• Zalo

Nói từ chối vào quy hoạch lãnh đạo là 'có vấn đề thần kinh': Xúc phạm người làm khoa học

Giáo dụcThứ Ba, 08/12/2015 07:58:00 +07:00Google News

Du học sinh cho rằng áp lực tài chính tuy có lớn nhưng áp lực từ những con người không tạo điều kiện nghiên cứu cho giảng viên còn kinh khủng hơn nhiều lần.

(VTC News) – Một du học sinh tài năng cho rằng, việc Hiệu trưởng ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ chia sẻ trên báo chí là giảng viên Doãn Minh Đăng "có vấn đề thần kinh" khi từ chối vào diện quy hoạch lãnh đạo thể hiện tư duy lạc hậu, và là sự xúc phạm với người làm khoa học.

Xung quanh câu chuyện lùm xùm giữa giảng viên Doãn Minh Đăng và ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, nhiều người đã lại đặt ra vấn đề trọng dụng nhân tài đang nhức nhối hiện nay ở Việt Nam. PV VTC News đã phỏng vấn Mai Đức Anh, Sinh viên tại Truman State University, Missouri, Mỹ để có góc nhìn đa chiều xung quanh sự việc này.
 Mai Đức Anh, sinh viên tại Truman State University, Missouri, Mỹ
 Mai Đức Anh, sinh viên tại Truman State University, Missouri, Mỹ
- Anh có theo dõi vụ lùm xùm liên quan đến giảng viên Doãn Minh Đăng với trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ vừa qua không?

Tôi có biết đến vụ việc của giảng viên Doãn Minh Đăng thời gian vừa qua. Thật đáng tiếc vì đây là vấn đề khá cơ bản đối với một người làm nghiên cứu khoa học.

Cụ thể là những điều cốt lõi một nhà nghiên cứu đang mong muốn không được đáp ứng trong một môi trường “về bản chất” làm hoạt động nghiên cứu khoa học.

- Vì sao những vấn đề tưởng chừng không mới đó nhưng qua sự việc vừa qua, những vấn đề đó lại được tiếp tục nêu ra và bàn luận gay gắt trên các diễn đàn?

Chuyện này không mới, từng được nhắc đến rất nhiều nhưng có thể vì vấn đề này đã quá cũ nên dư luận không mấy khi dành sự quan tâm. Tuy nhiên chưa bao giờ vấn đề này bị đẩy xuống mà vẫn nằm đó như một quả bom nổ chậm.

Đến khi dư luận tiếp tục chứng kiến một nạn nhân tiếp theo đầy oan ức bị lôi vào sự mâu thuẫn quyền lợi không đáng có này. Vấn đề này một lần nữa được xới lên và đặt ra nhiều câu hỏi cho những người quan tâm.
Vụ lùm xùm giữa giảng viên Doãn Minh Đăng và ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ lại một lần nữa đặt ra vấn đề về môi trường làm việc cho các nhân tài khi về nước
Vụ lùm xùm giữa giảng viên Doãn Minh Đăng và ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ lại một lần nữa đặt ra vấn đề về môi trường làm việc cho các nhân tài khi về nước 

- Vừa qua, vị hiệu trưởng ĐH Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ chia sẻ trên báo chí cho rằng giảng viên Đăng "có vấn đề thần kinh" khi từ chối vào diện quy hoạch lãnh đạo, từ chối vào Đảng. Liệu rằng góc nhìn nhận như vậy có phù hợp với những người muốn làm nghiên cứu khoa học như anh Đăng?

Góc nhìn này thể hiện tư duy cũ kĩ lạc hậu vẫn tồn tại lâu nay trong nên giáo dục Việt Nam. Không hiểu vì nguyên cớ mà vị hiệu trưởng này mặc định giảng viên Đăng hay bất kì giảng viên nào khác của mình cần nhìn nhận việc vào diện quy hoạch như một quyền lợi bất kì giảng viên nào cũng muốn có.

