• Zalo

Vụ chuyến bay giải cứu: Tiền hối lộ đặc biệt lớn, có lần lên đến hàng triệu USD

Pháp đìnhThứ Bảy, 29/07/2023 10:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

HĐXX nhận định, số tiền hối lộ là rất lớn, đặc biệt lớn, có lần lên đến hàng tỷ đồng, hàng triệu USD, vượt nhiều lần mức thu nhập bình quân của cán bộ công chức.

HĐXX tuyên án đối với 54 bị cáo

Chiều 28/7, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với 54 bị cáo trong đại án chuyến bay giải cứu. Trong số 54 bị cáo, 21 người bị tuyên phạm tội Nhận hối lộ, 23 người phạm tội Đưa hối lộ, 4 người phạm tội Môi giới hối lộ, 4 người phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 2 người phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau khi tóm tắt diễn biến tại tòa, HĐXX nhận định, các quyết định tố tụng trong vụ án không có khiếu nại, tất cả đều đúng quy định.

Về nội dung, trong vụ án có 25 bị cáo được xác định đã nhận hối lộ gần 167 tỷ đồng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra, 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đưa hối lộ tổng số tiền trên 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ tổng số tiền hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản 24,5 tỷ đồng.

Chủ tọa phiên tòa công bố bản án.

Chủ tọa phiên tòa công bố bản án.

HĐXX cho hay, một số bị cáo cho rằng không đòi hỏi, sách nhiễu doanh nghiệp, sau khi cấp phép chuyến bay, họ chỉ nhận tiền cảm ơn, không phải nhận hối lộ. HĐXX thấy, Điều 354 Bộ luật Hình sự và Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định không được nhận quà tặng liên quan công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi đơn vị mình giải quyết.

Thời điểm cấp phép các chuyến bay, nhiều doanh nghiệp khó khăn, bị từ chối hoặc không trả lời, có doanh nghiệp nhận phê duyệt trước một ngày nên kinh doanh thua lỗ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp liên hệ các bị cáo đặt vấn đề nhờ vả, xin cấp phép nhiều chuyến bay giải cứu hơn, nhiều khách hơn và cấp phép sớm.

Theo HĐXX, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), Vũ Anh Tuấn (cựu Trưởng phòng Tham mưu Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an) và một số người có hành vi đòi hỏi, ra giá sách nhiễu, yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền mới cấp phép. 

Đối với nhóm bị cáo tại Bộ Ngoại giao và các Bộ, ban, ngành khác, dù không đòi hỏi nhưng các cán bộ này trực tiếp gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp và nhận tiền. Sau khi nhận, các chuyến bay của doanh nghiệp mới được thực hiện.

"Số tiền hối lộ ở mức đặc biệt lớn, có lần lên đến hàng tỷ đồng, hàng trăm nghìn USD, việc nhận tiền diễn ra nhiều lần, thường xuyên, liên tục. Đây là số tiền quá lớn, vượt nhiều lần mức thu nhập bình quân của cán bộ công chức. Sau khi nhận tiền, nhóm này không báo cáo cấp trên mà chiếm hưởng. Do đó, hành vi này được xem là nhận hối lộ", HĐXX nhấn mạnh. 

>>> Xét xử 54 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu

Quá trình xét xử, các bị cáo thuộc doanh nghiệp khai, không đưa tiền sẽ không được tạo điều kiện, việc họ đưa tiền là chia sẻ lợi ích và mong được tiếp tục cấp phép các chuyến bay. HĐXX khẳng định, việc các bị cáo nhận tiền "cảm ơn" thực chất là "nhận hối lộ" nên hành vi này đã cấu thành tội phạm.

Thủ đoạn nhận hối lộ có hai trường hợp, gồm mặc cả, buộc doanh nghiệp chi tiền hoặc gây khó khăn bằng cách mập mờ, làm không hết trách nhiệm, buộc doanh nghiệp chi tiền mới được cấp phép chuyến bay, buộc các doanh nghiệp chi tiền theo "luật bất thành văn". Nhiều quan chức phạm tội theo hình thức thông đồng, hứa hẹn chia sẻ lợi ích.

Các bị cáo là doanh nhân bị truy tố tội Đưa hối lộ được tòa đánh giá nhận thức rõ việc cấp phép chuyến bay là thủ tục hành chính bình thường, không phải chi tiền. Tuy nhiên, để được cấp phép nhiều chuyến bay, họ đã liên hệ với quan chức.

Một số doanh nghiệp đưa tiền nhằm "chia sẻ lợi ích để được cấp phép nhiều chuyến bay hơn, với số lượng hành khách nhiều hơn ở các nước mong muốn". 

"Việc đưa tiền cho các bị cáo có chức vụ để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp của mình là đưa hối lộ. Các ý kiến bào chữa cho rằng, đây là tiền cảm ơn theo văn hóa người Việt là không chấp nhận được", chủ tọa phiên tòa nêu rõ.

TAND TP Hà Nội đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều Bộ, ngành. Các bị cáo lợi dụng vị trí công tác nhũng nhiễu, gây khó khăn, tạo ra cơ chế "xin - cho", buộc doanh nghiệp chi tiền bôi trơn. Trong số này, có cả người giữ chức vụ cao, quan trọng.

Đối với nhóm bị cáo phạm tội Môi giới hối lộ, HĐXX xác định, họ lợi dụng sự thân quen với các cá nhân có thẩm quyền, giúp một số doanh nghiệp, cá nhân đưa tiền để được cấp phép chuyến bay, hoặc dùng tiền để "chạy án".

Riêng bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) còn bị xác định môi giới hối lộ số tiền đặc biệt lớn (2,8 triệu USD) nên cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Đối với nhóm bị cáo là cựu cán bộ, cựu Đại sứ tại một số Đại sứ quán, HĐXX xác định, họ là người có chức vụ, quyền hạn, có trách nhiệm thực thi công vụ nhưng khi làm nhiệm vụ đã vụ lợi, thu tiền của những người mãn hạn tù vượt mức quy định. Do vậy, họ phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Vụ chuyến bay giải cứu: Tiền hối lộ đặc biệt lớn, có lần lên đến hàng triệu USD - 2

 

Anh Văn - Viên Minh
Bình luận
vtcnews.vn