• Zalo

Nỗi khổ của cặp vợ chồng bị chia cắt ở 2 thành phố đang phong tỏa do dịch corona

Thời sự quốc tếThứ Tư, 05/02/2020 12:41:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Lệnh giới nghiêm khiến Yao Lin và chồng bị chia cắt tại 2 thành phố bị phong tỏa ở Trung Quốc bởi dịch viêm phổi cấp do virus corona.

Yao Lin và chồng Fang Yang hiện sống cùng con trai tại Vũ Hán. Tết năm nay, họ dự định trở về quê Fang  - Ôn Châu cách Vũ Hán gần 800 km ăn tết cùng bố mẹ anh. 

Do con còn nhỏ và đang bị tiêu chảy, Fang quyết định về Ôn Châu trước, để Yao và con trai về quê sau. 

Hôm 22/1, Fang trở về nhà. Nhưng chỉ một ngày sau, anh hay tin Vũ Hán bị phong tỏa do sự lây lan của virus corona. Yao vì thế mắc kẹt tại Vũ Hán cùng con trai. 

"Vợ tôi khuyên tôi đừng đi lại nhiều. Tôi cũng ý thức điều đó và tự cách ly tại nhà. Ôn Châu áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch nghiêm túc từ trên xuống dưới. Vào ngày 23/1, nhân viên y tế tới nhà, yêu cầu tôi không đi ngoài và đo nhiệt độ đúng giờ", Fang chia sẻ. 

Fang nói anh không muốn gây rắc rối cho mọi người. Anh chỉ quẩn quanh trên gác của căn nhà và thậm chí không đi xuống cầu thang ngoại trừ lúc ăn và đi vệ sinh. Bố mẹ Fang cũng vậy, họ chỉ ra ngoài khi cần mua thức ăn và đứng sát cửa nếu cần chút không khí thoáng đãng. 

Nỗi khổ của cặp vợ chồng bị chia cắt ở 2 thành phố đang phong tỏa do dịch corona - 1

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng tại thành phố Thai Châu, ngay sát Ôn Châu. (Ảnh: Reuters)

Dù vậy, Fang nhận ra rằng gia đình mình bị hàng xóm cô lập. 

"Khi bố mẹ tôi ra ngoài đổ rác, những người khác lập tức chạy vào nhà và đóng chặt cửa. Tôi cứ có cảm giác những ống kính nét căng chĩa vào nhà tôi và bất cứ một cử động nhỏ nào của chúng tôi cũng sẽ được báo cáo. 

Khi cửa trước và cửa sau của ngôi nhà được mở ra để thông gió, một người nào đó gọi cho nhân viên cộng động nói chúng tôi muốn ra ngoài. Chúng tôi không định rời đi mà chỉ là xem TV và nghe nói cần đảm bảo không khí được lưu thông", anh kể lại. 

Fang hiểu suy nghĩ của mọi người, nhưng anh nói nếu được chọn lại, anh thà ở lại Vũ Hán chứ không muốn để ba mẹ phải chịu ánh mắt dèm pha như hiện tại. 

"Nhân viên cộng đồng gọi cho tôi đêm qua và nói có một số quy tắc thống nhất rằng tất cả người trở về từ Hồ Bắc nên tới một khách sạn được chỉ định để cách ly và bố mẹ tôi cũng phải đi. Tôi cũng từng lo lắng về việc sẽ lây nhiễm chéo nhưng nhiệt độ của tôi luôn ổn định. Tôi muốn từ chối, nhưng sau khi suy nghĩ, tôi gói ghém quần áo và rời đi. 

Sau khi chờ đợi hơn 1 giờ, gia đình tôi lên xe buýt. Chúng tôi tới điểm cách ly cùng 3 gia đình khác. Nhân viên yêu cầu mọi người tập trụng tại cửa khách sạn để kiểm tra nhiệt độ. Trong khoảng thời gian này, 2 hoặc 3 chiếc xe tải liên tiếp tới, chở theo hàng chục người. Sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ tương đối tốn thời gian", Fang thuật lại. 