Người “có vấn đề thần kinh” chắc chắn không phải là vị giảng viên “nạn nhân” trong câu chuyện này.

Vị hiệu trưởng trường ĐH Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ cần phải chịu trách nhiệm trước những gì mình nói ra. Đây là sự xúc phạm với những người làm khoa học chân chính vì những điều một nhà nghiên cứu khoa học cần không phải là được quy hoạch lãnh đạo.

Họ cần một môi trường mà họ có thể chuyên tâm vào nghiên cứu và cống hiến cho hoạt động khoa học.

- Là một du học sinh, anh nghĩ vì sao rất ít nhân tài đi du học chọn cách về nước làm việc?

Câu chuyện đáng tiếc ở trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ đã cho hay nguyên nhân của thực trạng đáng tiếc này. Những nhà khoa học chân chính cần một môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, cần những người cộng sự tốt và họ cần một cuộc sống đủ để tồn tại trong xã hội đầy phức tạp như ngày nay.

Những điều mà phần đông xã hội đánh giá cao như tiền bạc, địa vị hay danh vọng lại không phải là mối quan tâm hàng đầu của những nhà nghiên cứu.

Đồng lương của các giáo sư đại học ở những nước phát triển tuy không phải là cao so với những người hoạt động trong các lĩnh vực khác nhưng cũng đủ cho họ có một cuộc sống không phải lo lắng về vật chất.

Ở những trường đại học hàng đầu, trách nhiệm giảng dạy của những giáo sư hàng đầu cũng được miễn giảm.

Tóm tắt lại thì những nhà nghiên cứu cần một môi trường tập trung cao độ cho hoạt động nghiên cứu của mình và điều này còn rất nhiều hạn chế ở Việt Nam chưa kể đến việc những nhà nghiên cứu trong nước còn lo lắng trăm bề để duy trì cuộc sống với đồng lương eo hẹp của mình.
Mai Đức Anh cho rằng những người làm nghiên cứu cần một môi trường làm khoa học tốt và không quá đòi hỏi về chế độ đãi ngộ
Mai Đức Anh cho rằng những người làm nghiên cứu cần một môi trường làm khoa học tốt và không quá đòi hỏi về chế độ đãi ngộ 
- Nhiều người cho rằng nguyên nhân là do cơ chế, nhưng cũng có người lại cho rằng những nhân tài “tây học” lại đòi hỏi quá cao trong điều kiện tình hình chung của đất nước còn khó khăn?

Tôi không cảm thấy những nhân tài "tây học” đòi hỏi gì quá đáng. Quả thật đất nước vẫn còn khó khăn nhưng những nhà nghiên cứu hoàn toàn không đòi hỏi gì quá mức viển vông.

Những điều một người làm khoa học cần là một môi trường thích hợp cho công tác nghiên cứu và điều này không phải chỉ đơn giản là tiền.

Chừng nào những người ngoài cuộc còn áp đặt những cái nhìn đầy tính tiêu cực và phiến diện cùng với những suy nghĩ mang đậm tính lạc hậu về tiền bạc và công danh với những con người của khoa học chân chính thì rất khó để cho những nhà “tây học” phát huy được sở trường của mình.

Áp lực tài chính tuy có lớn nhưng áp lực từ những con người không tạo điều kiện nghiên cứu cho giảng viên còn kinh khủng hơn nhiều lần.

- Nhiều người cho rằng những nhân tài không về nước vì chỉ nghĩ cho bản thân với điều kiện sinh sống, an sinh xã hội tốt hơn chứ không muốn về cống hiến cho đất nước?

Suy nghĩ này có quá nhiều sai lệch. Những nhà nghiên cứu đều là những con người, thế nên họ không thể tồn tại mà thiếu được cơm áo gạo tiền.

