Bị cáo Kiên nói lời sau cùng.
Nói lời sau cùng tại phiên toàn xét xử đại án "chuyến bay giải cứu", tối 21/7, bị cáo Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đã bật khóc khi bản thân là người duy nhất trong 54 bị cáo bị Viện Kiểm sát đề nghị án tử hình.
"Đó là bản án rất nghiệt ngã với cuộc đời, với gia đình bị cáo. Bị cáo không nghĩ là mình lại vi phạm đến mức phải bị loại khỏi cuộc sống, rời khỏi thế giới khi mới ngoài 40 tuổi. Bị cáo xin lỗi gia đình, người thân, bố mẹ và con bị cáo", Kiên nghẹn ngào.
Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế mong toà xem xét những đóng góp của bị cáo, nhất là thời điểm dịch COVID-19 khi "người với người không ai dám gần ai", nhưng bị cáo đã tham gia phòng, chống dịch trong suốt 2 năm.
"Khi đó bị cáo đi cùng nhiều đoàn của Bộ Y tế để hướng dẫn người cách ly và công việc này ròng rã nhiều năm liền, cộng thêm sự thiếu hiểu biết của pháp luật dẫn đến hành xử không đúng quy định", bị cáo nói.
Nêu hoàn cảnh gia đình, Kiên cho biết bố bị cáo từng ở chiến trường Tây Nguyên trở về nay đã ngoài 70 tuổi, mẹ già bị tâm thần nhiều năm, bố vợ cũng là thương binh, mẹ vợ bị ung thư phải phẫu thuật... một mình vợ phải gánh vác cuộc sống 2 bên, chăm sóc 2 con nhỏ.
Phạm Trung Kiên khẳng định từ khi bị bắt đã thành khẩn khai báo, giúp cơ quan điều tra làm rõ nhiều nội dung vụ án. Thời điểm hiện tại, gia đình Kiên đang chuẩn bị và sẽ khắc phục hết số tiền 42,5 tỷ nhận hối lộ trong vài ngày tới.
"Cho bị cáo một cơ hội sống, cơ hội trở về để được phụng dưỡng bố mẹ, dạy dỗ con cái", Kiên nói thêm.
Một cựu quan chức khác, bị cáo Chử Xuân Dũng - cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, khi nói lời sau cùng cho rằng đã mắc sai lầm rất nghiêm trọng, làm mất đi toàn bộ quá trình 28 năm công tác, nỗ lực phấn đấu của bản thân.
"Sai lầm đó còn làm ảnh hưởng cả gia đình trong thời gian qua, cuộc sống nhiều khó khăn, buồn tủi. Làm ảnh hưởng các cơ quan, ban ngành nơi mình công tác. Bị cáo xin gửi lời xin lỗi chân thành tới Đảng, Nhà nước và toàn thể Nhân dân".
Nêu rõ thời điểm phạm tội đang là Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa - xã hội, bị cáo Dũng nhìn nhận đã làm ảnh hưởng truyền thống văn hiến của dân tộc, tới một Hà Nội thanh lịch, hào hoa.
"Xin lỗi các công dân về cách ly tại Hà Nội lúc COVID-19, sai lầm của bị cáo làm công dân khó khăn càng trở lên khó khăn hơn", ông Dũng nói và cho biết những ngày qua là quãng thời gian đau khổ nhất cuộc đời.
Cựu Phó Chủ tịch Hà Nội mong HĐXX mở lượng hải hà cho bị cáo và các bị cáo khác được đặc ân, khoan hồng, thể hiện sự bao dung của Đảng, Nhà nước, Nhân dân.
"Sau đây, tòa tuyên án thấp nhất với sai phạm của bị cáo nhưng từ nay đến hết cuộc đời, là phán xét của lương tâm", cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kết thúc phần trình bày.
Bị cáo Dũng nói lời sau cùng.
Bình luận