Có một người đi cùng xe với Fang cho kết quả 37.8 độ C. Ngay lập tức anh này được đưa tới viện để kiểm tra. Còn lại tất cả đều bình thường. Sau khi được phân vào các phòng tách biệt, mọi người được yêu cầu ở lại phòng, hạn chế di chuyển. Một người nào đó sẽ tới đưa thức ăn và đo nhiệt độ. Rác được để bên ngoài và sẽ có người tới mang đi. 

Nỗi khổ của cặp vợ chồng bị chia cắt ở 2 thành phố đang phong tỏa do dịch corona - 2

Bữa ăn Fang được cung cấp trong thời gian cách ly. (Ảnh: China News)

Cuộc sống của Fang kéo dài như vậy cho tới nay. Nhưng tình trạng này cũng chẳng khác là bao so với nhiều người Ôn Châu hiện tại khi giới chức thành phố này ban hành lệnh giới hạn mỗi gia đình chỉ được để một thành viên trong nhà ra ngoài 2 ngày/lần mua các nhu yếu phẩm cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cùng các hạn chế đi lại và phong tỏa đường phố.  

Vũ Hán, nơi Yao đang ở lại cùng con trai không áp dụng lệnh giới hạn đó, nhưng tình hình tại đây nghiêm trọng hơn nhiều khi mà số người chết và người nhiễm bệnh tăng lên mỗi ngày. 

Yao nói khi dịch chưa bùng phát ở mức độ nghiêm trọng như hiện nay, cô nghe mọi người truyền tai nhau rằng dịch viêm phổi này có thể truyền từ người sang người. 

"Tôi hoảng loạn vì gia đình chúng tôi bắt một chuyến tàu tới ga Vũ Xương hôm 17/1 và dừng lại ở ga Hán Khẩu một lúc lâu trước khi lên tàu điện ngầm. Hôm sau, tôi lại đi ăn tối với nhiều người. Tôi nhanh chóng mua một lô khấu trang sau đó tự cô lập mình trong phòng. Tôi lấy nhiệt kế đo nhiệt độ nhiều lần trong ngày. Không thể ra ngoài, việc làm có ích duy nhất của tôi mỗi ngày là lướt điện thoại, tôi muốn cập nhật tình hình mới nhất về dịch bệnh", Yao cho hay. 

Yao nói điều cô sợ nhất đôi khi là là cảm giác hoảng sợ, không biết khi nào sẽ bị nhiễm bệnh và cái chết sẽ tới lúc nào. 

Những ngày Tết, Yao để con trai nói chuyện với chồng cô và bố mẹ chồng qua video. 

"Đây thực sự là một cái Tết 'đáng nhớ'", cô ngậm ngùi chia sẻ.

Video: Xem Trung Quốc xây bệnh viện dã chiến trong chưa đầy 10 ngày

 

Yao được chồng mình kể về cuộc sống bị xa lánh ở Ôn Châu, về 3 lần các nhân viên cộng đồng tới nhà yêu cầu anh không ra ngoài và tự cách ly, về ánh mắt xoi mói đến lạnh người của hàng xóm. 

Mặc dù đang trong thời gian chia cắt và chưa biết ngày đoàn tụ, Yao tin rằng đây cũng là cơ hội để cô và chồng trân trọng nhau hơn. 

"Trong thời gian này, các cuộc đối thoại ấm áp hơn. Tôi chia sẻ cuộc sống hàng ngày với anh ấy. Giá rau trong siêu thị vẫn ổn đinh, bệnh viện Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn được xây dựng nhanh chóng và nhiều người đang giúp đỡ Vũ Hán. Giờ đây, giống như mọi người khác ở Vũ Hán, tôi tin rằng cuối cùng chúng tôi sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này", cô chia sẻ. 

Vào một buổi sáng, Yao thức dậy, nhìn ra ngoài và thấy sương mù chờn vờn bên cửa sổ. Cô tin rằng dịch bệnh sẽ như sương mù sớm tan đi, ngày nắng sẽ tới và ngày đoàn tụ cũng đang ở rất gần. 

"Khi Vũ Hán sẵn sàng, chào mừng bạn tới đây ngắm hoa anh đào và ăn mi khô nóng. Tất cả chúng ta đều đang chờ đợi ngày đó", Yao nhắn nhủ. 

Song Hy(Nguồn: China News)
Bình luận
vtcnews.vn