• Zalo

Nợ vay dồn dập tới hạn, ‘ông lớn’ tỉnh Bình Dương muốn huy động thêm hơn chục nghìn tỷ đồng

Kinh tếThứ Ba, 26/02/2019 17:09:00 +07:00Google News

Nếu đợt phát hành cổ phiếu thành công, tổng nguồn thu dự kiến là 11.864 tỷ đồng sẽ được dành một phần để trả nợ vay tới hạn.

Huy động hơn chục ngàn tỷ đồng

Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp (Becamex IDC) – Doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Bình Dương trở thành công ty cổ phần năm 2017 vừa công bố tờ trình của Hội đồng quản trị lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua về việc tăng vốn điều lệ từ gần 10.126 tỷ đồng hiện nay lên 20.000 tỷ đồng trong năm 2019, 2020.

Becamex IDC dự kiến sẽ phát hành 207 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phát hành 20%. Tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 quyền mua, cứ 5 quyền mua được mua 1 cổ phiếu mới. Để khuyến khích cổ đông tham gia đợt phát hành, HĐQT đề xuất giá phát hành 15.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng bằng 65% giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/2/019.

Becamex IDC cũng sẽ phát hành riêng lẻ 758 triệu cổ phiếu chào bán cho các nhà đầu tư theo hình thức riêng lẻ. Giá phát hành sẽ ủy quyền cho HĐQT đàm phán và quyết định nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách theo BCTC gần nhất trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ.

Đồng thời, công ty cũng dự kiến phát hành hơn 22,4 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên công ty với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Dự kiến, nếu phát hành thành công tất cả các phương án trên, Becamex IDC sẽ tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng.

Becmexidc co cau von 4

 

Như vậy, với giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu hiện nay vào khoảng 11.390 đồng/cp, dự kiến công ty sẽ thu 8.500 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ, 3.100 tỷ dồng từ phát hành cho cổ đông hiện hữu và 224 tỷ đồng từ ESOP. Tổng nguồn thu từ phát hành dự kiến là 11.864 tỷ đồng.

Dồn dập nợ tới hạn

Nói về mục đích của đợt phát hành lần này, Ban điều hành Becamex IDC cho biết là để tái cấu trúc tài chính nhằm thanh toán các khoản vay và huy động vốn để tài trợ cho các dự án đầu tư của công ty trong thời gian tới. Một phần nguồn tiền huy động dự kiến sẽ được công ty đầu tư vào các dự án đang cần vốn để đầu tư mở rộng gồm: KCN Bàu Bàng mở rộng, KCN Cây Trường, Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại Becamex tại thành phố mới Bình Dương, Khu phố thương mại Lê Lợi – Thành phố mới.

Thực tế, mặc dù kinh doanh trong lĩnh vực hạ tầng và bất động sản, nhưng tình hình tài chính của Becamex trong nhiều năm qua luôn phụ thuộc rất lớn vào đòn bẫy tài chính, đặc biệt là các khoản nợ vay ngân hàng. Điều này dẫn đến hệ luỵ là quy mô tài sản phình to nhưng rủi ro thì rất lớn.

Trong nhiều năm ròng, khi thị trường bất động sản Bình Dương ‘xì hơi’, Becamex IDC phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu lợi tích được chia từ Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP); khoản thu nhập này trong năm 2017 là 673 tỷ đồng, đóng góp đến 3/5 lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty. Mãi đến năm 2017 và đặc biệt năm 2018 là năm mà hoạt động kinh doanh của Becamex IDC tích cực hơn nhờ vào thị trường bất động sản tại thành phố mới sôi động.

Becamex IDC 3

 

Nhờ bán các bất động sản đã giúp lợi nhuận công ty trong 2 năm qua tăng mạnh. Đồng thời, việc giảm hàng tồn kho khiến quy mô tài sản của Becamex IDC đã giảm xuống. Thế nhưng, đáng chú ý là các khoản nợ vay của của Becamex IDC lại giảm không đáng kể.

Đến 31/12/2018, nợ vay ngắn và dài hạn của Becamex IDC ở mức 19.655 tỷ đồng. Đặc biệt là các khoản nợ vay và trái phiếu dài hạn đã đến hạn được chuyển sang nợ ngắn hạn hơn 6.700 tỷ đồng kéo theo nợ ngắn hạn tăng lên mức 11.300 tỷ đồng so vớimức 8.464 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước (trang 28, BCTC quý IV/2018). Điều đó cho thấy nhu cầu vốn để thanh toán nợ vay của Becamex IDC hiện  nay là rất lớn.

Cho đến nay, mặc dù đã tiến hành cổ phần hoá năm 2017 nhưng hiện cổ đông nhà nước vẫn nắm đến 93% cổ phần tại Becamex IDC. Trước đó, theo phương án cổ phần hoá được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12/06/2017, Tổng Công ty Becamex IDC trở thành Công ty cổ phần với vốn điều lệ khi cổ phần hóa là 13.170 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 51% cổ phần. Theo đó, thương vụ IPO của Becamex IDC được xem là ‘bom tấn’ của năm 2017 và nằm trong số những thương vụ IPO lớn nhất tại VN.

Tuy nhiên, sau 2 đợt IPO đều không thành công, Becamex IDC chỉ mới bán được tổng cộng hơn 24 triệu cổ phiếu, tương đương 7,7% trong tổng số 311,2 triệu cổ phần mà cổ đông Nhà nước đem ra chào bán. Từ là một thương vụ được cho là bom tấn, Becamex IDC thất bại ê chề với lượng cổ phiếu “ế” nặng.

Năm 2018, Becamex đã giảm vốn điều lệ xuống còn 10.126 tỷ đồng, thấp hơn so với vốn điều lệ 13.170 tỷ như phương án CPH đã đươc phê duyệt. Ngày 21/2/2018, Becamex đã đưa cổ phiếu BCM lên giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội(UpCom). Với mức giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên là 31.000 đồng/cổ phiếu, hiện BCM đang mất hơn 20% giá trị.

Hoàng Trung
Bình luận
vtcnews.vn