• Zalo

Nói không với xe cơ giới, các thiên đường nghỉ dưỡng hút khách chi tiêu cao

Du LịchThứ Sáu, 06/09/2024 19:54:53 +07:00Google News
(VTC News) -

Du lịch sinh thái đang được xem là chìa khóa phát triển ngành công nghiệp không khói tại các hòn đảo trên thế giới.

Cát Bà – nơi được mệnh danh là Đảo Ngọc của miền Bắc cũng không đứng ngoài xu thế này.

Sinh thái không có nghĩa chỉ duy trì hoang sơ, nguyên thủy

Du lịch sinh thái là một trong những hình thái phát triển nhanh nhất hiện nay. Dù có nhiều định nghĩa, nhưng theo giới chuyên gia, bản chất của du lịch sinh thái là tạo ra mối quan hệ hữu cơ, hòa đồng giữa con người với thiên nhiên, hạn chế khí thải carbon, thúc đẩy ý thức trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng sở tại với mục đích bảo tồn.

Các nhà chức trách đa phần cho rằng nội hàm du lịch sinh thái là tập trung vào trách nhiệm của con người với môi trường. Một trong số đó là ảnh hưởng của khí thải do con người tạo ra. Để khắc phục điều này, nhiều hòn đảo lên kế hoạch nói không với ô tô hay khói xe cơ giới.

Quần đảo Princes là một trong những hòn đảo trên thế giới nói không với ô tô.

Quần đảo Princes là một trong những hòn đảo trên thế giới nói không với ô tô.

Đảo Lamma, Hồng Kông (Trung Quốc) luôn nằm trong top hòn đảo không khói xe ôtô đáng để khám phá bậc nhất thế giới. Chỉ cách Hồng Kông một chuyến phà, không phải tự nhiên mà Lamma được mệnh danh là "hòn đảo thiên đường". Nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương, tại đây người dân và du khách hoàn toàn di chuyển bằng xe đạp hoặc đi bộ.

Và khi nói đến đảo Lamma, không thể không nhắc đến như một biểu tượng, nhà máy điện gió Lamma Style nằm trên đỉnh đồi ở đảo Lamma, là cơ sở sản xuất điện năng tái tạo đầu tiên tại Hồng Kông, thu hút nhiều người đi bộ và người yêu thích nhiếp ảnh đến đây để check-in. Nơi đây sản xuất trung bình 1 triệu kWh điện xanh mỗi năm, giúp giảm lượng khí CO2 thải ra 800 tấn mỗi năm.

Hay quần đảo Princes, nơi thường được giới nhà giàu và người nổi tiếng lựa chọn là điểm đến nghỉ dưỡng, chỉ cách Istanbul một giờ đi tàu và là thiên đường “bị lãng quên” của Thổ Nhĩ Kỳ. Princes gồm 9 hòn đảo nhỏ, nhưng chỉ có 4 đảo có người ở và hầu hết không có ôtô.

Không gian im lặng chỉ bị phá vỡ bởi âm thanh những cỗ xe ngựa kéo hoài cổ, xe đạp điện, hải âu hay tiếng kéo vali... Dẫu vậy, hạ tầng nghỉ dưỡng ở đây được đầu tư để chiều những vị khách khó tính nhất.

Còn với nhiều đảo khác, phát triển du lịch sinh thái được đẩy mạnh thông qua quy hoạch thông minh, thậm chí áp dụng cả những quy định hà khắc.

Tại Nhật Bản, bắt đầu từ tháng 10/2023, thành phố Hatsukaichi thuộc tỉnh Hiroshima áp thuế đối với du khách đến đảo Miyajima, nơi có đền Itsukushima, một di sản UNESCO.

Các hòn đảo khác thu hút lượng lớn khách du lịch, như Taketomi ở tỉnh Okinawa và Sado ở tỉnh Niigata, cũng đang dự tính áp dụng loại thuế tương tự. Những khoản thuế này nhằm mục đích bảo đảm kinh phí để quản lý lượng khách du lịch khổng lồ đồng thời tái đầu tư.

Nhật Bản áp thuế du lịch đến đảo Miyajima từ cuối năm 2023.

Nhật Bản áp thuế du lịch đến đảo Miyajima từ cuối năm 2023.

Chính quyền đảo Jeju (Hàn Quốc) nỗ lực áp thuế du lịch sinh thái để hạn chế tác động tiêu cực lên môi trường. Những người thuê xe hơi sẽ bị tính thêm 5.000 won còn thuê xe tải nhỏ là 10.000 won/ngày trong khi du khách đi xe buýt chỉ bị tính 5% phí thuê.

Doanh thu từ thuế được dùng giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường và nước thải ngày càng tăng của hòn đảo, đồng thời bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trước làn sóng hơn 10 triệu du khách đổ về hàng năm.

Hướng đi bền vững của du lịch Cát Bà

Rõ ràng, chiến lược phát triển du lịch sinh thái đang tạo ra hiệu ứng đáng kể đối với các điểm đến. Đảo Cát Bà, nơi sở hữu hệ sinh thái đa dạng đang được “chọn mặt gửi vàng” để nghiên cứu, quy hoạch bài bản thành điểm du lịch sinh thái đẳng cấp quốc tế.

