Trên các nền tảng mạng xã hội, nghề livestream bán hàng đang phát triển ngày một mạnh mẽ. Bất kỳ sản phẩm nào cũng có thể được rao bán qua hình thức livestream. Không nằm ngoài xu thế, nhiều nông dân cũng nhanh chóng nắm bắt thời cơ làm giàu bằng cách làm chủ công nghệ.
Vừa kết thúc phiên livestream bán cây cảnh vào những ngày cuối tháng 8, chị Đỗ Thị Trang (Nam Định) cùng nhóm của mình tổng kết lại doanh thu trong một tháng vừa qua. Với khoảng 15 ngày livestream bán hàng, doanh thu mà nhóm chị nhận được lên tới hơn 600 triệu đồng. Sau khi trừ hết vốn, chia lợi nhuận ra, nhóm 4 người của chị thu nhập được vài chục triệu đồng mỗi tháng/người.
“Cây cảnh không giống các loại sản phẩm khác, mức chi phí bỏ ra để mua cây về bán khá lớn. Do đó, dù doanh thu lên tới vài trăm triệu nhưng có tới 2/3 trong đó là tiền vốn chúng tôi bỏ ra mua cây. Thu nhập của mỗi người chỉ khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng. Con số này cũng có thể coi là ổn định với nghề nông”, chị Trang nói.
Theo chị Trang, việc livestream bán cây cảnh trên mạng xã hội giúp chị có thể quảng bá sản phẩm của mình tới tệp khách hàng trên cả nước chứ không phải ngồi đợi khách tới vườn xem như nhiều năm trước. Do đó, chỉ cần chăm chỉ giới thiệu sản phẩm là sẽ có người mua.
“Thông thường, đầu buổi livestream sẽ bán được giá tốt hơn còn cuối buổi nhiều khi sẽ phải bán hòa, thậm chí bán lỗ để thoát hàng tồn, hôm sau bán những cây khác”, chị Trang nói.
Việc livestream bán hàng trên mạng với chị Trang là một công việc đòi hỏi sự tìm tòi, sáng tạo và nhiều kinh nghiệm. Những người ở vùng nông thôn như chị phải đầu tư theo học các khóa livestream bán hàng, mua trang thiết bị máy móc. Những ngày đầu chưa quen, không có người xem, giới thiệu cây không có người tương tác, cả buổi ngồi nói chuyện một mình, nhiều người phải bỏ cuộc vì không vượt qua được tâm lý chán nản.
Anh Nguyễn Văn Thạch (sinh năm 1983, Hưng Yên) cũng đang dần làm quen với công việc livestream hàng ngày để bán các sản phẩm cây cảnh trên mạng xã hội Tik Tok, Facebook. Theo anh Thạch, ban đầu anh nhận sửa cây thuê cho một nhà vườn trong làng để họ livestream bán hàng. Quá trình làm việc cùng, anh âm thầm học hỏi và nhận thấy hiệu quả lớn của việc bán hàng qua hình thức này.
Vì thế, anh đã đầu tư theo học và tách ra làm riêng. Mỗi ngày anh Thạch dành khoảng 5 tiếng để livestream bán hàng, cây cảnh của anh có giá dao động từ vài trăm nghìn cho đến vài chục triệu đồng.
“Mỗi buổi livestream chỉ cần có khách chốt mua 1-2 cây to là tôi có nhận về doanh thu vài chục triệu đồng, nếu tính mỗi tháng có thể lên đến nửa tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này chưa trừ khoản vốn nhập cây và những chi phí khác như thuê người chăm sóc, phân bón...Tôi cũng luôn phải xoay vòng vốn để nhập cây khác về bán. Nếu livestream không thường xuyên, khách hàng dễ bỏ theo dõi, không quan tâm nữa thì cũng không bán được”, anh Thạch nói.
Sau khi những sản phẩm cây cảnh được khách chốt mua, những người nông dân livestream bán hàng sẽ chịu trách nhiệm đóng gói, gửi xe tới tận địa chỉ người mua. Khi người mua kiểm tra thấy cây đúng như trên phiên livestream mới cần phải thanh toán nốt.
“Thi thoảng chúng tôi cũng phải gặp nhiều rủi ro. Khách chốt mua cây trị giá tới vài chục triệu đồng nhưng chỉ cần đặt cọc 3-5 triệu. Riêng chi phí chuyển cây cho các khách ở xa, nhất là khu vực miền Trung, miền Nam, giá cước có thể lên tới hàng chục triệu đồng. Nếu vào đến nơi khách không nhận và trả cây về thì số tiền thiệt hại sẽ là rất lớn”, anh Thạch cho biết thêm.
Trong khi đó, anh Đỗ Đình Nam (chủ nhà vườn Thành Nam) là người có kinh nghiệm livestream bán hàng lâu năm lại kiếm tiền bằng cách đi livestream bán hàng thuê cho các nhà vườn trong làng.
“Do tài khoản của tôi có lượng người theo dõi lớn và ổn định, nhiều khách hàng quen biết lâu năm nên tỷ lệ khách chốt mua trong các phiên livestream thường khá lớn. Nhiều nhà vườn trong làng thấy thế thuê tôi livestream bán các sản phẩm cây cảnh của họ với mức chiết khấu 5% mỗi đơn hàng. Việc này giúp tôi có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng mà không cần phải bỏ vốn”, anh Nam nói.
Bình luận