Kỳ 1: Chôn con trong cát trắng
Năm 1970, khi mới 18 tuổi, Đỗ Văn Địu thôn Hà Thiệp (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) cùng thanh niên trong làng xung phong ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau khi tốt nghiệp khóa huấn luyện ngắn hạn, ông được điều vào chiến đấu tại khu vực Khe Tre – Khe Sầu (A Lưới, Thừa Thiên Huế). Anh cùng đồng đội chiến đấu ròng rã 5 năm trời ở vùng đất khốc liệt nhất thời bấy giờ.
Những ngày ở chiến trường, anh Địu nhìn rõ máy bay Mỹ kéo qua bầu trời A Lưới rải bột trắng mù mịt, khiến bạt ngàn rừng chết cháy. Không biết là chất độc gì, nhưng rất nhiều người hít phải đã chết. Đồng đội tên Kỵ của anh bị nhiễm độc, khiến vết thương lở loét, thịt thối rữa, rồi chết. Để chống độc, anh phải thấm nước tiểu vào khăn, rồi bịt mũi, mới dám thở.
Trong một lần về phép, năm 1976, Đỗ Văn Địu đã cưới cô thôn nữ Phạm Thị Nức. Cưới xong, anh từ biệt vợ, tiếp tục vào Huế công tác.
Năm 1977, trong lúc đang làm nhiệm vụ, niềm vui khôn tả đến với anh khi hay tin vợ vừa sinh hạ một cậu con trai bụ bẫm. Tuy nhiên, nỗi đau khôn cùng lại ập đến khi vài tháng sau, anh nhận được tin báo con chết vì chứng bệnh phình to đầu. Bà con chòm xóm đã đưa đứa bé ra nghĩa địa ven biển chôn. Chị Nức đau lòng, phát bệnh thần kinh một thời gian.
Khi nỗi đau đã dần nguôi ngoai, năm 1979, vợ chồng anh lại đón nhận niềm vui mới, khi cậu bé Đỗ Văn Trị ra đời. Tuy nhiên, cũng như anh nó, chỉ sống được 2 tháng thì chết, cũng với căn bệnh phình chướng đầu, vàng da, rỉ nước nhầy khắp người.
Những ngày đó, “con ma” chất độc da cam vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng, vợ chồng Địu coi là vận hạn, nên vẫn khát khao ấp ủ có một đứa con. Năm 1981, cô con gái Đỗ Thị Bình ra đời trong nỗi lo âu thắc thỏm. Bình càng lớn càng xinh đẹp và khỏe mạnh như những đứa trẻ khác.
Sức khỏe của Bình khiến ông Địu tin rằng “thần may mắn” vẫn mỉm cười với vợ chồng ông. Thế là, một năm sau, bà Nức thai nghén đứa con thứ tư với ước vọng có thằng cu cho đủ nếp đủ tẻ.
Thế nhưng, cậu bé mà ông bà chưa kịp đặt tên, khi đang ngậm bầu vú mẹ, bỗng lên cơn co giật, mắt trợn ngược, la khóc man dại, rồi chết ngay trên tay cha.
Với ý nghĩ trăm voi thể nào cũng được bát nước xáo, vợ chồng ông Địu tiếp tục đẻ. Nhưng rồi, con số dài dằng dặc, đứa thứ 5 chết, đứa thứ sáu chết, đứa thứ bảy chết, đứa thứ 8 chết… đến đứa thứ 15 vẫn chỉ là điệp khúc “chết”. Chỉ 3 đứa trong tổng số 15 lần sinh nở là sống, trong đó, một đứa hơi bình thường, còn hai đứa là Hằng và Nga thì chịu di chứng chất độc da cam nặng nề, sống còn khổ hơn chết.
Hôm tôi đến nhà ông Địu, Đỗ Thị Bình cũng ở nhà bố mẹ đẻ cùng con gái. Bình và cô cháu ngoại Hoàng Thanh Minh, 4 tuổi, là niềm hy vọng lớn nhất, duy nhất, song đầy khắc khoải của vợ chồng ông Địu.
Bình là cô gái đẹp thùy mị, từng có một mối tình đầy nước mắt với chàng trai thôn cạnh. Khi biết Hải có ý định cưới Bình, bố mẹ anh ta nhất quyết ngăn cản. Thế nhưng, hai người quyết tâm lấy nhau bằng cách sinh con trước.
Tuy nhiên, gần đây, thi thoảng em lại rơi vào trạng thái đau đầu. Thậm chí, cơn đau khiến em lăn ra ngất xỉu, không còn biết gì nữa. Chuyện này khiến gia đình chồng hết sức lo lắng, rồi lời ra tiếng vào, khiến em không đủ can đảm sống tiếp ở nhà chồng. Bình phải đưa con về nương nhờ bố mẹ đẻ. Hiểu nỗi lo lắng của ông bà thông gia, vợ chồng ông Địu cũng không dám có lời oán thán.
Dù không nói ra, nhưng ông Địu biết rằng, “con ma” chất độc da cam đã bắt đầu “ra tay” với niềm hy vọng duy nhất của vợ chồng ông. Rồi ngay cả đứa cháu ngoại, cũng không thể chắc chắn rằng nó không phải chịu di họa chiến tranh. Vợ chồng ông Địu không đủ can đảm đưa mẹ con Bình đi xét nghiệm. Ông cứ sống trong niềm hy vọng. Ngày nào ông cũng thắp hương trên bàn thờ, trước mộ những đứa con xấu số, để cầu an cho mẹ con Bình.
Buổi chiều hôm ấy, ông Địu cầm bó hương dẫn tôi vòng lối sau nhà, lên đồi cát trắng mênh mông. Gió biển thổi lồng lộng, cát bay mù mịt.
Ông Địu bảo, ngày trước, ông chôn các con rải rác ở nghĩa địa ven biển, nhưng mấy năm trước, ông đem các con về gò cát sau nhà, để anh em xum vầy, và chiều chiều, ông lên trò chuyện với các con cho tiện.
Mỗi ngôi mộ chỉ là một lùm cát, xếp thành 3 hàng dọc. Mỗi nấm mồ có một tấm bia bằng bàn tay. Trên các tấm bia không có tên tuổi, chỉ có những con số, từ 1 đến 12. Cạnh những hàng mộ là một tấm bia to khắc dòng chữ: “Đỗ tộc hiện khảo tình thâm cốt dục”.
Gió biển ngày đêm ầm ào dữ dội, thổi bay cả đụn cát to như quả núi, lấp đầy cả thung lũng. Do đó, ngày nào ông cũng phải vun lại những nấm mồ bị gió mài mòn, hoặc moi cát ra khi những cơn “bão cát” lấp mất mộ con mình.
Ông Địu sợ nhất những trận mưa lớn. Cứ mỗi khi có mưa rào, ông lại phải vác xẻng lên đồi lấp mộ cho con, bởi chỉ cần một trận mưa, những chiếc tiểu sành nho nhỏ lại trồi ra khỏi mặt cát.
Để hạn chế cát bay, ông trồng những hàng cây dương bao quanh khu mộ đàn con của mình. Ông hy vọng, sau này chết đi, hàng dương sẽ thay ông bảo vệ nấm mồ của những đứa con tội nghiệp.
Cắm xong nhang trên những nấm mồ, ông Địu quỳ trước tấm bia xì xụp khấn vái: “Hôm nay có chú phóng viên về thăm các con rứa. Cha thắp cho các con nén nhang. Các con sống khôn chết thiêng thì phù hộ cho gia đình mạnh khỏe… Các con ở dưới ấy, nhớ mà bảo ban nhau…”.
Giọng ông Địu nghẹn lại, nước mắt lại rỉ ra từ hai khóe mắt. Ông ngồi giữa bãi cát, nói chuyện với đàn con, cứ như thể chúng đang ngồi trước mặt nghe ông trò chuyện.
Bóng đêm tràn ngập bãi cát trắng mênh mông. Ông Địu vẫn ngồi nói nốt câu chuyện với các con của mình giữa khung cảnh khói hương ma quái. Tôi rời ngọn đồi cát trắng như chạy trốn. Gió biển ào ào, cát bay ràn rạt.
Dương Phạm
Bình luận