Tuy nhiên, nhu cầu của họ đa số dừng ở mức “đủ sống” để có thể chuyên tâm vào công việc chuyên môn của mình. Chừng nào họ còn phải lo lắng để sống sao cho tốt thì những nhà nghiên cứu chẳng thể nào tập trung được toàn lực vào nghiên cứu của mình.

Hiệu quả công việc không được như ý khiến nhiều nhà nghiên cứu chọn ở lại các nước phát triển với điều kiện tốt hơn về chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội.

- Vậy còn việc cống hiến cho đất nước?

Mọi người hãy thay đổi suy nghĩ rằng phải trở về mới là cống hiến cho đất nước. Dù cho những người tài có làm việc ở đâu thì những người xung quanh luôn nhìn họ như những đại diện của Việt Nam.

Họ vẫn luôn cố gắng từng ngày để hình ảnh đất nước luôn tươi đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Hơn hết, khi họ phát huy được hết khả năng của mình, họ sẽ tạo được nhiều điều kiện hơn cho các thế hệ sau.

Tôi biết không ít các trường hợp các giáo sư đang công tác ở nước ngoài nhận sinh viên Việt Nam sang làm nghiên cứu hay thực hiện các dự án hợp tác với các doanh nghiệp trong nước.

Có rất nhiều cách để cống hiến cho đất nước và không phải cứ ngồi khư khư một chỗ tránh tiếp xúc với thế giới rộng lớn ngoài kia mới làm cho đất nước phát triển.

- Bản thân anh sẽ lựa chọn như thế nào sau khi tốt nghiệp đại học tại Mỹ?

Trước giờ tôi vẫn luôn định trở về để đóng góp phần sức nhỏ bé nào đấy. Còn quá nhiều điều cần làm để những du học sinh muốn trở về không cảm thấy do dự trước quyết định của mình.

- Bạn bè của anh thường lựa chọn việc ở nước ngoài làm việc hay về nước làm việc?

Việc ở lại hay về nước làm việc mang tính chất cá nhân khá nhiều và do nhiều nguyên nhân khách quan chi phối.

Đa số những bạn muốn theo đuổi sự nghiệp học thuật muốn làm việc ở môi trường nước ngoài hơn nhưng cũng không thiếu bạn trẻ hoài bão lớn muốn trở về thay đổi quê hương.

- Để những nhân tài về nước làm việc nhiều hơn thì cả chính quyền và những nhân tài cần có cách ứng xử như thế nào?

Trách nhiệm đầu tiên có lẽ thuộc về những nhà làm chính sách. Các cụ nhà mình vẫn vẫn có câu “Đất lành chim đậu” và tôi tin khi nhân tài nhận thấy những dấu hiệu tích cực về sự thay đổi, họ sẽ tự biết mình phải làm gì.

Tôi vẫn luôn mong những nhân tài khác, dù họ có đang công tác ở đâu trên khắp thế giới, luôn hướng về Việt Nam và tạo điều kiện để thế hệ trẻ Việt Nam phát triển.
 
Mai Đức Anh
Sinh viên tại Truman State University, Missouri, USA
GPA: 3.9/4.0
Học bổng President’s Honorary Scholarship cho sinh viên quốc tế xuất sắc
Cựu học sinh trường THPT chuyên Đại học Sư phạm
Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Truman State University 2014-2015
Đại biểu hội đồng Đông Nam Á tại VYMUN 2015
Top 10 kì thi Toán học bang Missouri (Missouri Collegiate Mathematics Competition) 2013, 2014 và 2015
BTC chương trình IChallenged 2013, thành viên tổ chức YVS Vietnam
Phó bí thư BCH Đoàn trường THPT chuyên ĐHSP 2011 - 2012
Chủ tịch CLB âm nhạc MCCM (Music Club – CSP Melody) 2011 – 2012
Phó Chủ tịch Tổ chức truyền thông PTCMedia 2011 – 2012

Xin cảm ơn anh!


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn