lên rừng cắt từng cây ba kích dài khoảng 30-60cm đem về trồng không ít người bảo ông là người điên, người khùng.

Theo quan niệm của người Cơ Tu, ba kích là cây thuộc về tự nhiên, cây của Giàng (trời) làm sao trồng được. Chẳng một ai tin rằng, ba kích trồng sẽ sống.

Thậm chí có người còn cảnh bảo, nếu ai liều mạng trồng ba kích, Giàng sẽ phạt tội. Thế nhưng sau nhiều năm ông Pố đã chứng minh cho bà con thấy, trồng ba kích còn dễ hơn khoai. Cắt ngọn giâm dưới tán rừng và đợi ngày thu hoạch, chẳng bón phân nhưng “đẻ” hàng trăm triệu đồng/ha.

Sau khi trồng ba kích thành công, ông Pố bắt tay sang nhân giống. Ngoài việc ươm từ hạt, cây ba kích còn được Bríu Pố giâm bằng nhánh kiểu như trồng dây khoai lang, cắt từng khúc ngắn rồi cho vào bầu, làm như vậy khi đưa ra trồng ngoài rừng tỷ lệ sống rất cao.
Ông Bríu Pố thu hoạch cây ba kích 
“Thú thực, bà con ở đây có biết là cây chi mô, người Cơ Tu gọi ba kích là cây ruột gà, vì nó rất giống. Cây mọc trong rừng và cũng chẳng ai đoái hoài đến. Khi nghe nói vậy thì mới biết nó quý thôi.

Cũng lạ lắm, cả vùng đất Tây Giang nhưng chỉ ở xã Lăng mới trồng được. Ba kích là loại dây leo, thích bóng râm nên dân làng đã cho trồng xen trong rừng để có bóng mát và cây leo bám. Giờ thấy hiệu quả, nhiều người cũng trồng ba kích đem bán”, ông Pố kể.

Giấc mơ của Phó Chủ tịch xã


Người dân và chính quyền xã Lăng làm một phép tính chẳng dài dòng mà lợi nhuận đem lại vô cùng lớn. Họ khẳng định, 1ha đất trồng cây ba kích với thời gian trong vòng 3 năm sẽ bỏ túi hơn 1 tỷ đồng.

Theo Đông y, ba kích vị cay, chát, ngọt, tính ôn, có tác dụng ấm thận, tráng dương, khỏe gân cốt, trừ phong thấp. Nước sắc ba kích có tác dụng làm hạ huyết áp, tăng sức dẻo dai, tăng sức đề kháng của cơ thể, chống viêm. Ngoài ra còn điều trị liệt dương, xuất tinh sớm ở nam giới, phụ nữ khó thụ thai…
Nghe vậy, tôi chợt nghĩ rồi mai đây miền sơn cước này không chỉ thoát nghèo mà còn có khả năng trở thành vùng đất của nhiều tỉ phú!


Anh Bríu Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Lăng, quả quyết: “Trồng 1ha cho 1 tỷ đồng là có thật”. Rồi anh Hùng nhẩm tính: Bình quân 1ha trồng được 10.000 cây ba kích tím, thời gian sinh trưởng trong vòng 3 năm cho thu hoạch 5 cây cho 1kg củ. Tính ra sẽ được 2 tấn, với giá bán 500.000 đồng/kg thì 1 tỷ đồng chạy đâu cho thoát".

“Đấy là tôi tính bình quân vậy, chứ ba kích trồng ở những cánh rừng nguyên sinh, có lớp mùn dày thì 3 cây sau 3 năm cho 1kg củ. Hiện thương lái nhiều nơi lặn lội đến xã Lăng săn lùng liên tục nhưng chẳng có mà bán.

Người dân địa phương thu hoạch ba kích từ việc trồng hoặc khai thác ngoài tự nhiên được củ nào là người ta mua sạch”, ông Hùng nói.

Hiện anh Hùng làm công việc chính ở xã, nhưng cũng đầu tư nhà lưới và thuê nhân công sản xuất (SX) giống cây ba kích. Qua 3 năm thử nghiệm từ vườn ươm đến trồng ngoài rừng cho kết quả tốt.
Ba kích dùng để ngâm rượu có màu tím ngắt 
Vườn ươm cây ba kích đem lại cho anh Hùng hàng trăm triệu đồng/năm 
Cơ sở SX của vị Phó Chủ tịch xã Lăng sắp cho ra lò 3 vạn cây giống. Với giá bán 7.000 đồng/cây, anh Hùng thu về hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, anh đã trồng 2ha để lấy củ.

Anh Hùng chia sẻ: “Ngày trước, người dân lấy cây ngoài tự nhiên về trồng, do đó tỷ lệ sống không cao. Cây tôi làm ra được ươm trong bầu và phát triển tốt, nếu đem trồng thì sống gần như 100%. Cũng vì thế, số cây trên đã được bà con đặt mua hết, sắp tới tôi sẽ SX cung cấp cho các chương trình, dự án với số lượng lớn hơn”.

Liên quan đến giá cả, anh Hùng bộc bạch: “Bây giờ lấy đâu ra ba kích tự nhiên nữa, trong khi nhu cầu người sử dụng không chỉ riêng ở Tây Giang mà thị trường cả nước đều ưa chuộng. Ba kích Tây Giang được đánh giá chất lượng rất tốt thì không lẽ gì trồng ra mà không bán được”.


Theo Đắc Thành (Nông nghiệp VN)
Bình luận
vtcnews.vn