• Zalo

Nỗi đau của người đàn bà thêu mộ chồng lên gối

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 03/02/2013 06:43:00 +07:00Google News

(VTC News) - Vì người chồng mất mà bà không được chịu tang nên bà thêu ngôi mộ giữa gối, coi đó là phần mộ của người chồng.

(VTC News) - Vì người chồng mất mà bà không được chịu tang nên bà thêu ngôi mộ giữa gối, coi đó là phần mộ của người chồng.


Kỳ 1: Từ nạn nhân bị biến thành tội phạm

2 lần bị lừa bán sang xứ người chịu trăm cay ngàn đắng, vừa may mắn trở về nước, bà Đỗ Thị Hằng (SN 1953, ở phường Mỹ Độ, TP. Bắc Giang) bị ghép tội buôn bán phụ nữ.

Một bản án trên trời rơi xuống khiến bà phải chịu hơn 2000 ngày ngồi tù.

Suốt 10 năm qua, bà Hằng đã trải muôn vàn khó khăn để tìm cách gột rửa thanh danh cho mình.

Hai lần bị lừa bán

Sinh ra và lớn trong một gia đình trí thức ở Hà Thành, năm 1969 bà thi đậu trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Ra trường, bà đã lấy ông Ngô Thế Mỹ (Bắc Giang).

Theo chồng về quê, bà xung phong dạy học tại huyện Sơn Động. Sau chuyển về huyện Yên Thế và Lục Ngạn. Bà sinh được 5 người con, 3 gái, 2 trai.

Cuộc sống gia đình lúc đó gặp không ít khó khăn, nhưng trong ngôi nhà nhỏ luôn tràn ngập tiếng cười. Thế rồi, vào năm 1987 bà mắc bệnh. Gia đình đưa bà xuống Hà Nội chạy chữa.

Bà Hằng bị lừa bán sang Trung Quốc 2 lần 
Ở đây được vài hôm, không kiểm soát được hành vi của mình, bà đã bỏ trốn, đi lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm ở Hà Nội. Bà may mắn được một sư thầy đưa về chùa Quán Sứ (Hà Nội) cho tá túc.

Thời gian sau, bỗng dưng khỏi bệnh, bà đã tìm được đường về nhà. Cơ ngơi của gia đình bà khi đó chỉ có 2 gian nhà gianh, dột tứ bề, 5 đứa con nheo nhóc, chồng bà lại mắc nhiều bệnh nên không thể kiếm đủ cái ăn cho chúng. Cuộc sống thúc ép, bà đành chuyển sang chạy chợ kiếm ăn nuôi gia đình.

Năm 1988, bà bị lừa bán sang Đông Hưng (Trung Quốc). Rồi bà tiếp tục bị bán cho một người câm ở đảo Hải Nam. Bà đã lao xuống giếng quyên sinh. Gia đình này vớt bà lên. Bà bị gia đình trói vào cột.

Ở đây khoảng 2 năm, một hôm, biết phía chính quyền đến kiểm tra nhân khẩu, bà đã hét toáng lên và trình bày với những người này là bà bị lừa bán. Thế là bà được về nước.

Về nước, bà vẫn phải tiếp tục buôn bán mưu sinh. Năm 1993, bà lại bị một lái buôn lừa bán sang Trung Quốc. Biết một ít tiếng Trung nên bà dễ dàng giao tiếp được với những người dân ở đây.

Bà chấp nhận sống đọa đày ở ngôi làng xa lạ này. Người chồng Trung Quốc đồng ý cho bà về thăm quê.

Vừa về tới quê hương bà đã bị công an bắt vì tội buôn bán phụ nữ. Theo như những gì cán bộ điều tra xét hỏi, bà có liên quan đến việc lừa bán chị Dương Thị Liễu ở thôn Vạn Thạch (Hoàng Vân, Hiệp Hòa, Bắc Giang). Đồng thời, bà cũng bị kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một người tên là Khổng Thị Mỹ.
Bà Hằng 
Bà bị 5 năm tù giam về tội “Buôn bán phụ nữ” và 6 tháng tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Chồng bà không cứu được vợ, đau đớn, đã quyên sinh.

Trước lúc rời tòa, bà Hằng có một nguyện vọng là xin được đọc một bài thơ để nói rõ nỗi oan ức và uẩn khúc trong vụ án.

Giọng bà run run khi đọc đến câu cuối cùng của bài thơ. Cả phiên tòa khi đó im lặng, nhiều người rơi nước mắt.

Thêu mộ chồng trên gối

Trước khi mất, chồng đã gửi lại cho bà một bức tâm thư. Mỗi lời lẽ trong thư đều khiến bà rơi lệ:

“Hằng em cùng các con yêu quý! Lại một đêm anh không ngủ được vì nhận được giấy báo xử của em do một cô bạn hết án về đưa cho anh. Thế là còn 3 ngày nữa là xử vợ anh, anh rất buồn vì không làm gì cho em được(…). Anh vô cùng bất lực. Anh rất buồn và thương vợ nhưng lực bất tòng tâm. Em và các con hiểu cho anh nhé(…).

Anh nghe kể lại vô cùng uất ức, không còn con đường nào khác, anh thử đi tìm Diêm Vương và Thủy Tề xem có giúp được em không.

Anh rất thương vợ vừa phải xa cách gần 2 năm trời, gia đình vừa mới được đoàn tụ thì vợ anh lại phải gánh nỗi hàm oan này. Đúng là đời quá khổ em ạ. Tài sản duy nhất của gia đình mình là 2 gian nhà ổ chuột và 5 đứa con dại đang đói khát. Anh thật quá bất lực vì những cơn đau vừa xuất huyết dạ dày rồi bị viêm gan. Bênh thì nặng, anh chẳng có tiền mua thuốc.

Hàng tháng phường phải cứu tế cho tiền ăn, sống cách này thật quá khổ. Anh chỉ là gánh nặng cho vợ con mà thôi. Nay em lại phải đi tù khổ quá, chẳng biết bao giờ mới về. Anh hoàn toàn bất lực chẳng biết trông vào đâu.

25 năm trời em sống với anh khổ quá. Thôi anh viết vài dòng để lại cho mẹ con em, đừng trách anh Hằng nhé! Các con hãy tha lỗi cho bố. Vĩnh biệt đời!”.

Viết xong thư để lại cho vợ, ông Mỹ đã tự kết liễu cuộc đời mình.
Lá thư tuyệt mệnh của chồng bà Hằng  
Những ngày trong trại tạm giam, đau đớn, tủi nhục quá, bà đã ngất đi rồi tỉnh lại nhiều lần. Bao đắng cay của một kiếp người bà đã trải qua nhưng nỗi oan trái đó quả là khó nếm trải.

Những ngày đầu ở trại giam, bà gầy sọp vì mất ngủ, vì nhớ đàn con thơ dại. Cứ đặt mình xuống, hình ảnh 5 đứa con nheo nhóc lại hiện lên trong tâm trí của bà. Bà đã nghĩ nhiều về oan trái của mình.

Đêm buông giữa nơi xà lim lạnh lẽo, nỗi nhớ con cồn cào khiến bà càng thêm phần cô đơn và bất lực. Bà đã khóc hết nước mắt.

Bà viết mấy dòng cảm xúc trong cuốn sổ nhàu nát: “Một ngày ở tù bằng cả năm ở ngoài đời. Thời gian trôi thật chậm chạp. Tâm trạng rối bời, nó giống như một loài ấu trùng nào đó đang gặm nhấm, hút dần xương tủy trong người. Tôi đã khổ quá nhiều rồi, tâm trạng lúc đó như rơi vào hư không”.

Cứ mỗi khi nghĩ tới chặng đường phía trước dài đằng đẵng, bà thêm phần âu lo. Tâm trạng của bà khi đó thật khó diễn tả. Chưa bao giờ bà nghĩ cuộc đời bà lại có ngày phải sống phía sau song sắt.

Những ngày ở trong tù, bà đã thêu một cái gối rất đặc biệt. Ở giữa cái gối, bà thêu mấy chữ thể hiện quyết tâm tìm lại danh phận cho mình.

Phía góc cao của chiếc gối là một gốc cây cổ thụ. Theo như lý giải của bà, cái cây này là cuộc đời bà.

Cách cái cây cổ thụ một đoạn, bà thêu một nấm mộ. Vì người chồng mất mà bà không được chịu tang nên bà đặt ngôi mộ giữa gối, coi đó là phần mộ của người chồng.

Hàng ngày, bà rủ rỉ tâm sự với người chồng quá cố cho vơi bớt nỗi buồn.

Trên chiếc gối bà còn thêu 5 chiếc lá vàng đang rơi rụng cuối thu. 5 chiếc lá bơ vơ giữa dòng đời là 5 người con thơ dại của bà. Tất cả nhằm thể hiện tâm trạng khổ đau và cũng tràn đầy hy vọng một ngày nào đó bà có thể tự giải oan cho mình.

Còn tiếp…

Hoàng Giang
Bình luận
vtcnews.vn