Đảo Cát Bà nhìn từ trên cao.

Đảo Cát Bà nhìn từ trên cao.

Là 1 trong 3 hòn đảo lớn nhất Việt Nam với diện tích trên 150 km2, Cát Bà từ lâu được xem là điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu miền Bắc với những bãi biển cát trắng nước sâu trong vắt, ẩn khuất sau các núi đá vôi và rừng cây nguyên sinh.

Ngoài ra, Cát Bà còn sở hữu nguồn khoáng nóng tự nhiên giá trị. Du khách quốc tế thích khám phá Cát Bà, nhưng hạ tầng giao thông và hạ tầng nghỉ dưỡng chưa được đầu tư bài bản là cản trở khiến bao năm qua, hòn đảo này chỉ thu hút khoảng vài trăm nghìn lượt khách cùng mức chi tiêu du lịch chưa cao.

Năm 2023, Cát Bà đón hơn 510 nghìn lượt khách quốc tế, chưa bằng một nửa so với “người hàng xóm” vịnh Hạ Long.

Cơ sở hạ tầng còn thiếu hụt, đặc biệt là điều kiện dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu khách du lịch có khả năng chi trả cao, chưa có các khu vui chơi, giải trí để kéo dài thời gian lưu trú của khách.

“Lời giải” cho những thách thức này được được giải nhờ định hướng đúng đắn của chính quyền Hải Phòng trong Đề án tổng thể phát triển du lịch thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng 2050, cùng sự chung tay của các nhà đầu tư lớn, có tâm, có tầm.

Với tổng vốn đầu tư gần 12.500 tỷ đồng, dự án Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà mới được Công ty TNHH xây dựng dân dụng Phú Quốc (thành viên Tập đoàn Sun Group) khởi công gần đây sẽ bổ sung “mảnh ghép” còn thiếu về hạ tầng, tiện ích, khu du lịch đồng bộ cho đảo Cát Bà.

Bãi tắm nhân tạo hứa hẹn sẽ mang tới không gian giải trí, tắm biển công cộng cho người dân và du khách. (Ảnh phối cảnh minh họa)

Bãi tắm nhân tạo hứa hẹn sẽ mang tới không gian giải trí, tắm biển công cộng cho người dân và du khách. (Ảnh phối cảnh minh họa)

Dự án sở hữu lợi thế tại trung tâm thị trấn Cát Bà, và được quy hoạch trên ý tưởng đưa Cát Bà thành một “tiểu Maldives của châu Á” với không gian giải trí quy mô, chất lượng và đẳng cấp.

Tâm điểm là quảng trường trung tâm, bãi tắm nhân tạo công cộng tiêu chuẩn quốc tế, các tuyến phố đi bộ cùng chuỗi dịch vụ sôi động hai bên. Những điểm nhấn kiến trúc độc đáo lấy cảm hứng từ vẻ đẹp kì thú của Vịnh Lan Hạ sẽ đưa quảng trường trung tâm trở thành điểm hẹn văn hóa, không gian sinh hoạt công cộng tiện ích cho người dân, du khách…

Theo đại diện chủ đầu tư, đây sẽ là một dự án xanh toàn diện. Xuyên suốt dự án là trục cảnh quan cây xanh, mặt nước công cộng bao quanh và len lỏi trong mọi hạng mục, tạo điểm đến xanh trong cảnh quan, xanh trong tiện ích sống cũng như xanh trong cơ sở hạ tầng.

Dự án được đầu tư hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt và hệ thống hứng, thu gom nước mưa, xử lý để đáp ứng nhu cầu nước ngọt trên đảo. Hệ thống xử lý nước thải, rác thải cũng được đầu tư đồng bộ, thân thiện với môi trường.

Dự án Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà mang tới không gian xanh, hài hòa với thiên nhiên. (Ảnh phối cảnh minh họa)

Dự án Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà mang tới không gian xanh, hài hòa với thiên nhiên. (Ảnh phối cảnh minh họa)

Với việc triển khai dự án mới này, Cát Bà sẽ có thêm nhiều tiện ích công cộng phục vụ người dân, du khách và đang tiến dần tới mục tiêu thành đảo du lịch không khí thải carbon đầu tiên của nước ta.

Trong tương lai gần, toàn bộ cư dân trên đảo cũng như khách du lịch sẽ hoàn toàn sử dụng phương tiện giao thông thân thiện môi trường như cáp treo, xe điện, xe đạp… Hệ thống xe điện công cộng sẽ được quy hoạch đồng bộ trên toàn đảo, với các điểm dừng/đỗ/trạm sạc… đảm bảo thuận lợi cho người dân và du khách.

Từ tham vọng lớn tới những giải pháp quy hoạch cho Cát Bà và nay được hiện thực hóa bằng các dự án du lịch trọng điểm, tới đây, du lịch đảo Ngọc trên đà được nâng lên một tầm cao mới.

Hà An
Bình luận
vtcnews.vn