Mở rộng thêm 16 m, vẫn tắc như thường
Dải phân cách giữa tuyến đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng trước đó rộng 20 m nay đã bị xén gần 16 m, để lại 4,4 m (từ nút giao Láng đến nút giao Đê La Thành). Sau khi mở đường, cảnh tượng ùn tắc giao thông vẫn diễn ra triền miên, đặc biệt là trong dịp giáp Tết, sát ngày Táo quân 23 tháng Chạp.
Trục đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng dù mỗi bên đã thành 4-5 làn xe nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng lượng xe cộ gia tăng đột biến thời điểm này.
Ở một số đoạn giao cắt, ô tô quay đầu càng gây khó khăn hơn cho người tham gia giao thông. Đèn tín hiệu ở các ngã ba, ngã tư giao với trục đường này đều bị vô hiệu hóa bởi các loại xe chưa kịp qua hướng này thì xe hướng khác đã lao tới. Người đi xe máy thấy chỗ nào trống lách vào đó rồi bị kẹt ở giữa, muốn tiến lên nữa thoát qua khu vực tắc họ cũng không thể bởi vị trí nào cũng như nhau.
Lực lượng cảnh sát giao thông quá mỏng, không đủ để giúp cải thiện tình hình.
Trung tâm thành phố rối loạn giao thông
Các tuyến đường từ Nguyễn Thái Học, ngã bảy Cửa Nam tới khu vực gần hồ Gươm những ngày này bị ùn tắc xe cộ bất cứ giờ nào, kể cả giữa trưa. Ở khu vực nào, người ta cũng có thể bắt gặp những người chở đào, quất. Họ nặng nhọc dùng hai chân khua xuống đất và nhấn ga nhẹ chiếc xe máy của mình nhích từng vài chục cm giữa dòng xe đang ùn ùn để đưa hàng đến cho khách.
Chị Lê Minh Phương, làm việc tại một văn phòng trên phố Thợ Nhuộm, kể buổi trưa muốn đi ăn cơm cũng khó. Vừa bước chân ra cửa đã thấy ùn ùn xe đi lên vỉa hè.
"Phố Thợ Nhuộm thì bé tý, bình thường rất ít xe qua lại nay cũng bị ùn tắc. Chỗ Hai Bà Trưng thì ôi thôi, xe cộ ở đâu mà nhiều thế. Sợ quá đành gọi cơm hộp nhưng khi họ mang đến cũng lâu vì tắc", chị Phương phàn nàn.
Những điểm nóng ùn tắc
Nói đến những điểm nóng kẹt xe ở thủ đô, người dân Hà Nội biết rõ khu vực nào cần tránh. Tuy nhiên, vào ngày này có những nơi họ bắt buộc phải đi qua vì không còn con đường nào khác.
Những điểm có thể kể đến gồm: Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Phạm Hùng, Trường Chinh, Kim Mã, Giải Phóng...
Tại hướng đường qua hầm Kim Liên từ Đại Cồ Việt tới Đào Duy Anh, người đi ôtô phải dừng chờ hơn chục lượt đèn đỏ mới thoát qua ngã ba Phạm Ngọc Thạch - Xã Đàn.
Anh Lê Trọng Minh (nhà ở quận Cầu Giấy) chia sẻ, sáng 6/2, anh đi từ Lý Thường Kiệt về đến nhà chưa đầy 8 km mất hơn 2 tiếng, muộn giờ cơm chiều với gia đình. Tưởng đường Xã Đàn và nút Hoàng Cầu to rộng, ít tắc hơn so với Khâm Thiên hoặc Kim Mã, để đi không bị tắc, anh đã chọn hướng đi này nhưng người đàn ông trung tuổi đã sai lầm. Chiếc Kia của anh bị kẹt cứng khi vừa chui ra khỏi hầm Kim Liên.
"Mỗi khi có chỗ trống, tôi chưa kịp nhấn ga nhích lên thì người đi xe máy lại ào tới chặn đầu. Ngay cả khi đi đúng làn cũng bị xe chạy sai làn chắn mất. Cảnh sát giao thông có mặt cũng bó tay vì họ phải giải quyết nhiều việc khác", anh Minh nói.
Tình trạng ùn ứ giao thông càng sát Tết càng có mật độ dày hơn, đặc biệt là tại những khu vực tập trung nhiều khu đô thị, tòa nhà cao tầng.
Khi các tòa nhà chung cư đưa vào khai thác thu hút người dân đến sinh sống ngày càng đông khiến hạ tầng giao thông đô thị xung quanh trở nên quá tải.
Cùng với các chung cư đã đưa vào sử dụng, dọc trục đường Tố Hữu và khu lân cận như Trung Hòa - Nhân Chính, Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Tuân, khu vực này dày đặc nhà cao tầng. Ước tính, đoạn đường Lê Văn Lương dài chỉ khoảng trên 1 km nhưng đang phải gánh đến trên 30 chung cư cao tầng khác nhau.
Và trục đường Lê Văn Lương là một trong những điểm nóng ùn tắc ở phía tây nam thủ đô nhiều năm qua. Gần đây nhiều người ngại lưu thông vào nút này khi phải nhường đường cho xe buýt BRT một lối riêng. Tuy nhiên, vào những ngày giáp Tết, đường BRT cũng "biến mất" khi xe cộ buộc phải tràn vào gây che lấp hoàn toàn.
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố cùng các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện thường xuyên, đồng bộ các biện pháp, giải pháp về tổ chức giao thông, rà soát các điểm “đen” ùn tắc giao thông để đánh giá đúng nguyên nhân, có biện pháp khắc phục kịp thời, không để ùn tắc kéo dài.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị các lực lượng chức năng, thanh tra Sở Giao thông, cảnh sát giao thông... cần tăng cường hiệp đồng phối hợp, tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.
Đặc biệt, các lực lượng cần phối hợp với công an thành phố, Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan của thành phố, Bộ Giao thông Vận tải trong công tác tổ chức giao thông, giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; kinh doanh trái phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để họp chợ; mở đường ngang trái phép… chỉnh trang đô thị và vệ sinh môi trường.
Đặc biệt từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất, lưu lượng người và phương tiện tăng cao tại khu vực các bến xe, lực lượng thanh tra Giao thông Vận tải phối hợp với các bến xe và Tổng Công ty vận tải Hà Nội kiểm soát các tuyến đường cửa ngõ thủ đô, phân luồng giải tỏa giao thông đảm bảo cho người dân đi lại thuận lợi.
Video: Giải mã hiện tượng cầu Thanh Trì ùn tắc bất kể ngày đêm
Bình luận