• Zalo

Nỗi đau của cậu bé vô thừa nhận trong một thảm án

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 15/06/2013 06:57:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nỗi đau mất cha mẹ là quá khủng khiếp, nhưng nỗi đau vô thừa nhận quả thực xé lòng.

(VTC News) - Nỗi đau mất cha mẹ là quá khủng khiếp, nhưng nỗi đau vô thừa nhận quả thực xé lòng.

Kỳ 2: Nỗi đau của cậu bé vô thừa nhận

Tôi ngồi bên Giàng Mí Pó một buổi chiều ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hà Giang.


Tôi đã nhiều lần cuốc bộ vào nơi cháu sinh ra và lớn lên, đó là bản Tráng Lộ (Sủng Tráng, Yên Minh), và có quá nhiều kỷ niệm đau đớn với mảnh đất đá tai mèo xám xịt này.

Tôi dõi theo từng ngày, từng bước chân điều tra của các trinh sát, cảnh sát điều tra của phòng PC14, Công an tỉnh Hà Giang. Khi bọn “dã thú” còn nhởn nhơ ngoài biên ải, thì cuộc sống đồng bào không một ngày yên ổn.

Hai năm sau ngày thảm án xảy ra ở bản Tráng Lộ, tôi thực sự vui mừng, khi nhận được tin từ Công an tỉnh Hà Giang, rằng cháu Giàng Mí Pó, nạn nhân trong vụ án sát hại cả hai vợ chồng, đã được công an và biên phòng Trung Quốc tìm ra.

giết người cướp trẻ em
Giàng Mí Pó, tức Vương Trường Sinh thường lầm lũi một mình, ít giao lưu với mọi người 
Năm 2008, đã diễn ra buổi trao trả các cháu bé. Công an Châu Vân Sơn của Trung Quốc sau 2 năm điều tra ráo riết, đã phá vỡ hàng loạt đường dây giết người cướp trẻ em tàn bạo, tóm hàng loạt đối tượng và cũng từ đó, tìm ra rất nhiều cháu bé bị ăn cắp, trong đó có cháu Giàng Mí Pó.

Cuộc trao trả diễn ra rất bất ngờ. Lãnh đạo nhiều cơ quan có mặt và rất xúc động. Tuy nhiên, gia đình các cháu đều ở xa, không kịp thông báo, nên các cháu được đưa ngay về Trung tâm bảo trợ xã hội Hà Giang. Bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu nụ cười diễn ra ở trung tâm ấy, chỉ có các cháu thì vẫn ngáo ngơ, bởi còn quá nhỏ, chưa hiểu chuyện gì xảy ra.

Nhận các cháu rồi, cán bộ Trung tâm bảo trợ xã hội Hà Giang phân công mỗi người một hướng, làm nhiệm vụ thông báo cho gia đình các cháu xuống Hà Giang nhận.

Ngày đó, ông Vương Đức Thiết là giám đốc Trung tâm. Ông đã đích thân cùng nhân viên về bản Tráng Lộ, mời ông bà, chú bác, người thân về Hà Giang nhận mặt cháu Pó.

Nhận được tin đứa con trai duy nhất của cặp vợ chồng xấu số Giàng Pà Giáo và Cháng Thị Chúa còn sống, gia đình họ Giàng và họ Cháng ở bản Tráng Lộ vui mừng khôn xiết. Thế nhưng, niềm vui ấy đã tắt lịm trên môi, khi trước mặt họ, không phải là cháu Giàng Mí Pó tinh nghịch, đáng yêu.
giết người cướp trẻ em
Hai cháu bé được trao trả sau một vụ bắt cóc. 
Điều không tin nổi, là đại gia đình hai họ Giàng và Cháng, người thân của anh Giáo và chị Chúa, không ai biết tên cha sinh mẹ đẻ của cháu Pó là gì. Hỏi cháu bé tên là gì, cháu chỉ bập bõm tiếng Việt là Giàng Mí Pó.

Trong ký ức của cháu, chỉ là vài thông tin về gia đình mà cháu sống cùng ở Trung Quốc với cái tên Giàng Mí Pó. Pó được một gia đình Trung Quốc mua về nuôi. Cặp vợ chồng này đang nuôi một cháu bé mới biết bò, không rõ là con đẻ hay con nuôi. Pó gọi người đàn ông là chú, gọi người đàn bà là cô và Pó là anh của đứa bé mới tập bò.

Mọi người đều khẳng định cháu Pó không phải con anh Giáo và chị Chúa, bởi ngoại hình không giống, tính nết không giống. Nhưng tấm ảnh không có, nên họ cũng không biết mô tả giống và khác ở chỗ nào.

Bản Tráng Lộ xa xôi, hẻo lánh, đàn bà tự đẻ con ở nhà, có bà mụ đỡ đẻ, cắt rốn. Những đứa trẻ được sinh ra, cứ lăn lóc lớn lên như con mèo. Đứa nào khỏe thì sống, bệnh tật thì chết, mà chẳng được chăm sóc y tế gì cả.

Ngày cháu Pó bị bắt sang bên kia biên giới, cháu không có tên trong sổ sinh của trạm y tế xã, cũng chưa có giấy khai sinh. Đến cái tên của cháu người thân còn chẳng nhớ, tuổi bao nhiêu cũng chẳng rõ, thì nói gì đến chuyện có hồ sơ quản lý của chính quyền.

Thậm chí, tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hà Giang, cháu được người thân khai ra hàng loạt cái tên, với nhiều độ tuổi. Rốt cục, chẳng ai biết cháu tên là gì, bao nhiêu tuổi, chỉ ang áng đã lên 5 hoặc 6 tuổi khi được trao trả về Việt Nam.
giết người cướp trẻ em
Pó vẫn chưa biết thân phận thật của mình 
Để xác định thân nhân cho cháu Giàng Mí Pó, Công an Hà Giang đã tiến hành lấy mẫu máu của cháu và người thân đi giám định AND. Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an đã thực hiện công việc này. Kết quả đã xác định cháu Pó có huyết thống với những người thân nhà chị Cháng Thị Chúa.

Tuy nhiên, những người thân trong gia đình chị Chúa và anh Giáo vẫn khăng khăng không phải cháu của họ. Họ chẳng hiểu cái gọi là AND, bởi họ không biết đó là thứ gì. Họ chỉ thấy cháu bé không giống cháu của họ, nên không nhận.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Giang đã làm một việc cực chẳng đã, đó là đưa cháu Pó về gia đình ông ngoại cháu sinh sống, cùng với em gái của cháu là Giàng Thị Máy.

Cuối cùng, các cán bộ của trung tâm cũng nhận thấy rằng, cháu không hòa nhập được với gia đình. Không thấy có sự liên hệ ruột thịt nào cả. Đứa trẻ con anh Giáo và chị Chúa rất lanh lợi, lém lỉnh, chứ không lù đù, xa lánh mọi người như cậu bé “Tàu hóa” này.

Sau vài ngày theo dõi, các cán bộ Trung tâm đành đưa cháu về Hà Giang. Chẳng phải Trung tâm không có chỗ cho cháu ở, không có cơm cho cháu ăn, mà bởi mọi người muốn cháu có gốc tích, có được tình thương ruột thịt.

Nhưng liên tiếp nỗi đau đã ập lên đầu cậu bé này. Nỗi đau mất cha mẹ là quá khủng khiếp, nhưng nỗi đau vô thừa nhận quả thực xé lòng. Cháu không có gia đình, cháu không được thừa nhận.

Người miệt mài đi tìm nguồn gốc của cháu nhiều năm nay là ông Vương Đức Thiết. Ông Thiết đã gõ cửa nhiều cơ quan, đề nghị tìm thân nhân cho cháu. Tuy nhiên, thân phận cháu vẫn rất bí ẩn.

Trong trường hợp kết quả xét nghiệm AND không chính xác, vì không lấy mẫu trực hệ, thì cháu có thể là nạn nhân của một vụ buôn người bí ẩn.

Có thể cha mẹ cháu đã bị giết trong một vụ án chưa được biết tới, hoặc cháu là nạn nhân của một vụ bắt cóc mà chưa được trình báo.

Và, trong quá trình tìm lại thân phận cho cháu, ông Thiết đã nhận cháu làm con của mình. Ông đã đặt cho cháu một cái tên khác, mang họ của ông. Giờ đây, cái tên Giàng Mí Pó không ai biết tới nữa, mà cháu là Vương Trường Sinh.

Ông Thiết gửi gắm hy vọng của mình vào cái tên đó, những mong cháu sống lâu để tìm ra thân thế thực sự của mình.

Theo ông Trần Quang Bắc, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội Hà Giang, ngày mới về trung tâm, cậu bé Sinh chỉ nói tiếng Trung Quốc. Cháu chỉ bập bõm được vài tiếng H’Mông.

Không những thế, cháu sống khép kín, không muốn tiếp xúc với ai, nhất là với người lạ. Cháu thực sự là một đứa trẻ tự kỷ.

Tuy nhiên, với sự chăm sóc tận tình, gần gũi của các cán bộ, cháu đã hòa nhịp với cuộc sống. Điều đặc biệt là 4 năm liền, cháu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Danh sách những bé trai ở Yên Minh bị bắt cóc:

Vụ 1: Xảy ra đêm 1-5-2006, các đối tượng đánh trọng thương hai người, cướp cháu Giàng Mí Sính, SN 2002.

Vụ 2: Xảy ra tại xã Sủng Tráng, đêm 10-12-2006, bọn tội phạm giết chết hai người, cướp đi cháu Giàng Mí Pó, SN 2001.

Vụ 3: Xảy ra tại xã Bạch Đích, đêm 27-2-2007, giết chết 2 người, đánh trọng thương 1 người, cướp đi 3 cháu, gồm Vàng Mí Tính (SN 2001), Vàng Mí Lình (SN 2003), Vàng Mí Ly (SN 2006).

Vụ 4: Xảy ra tại xã Hữu Vinh, đêm 25-6-2007, giết chết 3 người, cướp đi 2 cháu Nguyễn Văn Nghiệp (SN 2004) và Nguyễn Văn Ngần (SN 2006).

Vụ 5: Xảy ra sáng 16-9-2007, tại xã Phú Lũng, đánh trọng thương 2 người, cướp đi cháu Thào Mí Vàng (5 tuổi) và Thào Mí Mua (3 tuổi).

Hiện nhiều cháu nhỏ trong hàng loạt thảm án này vẫn mất tích. Sau này, nếu các cháu được tìm ra, được trao trả về Việt Nam, thì sẽ rất khó tìm lại được gia đình, bởi khi bị bắt cóc, các cháu còn rất nhỏ, thậm chí mới vài tháng tuổi. Liệu sẽ lại tiếp tục có những cháu “không gia đình” đáng thương như Vương Trường Sinh?

Còn tiếp...


Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn