U22 Việt Nam có thành tích phòng ngự ấn tượng trước SEA Games: chỉ 3 bàn thua phải nhận trong năm 2019, bất bại và sạch lưới đến trước trận giao hữu với U22 UAE. Đây là thành tích phòng ngự hiếm thấy của một đội U22 trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Tuy nhiên, hàng thủ U22 Việt Nam sẽ đối diện không ít khó khăn trong trận gặp U22 Indonesia tới đây. Thủ môn Bùi Tiến Dũng khẳng định U22 Việt Nam phải "giữ sạch lưới trước", nghĩ đến chuyện ghi bàn sau. Nhưng ngay cả nhiệm vụ giữ sạch lưới, các hậu vệ của Park Hang Seo cũng phải tập trung mới có hy vọng hoàn thành.
Lời cảnh báo của U22 Lào
Phút 60, Soukaphone Vongchiengkham thực hiện quả đá phạt hướng về phía cột xa để Kaharn đánh đầu tung lưới Văn Toản, rút ngắn tỷ số xuống còn 1-4. Chung cuộc, U22 Việt Nam vẫn thắng 6-1, thắng nhàn nhã nhờ chất lượng vượt trội U22 Lào.
Video: U22 Việt Nam 6-1 U22 Lào
Song, HLV Park Hang Seo có lý do không hài lòng về bàn thua, bởi đây là "tình huống U22 Việt Nam tập luyện, chuẩn bị rất kỹ, mà các cầu thủ vẫn xao nhãng để lọt người, thủng lưới". Chia sẻ với truyền thông, trợ lý Lê Huy Khoa từng nói HLV Park Hang Seo rất ghét để thua từ các pha bóng cố định, bởi thua như thế rất "oan", không đáng có.
Tình huống cố định là kiểu tình huống mà đội phòng ngự thường có lợi thế hơn đội tấn công, từ quân số, hướng cản phá đến khả năng tổ chức kèm người. Phòng ngự tình huống cố định yêu cầu khả năng phối hợp cao hơn là năng lực cá nhân. Thủng lưới từ tình huống cố định là dấu hiệu của hàng phòng ngự tổ chức không tốt. Mà với HLV Park Hang Seo, hàng thủ vững vàng luôn là yếu tố ông đặt lên hàng đầu.
Nhìn lại bàn thua trước U22 Lào. Chỉ có 4 cầu thủ Lào trong vòng cấm, trong đó 1 cầu thủ chạy cột gần để đánh lừa hướng di chuyển của hậu vệ Việt Nam. Dù vậy, khi bóng bay, có tới 2 cầu thủ U22 Lào chiếm được vị trí rất chủ động trong vòng cấm mà không bị cái bóng áo đỏ nào theo kèm, bất chấp quân số phòng ngự cố định của U22 Việt Nam ở tình huống này là 7 người.
Có 4 cầu thủ Việt Nam bị hút theo bóng. Bùi Tiến Dụng - hậu vệ "thòng" và là chốt chặn cuối chọn sai điểm rơi, để lọt người. Nếu bóng được đặt vào đầu cầu thủ áo trắng còn lại đang lao vào trong vòng cấm, lưới Văn Toản nhiều khả năng cũng sẽ rung lên, bởi cầu thủ này cũng không bị ai kèm.
Vấn đề của U22 Việt Nam là định hướng phòng ngự không đảm bảo. Không có sự phân công kèm người rõ ràng. Thay vào đó, các trung vệ "ỷ lại" vào khả năng chọn điểm rơi để phá bóng nhờ thể hình vượt trội cầu thủ U22 Lào. Ở đây, khâu tổ chức không tốt dù được tập luyện kỹ lưỡng cho thấy các cầu thủ không có đủ thời gian thi đấu cùng nhau để biến thành quả trên sân tập thành màn trình diễn ổn định, chắc chắn.
Cẩn thận với U22 Indonesia
Trong 3 trung vệ xuất phát ở trận trước, Ngọc Bảo là gương mặt mới, Tiến Dụng là hậu vệ... bất đắc dĩ, chỉ có Đức Chiến là cầu thủ phòng ngự thực thụ. Bộ ba trung vệ trong trận gặp U22 Brunei là Tấn Sinh - Thành Chung - Ngọc Bảo cũng không phải công thức ưa thích của HLV Park Hang Seo. Bằng chứng là, đấy mới là lần đầu tiên 3 cầu thủ này chơi cùng nhau.
Khác với U23 Việt Nam 2 năm trước hay tuyển Việt Nam, U22 Việt Nam hiện tại cũng đá 3-4-3, song ông Park chưa tìm ra công thức phòng ngự tối ưu. U22 VIệt Nam vẫn vừa đá, vừa sửa. Tấn Sinh và Thành Chung là những gương mặt chắc chắn nhất, vị trí còn lại vẫn là cuộc cạnh tranh của Đức Chiến, Ngọc Bảo hay Tiến Dụng.
Sự non nớt của hàng thủ U22 Việt Nam được thể hiện khi Đình Trọng, dù mới phục hồi khoảng 60% đến 70%, song vẫn được sử dụng ở vòng loại U23 châu Á 2020, tức là 70% của Đình Trọng vẫn hơn mặt bằng các hậu vệ còn lại.
Đức Chiến non kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Thành Chung không được đá thường xuyên ở Hà Nội FC. Tấn Sinh chỉ mới có vị trí ở Quảng Nam FC, còn Ngọc Bảo, Tiến Dụng đều có những vấn đề riêng. Về mặt nhân sự, ông Park không có công thức lý tưởng như cách đây 2 năm.
Với tuyến phòng ngự "non" và bộc lộ thiếu sót ở khâu tổ chức (dù gặp những đối thủ yếu), HLV Park Hang Seo phải lên phương án đối phó cẩn thận bởi U22 Indonesia lợi hại hơn nhiều.
Đội bóng xứ vạn đảo thắng cả 2 trận, ghi 4 bàn, trong đó bàn mở tỷ số trước U22 Thái Lan xuất phát từ kiểu tình huống mà U22 Việt Nam ngại nhất. Một pha bóng cố định, bóng được đẩy ngược vào cho tiền đạo băng cắt dứt điểm. Các tiền đạo Indonesia lại rất giỏi chiếm lĩnh không gian trong vòng cấm.
U22 Indonesia có những mũi khoan tốc độ như Egy Maulana, Osvaldo Haay,... Tốc độ cùng khả năng tạo đột biến của Indonesia khiến hàng thủ Thái Lan mất phương hướng và vỡ vụn. Để đối phó với đối thủ chơi nhanh và khoét biên giỏi, hàng thủ U22 Việt Nam cần phán đoán, bọc lót, liên lạc và đứng vị trí cực tốt.
Đấy là những yếu tố hậu vệ áo đỏ cần cải thiện. Nên nhớ, toàn đội thua đến 3 bàn trong 4 trận gần nhất, trong khi 6 trận trước đó, U22 Việt Nam sạch lưới hoàn toàn.
Vị trí của cầu thủ "thòng" trong sơ đồ 3-4-3 sẽ khiến ông Park phải lưu tâm. Thành Chung không phải mẫu hậu vệ giỏi phán đoán, chỉ huy, còn Tiến Dụng nhiều khả năng dự bị do mắc lỗi ở trận trước. U22 Việt Nam cần tìm thủ lĩnh hàng phòng ngự. Hậu phương ổn thoả, tiền tuyến mới yên tâm ghi bàn.
Bình luận