Thời gian qua, hoạt động của các trung tâm đăng kiểm bộc lộ những tồn tại, bất cập, thậm chí các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng các kẽ hở pháp luật để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật... Đã có hơn 80 cá nhân vi phạm bị bắt giữ hoặc tạm giam để điều tra trong vụ án "Môi giới hối lộ," "Đưa hối lộ," "Nhận hối lộ" và "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Bắc Ninh và Bắc Giang…
Đặc biệt, ngày 11/1 Công an TP.HCM khởi tố, bắt giam để điều tra về tội nhận hối lộ đối với ông Đặng Việt Hà, Cục Trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Theo các chuyên gia giao thông và luật sư, chủ trương xã hội hóa các trung tâm đăng kiểm và việc gia tăng quá nhanh số lượng các trung tâm đăng kiểm cơ giới đường bộ trong mấy năm qua là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh giữa các đơn vị để thu hút khách hàng.
Từ đó dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. “Kẽ hở” này cần phải “bịt” sớm để tránh tiêu cực trong đăng kiểm, tránh những nguy cơ mất an toàn giao thông khi cán bộ đăng kiểm nhận tiền để “bỏ qua” cho các lỗi của phương tiện cơ giới, mà những lỗi này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông…
Hàng loạt trung tâm đăng kiểm từ Bắc vào Nam “nhúng tràm”
Số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy hiện cả nước có 280 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới; trong đó có 196 đơn vị trực thuộc các doanh nghiệp; 64 đơn vị thuộc các Sở GTVT và 20 đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Tuy nhiên, đến sáng 11/1, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết hiện có 33 trung tâm đăng kiểm trên cả nước đang tạm dừng hoạt động tại 13 tỉnh, thành phố gồm: Phú Thọ, Hoà Bình, TP Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bắc Giang và Bắc Ninh.
Trong đó có 30 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra của cơ quan công an, 1 trung tâm đăng kiểm do vấn đề về nhân sự, 1 trung tâm đăng kiểm do không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, 1 trung tâm đăng kiểm do đăng kiểm viên bị tạm đình chỉ và 1 trung tâm đăng kiểm do thu hồi đất.
Tại Hà Nội, có 11 trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra, hiện còn 20 trung tâm đăng kiểm hoạt động.
Do nhiều dây chuyền đăng kiểm xe bị đình chỉ, lại đúng vào thời điểm cuối năm nên từ cuối năm 2022 Dương lịch, tình trạng quá tải tại các trung tâm đăng kiểm liên tục xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phía Nam. Sang đến đầu năm 2023, xuất hiện tình trạng quá tải khi lượng lớn các phương tiện ở các trung tâm của Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.
"Tôi xếp hàng ở đây từ chiều hôm qua, đến sáng nay vẫn chưa đến lượt vì quá nhiều xe cùng xếp hàng chờ. Những xe cũ như xe của tôi phải kiểm tra nhiều thứ, bình thường mất khoảng buổi sáng là xong, nhưng đợt này đi đăng kiểm kéo dài 2 ngày là điều không tưởng và chưa bao giờ xảy ra trong hơn 10 năm tôi đi đăng kiểm từ trước đến nay", anh Hùng ở Hoàng Mai chia sẻ.
Không những vậy, cuối năm là thời điểm người dân đổ xô đi mua ô tô nên ngoài xe cũ cần đăng kiểm, lượng xe mới cũng tăng cao liên tục.
"Dịp cận Tết như hiện nay, ai cũng muốn có xe để đi chơi và dịp cuối năm cũng là thời điểm chu kỳ đăng kiểm hết hạn, người dân đổ xô đi đăng kiểm lại nên tình trạng ùn tắc là khó tránh khỏi. Tôi nghe tin các trung tâm đăng kiểm đông, nên đi từ sớm, nhưng đến đây vẫn phải xếp hàng đợi", anh Hoàng ở Trương Định đi đăng kiểm xe ở Trung tâm đăng kiểm 2910D (Bãi đỗ xe công cộng và dịch vụ Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) cho biết.
Ghi nhận tại đây, ngay đầu giờ sáng, nhưng lượng ô tô đến đăng kiểm đã chật kín khu vực dẫn vào trung tâm. Đặc biệt, những xe xếp hàng chờ đến lượt còn lấp kín đường vào bãi xe khiến giao thông có thời điểm ùn tắc.
"Tôi dậy từ 5h sáng đi xếp số để đăng kiểm xe mới hoàn toàn. Tuy nhiên, vừa đến thì xe đã xếp chật cứng ở ngoài Trung tâm đăng kiểm này rồi và đếm sơ sơ cũng phải 30 xe trước mặt mới đến lượt mình, không hiểu bao giờ mới đăng kiểm xong, 9h rồi mà vẫn chỉ có hơn chục xe được di chuyển", một lái xe đi chờ đăng kiểm cho biết.
Cần “bịt” kẽ hở bằng quy định của pháp luật
Các chuyên gia giao thông, luật sư nhìn nhận lĩnh vực đăng kiểm có tính xã hội cao, hoạt động rộng trên cả nước, ảnh hưởng đến nhiều người dân và doanh nghiệp. Thời gian qua, hoạt động của các trung tâm đăng kiểm đã bộc lộ những tồn tại, bất cập, thậm chí các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng các kẽ hở pháp luật để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành quy trình, quy định.
Đặc biệt là qua vụ việc một giám đốc trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM không biết chữ là điều khiến bất kể ai cũng ngỡ ngàng.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong vụ việc này. Bởi đăng kiểm là lĩnh vực rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến tính mạng con người và an toàn giao thông. Việc chỉ quy định tiêu chuẩn đối với lãnh đạo trung tâm đăng kiểm là người ký giấy chứng nhận kiểm định mà không bao gồm vị trí giám đốc cho thấy một kẽ hở rất lớn của pháp luật.
"Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam cần thẳng thắn nhìn nhận về thiếu sót này trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, từ đó đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định mới nhằm kịp thời khắc phục, điều chỉnh", ông Thanh nêu quan điểm.
Nhấn mạnh việc cần làm tới đây là điều chỉnh quy định sao cho phù hợp, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng phải đưa ra một tiêu chuẩn cần có đối với giám đốc trung tâm đăng kiểm. Tiêu chuẩn ấy cụ thể ra sao thì đó là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước.
“Việc xây dựng tiêu chuẩn cần dựa trên tham khảo từ các chuyên gia và ý kiến của cơ quan chức năng có liên quan. Ví dụ, giám đốc trung tâm đăng kiểm phải có trình độ nhất định về học thức, có am hiểu về cơ khí, có kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực vận tải… Khi anh có tiền và muốn đầu tư, chuyện này không ai cấm. Tuy nhiên, anh chỉ được đầu tư dưới hình thức góp vốn, cổ phần thôi, còn khi đã đứng tên làm giám đốc thì phải có trình độ nhất định", ông Thanh phân tích.
Nhìn nhận sự việc ở góc độ của luật sư, luật sư Nguyễn Đức Quang - Công ty Luật Keys Việt Nam cho rằng, sau khi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ (Nghị định 139) quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới ra đời, cho phép xã hội hóa các trung tâm đăng kiểm đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới.
Sai phạm ở các trung tâm đăng kiểm là do sự cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh giữa các đơn vị để thu hút khách hàng. Thậm chí, một số đơn vị đã có những hành vi thực hiện sai tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, bỏ nội dung, hạng mục kiểm tra, thực hiện các hành vi giả mạo trong việc kiểm định xe cơ giới, vi phạm pháp luật hình sự.
"Một số doanh nghiệp, chủ đầu tư đều có nhu cầu nhanh chóng thu hồi vốn và có lợi nhuận nên chỉ quan tâm đầu tư thành lập đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tại những khu vực đô thị của các tỉnh, thành phố lớn, nơi có nhiều phương tiện hoạt động. Do đó, mật độ xây dựng các đơn vị đăng kiểm tại các khu vực đô thị rất cao, trong khi tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có ít xe hơn thì không có, hoặc rất ít đơn vị đăng kiểm được thành lập. Việc kiểm định phương tiện của người dân, doanh nghiệp vẫn phải đi xa, tốn thời gian, chi phí", luật sư Nguyễn Đức Quang phân tích.
Trong khi đó, ông Nguyễn Vũ Hải - Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam khi trả lời phỏng vấn phóng viên VOV khẳng định, sau những sai phạm tại một số trung tâm đăng kiểm, Cục đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để nắm bắt thông tin từ hoạt động hằng ngày của từng đơn vị đăng kiểm trong cả nước, đồng thời đã cung cấp các thông tin tài liệu cần thiết phục vụ cho việc điều tra, xử lý các vụ việc của cơ quan chức năng; ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị đăng kiểm cử các đăng kiểm viên tăng cường cho các đơn vị đăng kiểm TP.HCM.
“Chúng tôi đẩy mạnh việc giám sát trực tiếp và từ xa với hoạt động của các đơn vị đăng kiểm trong cả nước nhằm mục đích là hỗ trợ cho các đơn vị trong cả nước là hoạt động bình thường, đáp ứng nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân và doanh nghiệp”, ông Hải cho hay.
Ông Hải thừa nhận, đối với sự việc đáng tiếc đang xảy ra thì đây là bài học đắt giá đối với toàn bộ hoạt động đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
“Ngày 26/12/2022, chúng tôi đã phê duyệt Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030, Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong đó bao gồm đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính các giải pháp đẩy mạnh nâng cao chất lượng giám sát các hoạt động cán bộ, công chức, viên chức để ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi sai phạm trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ và hiện nay thì cái đề án này chúng tôi đã triển khai tất cả các đơn vị trong cả nước và tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra”, ông Hải cho biết.
Trước một số bất cập của việc đăng kiểm xe ô tô, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết sẽ cho rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung tất cả các văn bản có liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, bao gồm Nghị định 139. Việc sửa đổi sẽ thực hiện từ điều kiện cơ sở vật chất cho đến yếu tố con người.
Bình luận