• Zalo

Nóng chiều 14/6: Tàu pháo Trung Quốc ngụy trang áp sát tàu Việt Nam

Thời sựThứ Bảy, 14/06/2014 04:35:00 +07:00Google News

(VTC News) - Tàu hải cảnh 13 thực chất là tàu pháo giả dạng, đang tìm cách áp sát, đe dọa tàu cảnh sát biển Việt Nam.

(VTC News) - Tàu hải cảnh số hiệu 13, thực chất là tàu pháo giả dạng, bởi trên tàu này có gắn 4 buồng pháo loại 76 li đã tìm cách áp sát, đe đọa tàu cảnh sát biển 4032.

Tàu pháo Trung Quốc "ngụy trang" áp sát tàu Việt Nam
Sáng 14/6, mặc dù biển động, gió tây nam cấp 5, giật cấp 6 nhưng các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam vẫn tiếp tục cơ động tìm cách đi sâu vào khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 để tuyên truyền, xua đuổi các tàu Trung Quốc rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Phóng viên báo Tuổi trẻ có mặt tại thực địa cập nhất, khi các biên đội 8 tàu kiểm ngư và cảnh sát biển, trong đó có tàu KN 22 tiến vào khu vực giàn khoan Hải Dương 981 theo hướng đông - đông nam đã gặp đội tàu hơn 10 chiếc của Trung Quốc lao ra cản trở. 
Tàu Trung Quốc truy đuổi, vây ép tàu chấp pháp Việt Nam 
Cùng với các hoạt động cản trở tàu Việt Nam, tàu Trung Quốc còn ngang ngược dùng loa phát thông tin cho rằng tàu Việt Nam đang xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc.
Tàu hải cảnh số hiệu 13 đã tìm cách áp sát, đe đọa tàu cảnh sát biển 4032. Đáng nói, tàu hải cảnh 13 thực chất là tàu pháo giả dạng, bởi trên tàu này có gắn 4 buồng pháo loại 76 li.
Cách khu vực giàn khoan 4 hải lý, một tốp các tàu hải cảnh lớn của Trung Quốc tự bật vòi rồng phun lẫn nhau không rõ lý do - thông tin do PV báo Tuổi trẻ cập nhật từ thực địa.

Theo bạn, Việt Nam nên làm gì với giàn khoan trái phép Trung Quốc

  • Kiên trì dùng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư buộc rút giàn khoan
  • Kết hợp đấu tranh pháp lý và đấu tranh ngoại giao
  • Kiện ra tòa án quốc tế
  • Tuyên truyền cho người Trung Quốc hiểu thực chất vấn đề
  • Ý kiến khác (comment ở cuối bài)
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến
Trong sáng nay, tàu cảnh sát biển CSB 4032 là tàu áp sát sâu nhất vào khu vực giàn khoan với khoảng cách chừng 8,5 hải lý. Tàu cảnh sát biển 4032 đã bị 2 tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát.
Sau một hồi rượt đuổi bất thành, các tàu Trung Quốc rút lui trở lại khu vực giàn khoan. Các tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư trong biên đội của tàu KN 22 được lệnh rút ra khỏi khu vực giàn khoan khoảng 13 hải lý.
Việt Nam tiếp tục phản đối Trung Quốc tại Hội nghị UNCLOS
Tại hội nghị lần thứ 24 các nước thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) diễn ra tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Việt Nam tiếp tục lên tiếng phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên UNCLOS phản đối các hành vi đơn phương của Trung Quốc gây căng thẳng tại Biển Đông.
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của hội nghị ngày 13/6, Đại sứ Lê Hoài Trung, chỉ rõ trong những năm qua, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Công ước, nghiêm túc thực hiện các quy định của Công ước và nỗ lực góp phần duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực Biển Đông - vùng biển có ý nghĩa quan trọng không chỉ về kinh tế, phát triển đối với các quốc gia ven biển mà còn cả về giao thông, thương mại đối với các quốc gia ngoài khu vực.
Đại sứ Lê Hoài Trung dẫn đầu Đoàn Việt Nam tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Đại sứ Lê Hoài Trung đã thông báo tới hội nghị về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và huy động hàng trăm tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự và máy bay, đâm va, phun vòi rồng vào các tàu dân sự của Việt Nam.
Đặc biệt tàu Trung Quốc còn đâm chìm 1 tàu cá của Việt Nam với 10 ngư dân trên tàu khi tàu đang hoạt động đánh bắt bình thường tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh: "Việt Nam đã có trên 30 cuộc giao thiệp ở các cấp và qua các kênh khác nhau để yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống nhằm tạo một môi trường thuận lợi cho việc đối thoại. Đến nay, Trung Quốc không những không đáp ứng tích cực yêu cầu của Việt Nam cũng như lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế mà còn tiếp tục những hành vi sai trái nói trên của mình.
Tại hội nghị, Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức rút giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam và giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán hay các biện pháp hòa bình khác phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển."
Những hành động gây hấn liên tục của Trung Quốc tại khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 

Đại sứ Lê Hoài Trung đánh giá cao sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với tình hình căng thẳng hiện nay tại Biển Đông, và kêu gọi cộng đồng quốc tế, trong đó có các thành viên của UNCLOS tiếp tục quan tâm đến tình hình Biển Đông, phản đối các hành vi đơn phương gây căng thẳng, đồng thời ủng hộ việc không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong phần thảo luận, đoàn Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tiếp tục chỉ ra tính bất hợp pháp của việc đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đồng thời bác bỏ những quan điểm sai trái và xuyên tạc của Trung Quốc trình bày tại hội nghị.
Tại hội nghị, nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Philippines, Malaysia… cũng đã phát biểu bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, kêu gọi các bên kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS, đồng thời đề nghị các bên tranh chấp nghiêm túc chấp hành Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng kết thúc đàm phán về Bộ quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC).
Quan chức Mỹ phản bác tuyên bố "lố bịch" của Trung Quốc
TTXVN dẫn nguồn tin của Reuters, một quan chức cấp cao Mỹ tại Washington phản bác tuyên bố của Trung Quốc không bao giờ điều các lực lượng quân sự đến khu vực diễn ra cuộc tranh chấp với Việt Nam liên quan đến giàn khoan dầu Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981) ở Biển Đông, cho rằng tuyên bố này "rõ ràng là lố bịch."
Trước đó, ngày 13/6, Vụ phó Vụ Biên giới và Hải đảo thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dịch Tiên Lương, nói rằng Bắc Kinh không bao giờ điều các lực lượng quân sự đến khu vực diễn ra cuộc tranh chấp ngày càng quyết liệt với Việt Nam liên quan đến giàn khoan dầu Hải Dương-981 ở Biển Đông và cáo buộc Hà Nội tìm cách xúc tiến một vụ kiện quốc tế.
Những ngày qua, tàu Trung Quốc không ngừng đâm va, phun vòi rồng và uy hiếp tàu Việt Nam tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 

Quan chức Mỹ nói trên cũng đồng thời cho rằng Bắc Kinh đang sử dụng không quân, hải quân và các phương tiện của lực lượng hải cảnh để “hăm dọa các nước khác.”
Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhưng chỉ trích mạnh mẽ cách hành xử của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền, và kêu gọi đàm phán để tìm ra giải pháp. 
Theo quan chức trên, tuyên bố của ông Dịch Tiên Lương là “nỗ lực không thuyết phục nhằm lấp liếm những gì mà Trung Quốc đang làm trên thực địa”.
Ông nhấn mạnh: “Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện quân sự lớn mạnh và liên tục gần giàn khoan dầu kể từ ngày 2/5 khi họ hạ đặt giàn khoan này, trong đó có máy bay trực thăng và chiến đấu cơ quần thảo phía trên và xung quanh giàn khoan. Hiện nay có nhiều tàu quân sự có mặt ở khu vực gần giàn khoan”.
Quan chức trên nói rằng, ngày nào cũng có tàu chiến của hải quân Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp với Philippines.
Nhắc lại lời chỉ trích của Mỹ đối với cách Trung Quốc xử lý tranh chấp trên biển với các nước láng giềng, quan chức này cho rằng, các hành động của Trung Quốc “đang tạo ra những bất đồng nghiêm trọng” trong quan hệ với Washington.
Hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt bám biển
Chiều 13/6, tại TP.Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định một số chính sách phát triển thủy sản với bộ ngành Trung ương, các tỉnh thành ven biển cả nước.
 Tàu đánh cá bằng vỏ thép đầu tiên mang tên Hoàng Anh 1 được bàn giao cho ngư dân Quảng Ngãi
Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bộ đang hoàn chỉnh dự thảo, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt tháng 7 tới. Đây được xem là chính sách “đột phá” chưa từng có phát triển thủy sản, đặc biệt với các đội tàu lớn, xa khơi, tàu vỏ sắt. Theo đó, các chủ tàu đóng mới các loại tàu cá, dịch vụ hậu cần có công suất trên 380CV trở lên được tham gia nguồn vốn ưu đãi. 
Cụ thể: Đối tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ, trường hợp tàu vỏ thép đóng mới, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới lãi suất 5%/năm.
Video tàu Cảnh sát biển Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam:

 
Trong đó chủ tàu trả 1%/năm, còn lại ngân sách nhà nước sẽ cấp bù. Trường hợp tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay tối đa 85% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 5%/năm (trong đó chủ tàu trả 2%/năm).
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, nghị định phát triển thủy sản nhằm 2 mục đích chính vừa nâng cao năng lực khai thác, phát triển sản xuất, vừa góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo. Do đó, tập trung lĩnh vực khai thác xa bờ, ưu tiên phát triển tàu công suất lớn, tàu hậu cần và tàu sắt cho ngư dân. 
“Ưu tiên không phải chỉ đóng tàu mà cả trong hoạt động, cung ứng nguyên vật liệu ra khơi và thu mua sản phẩm ngư dân giữa biển. Chính sách tập trung hỗ trợ vốn, chi phí, giúp ngư dân ra khơi, bám biển dài hạn”, Phó thủ tướng nói.


Hà Minh (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn