• Zalo

Nở rộ trái phiếu bất động sản đảm bảo bằng cổ phiếu: Khách hàng nên thận trọng

Bất động sảnThứ Năm, 05/08/2021 13:26:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lấy cổ phiếu làm tài sản bảo đảm được cho là dễ gây ra rủi ro cho khách hàng.

Hiện gần 60.000 tỷ đồng trái phiếu được bảo đảm bằng các cổ phiếu trên sàn, chiếm 64% tổng lượng trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã phát hành trong 6 tháng đầu năm 2021. Điều này được cảnh báo là gây rủi ro cho khách hàng, bởi giá cổ phiếu phụ thuộc vào kết quả thị trường chứng khoán thì tài sản của nhà đầu tư khó được bảo đảm.

Cụ thể, báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp do Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty cổ phần chứng khoán SSI (SSI Research) công bố mới đây cho thấy, trong quý II/2021, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành lên tới 164 nghìn tỷ đồng, gấp 3,7 lần lượng phát hành quý 1 và tăng xấp xỉ 29% so với cùng kỳ 2020. 

Trong đó, trái phiếu bất động sản đạt mức 64,4 nghìn tỷ đồng, tăng 131% so với quý 1/2021 và tăng 285% so với quý II/2020.

Tính chung nửa đầu 2021, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản lên tới 92,3 nghìn tỷ đồng, lãi suất bình quân 10,36%/năm, thấp hơn 23 điểm phần trăm so với bình quân năm 2020.

Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp bất khi phát hành trái phiếu đang lấy chính cổ phiếu được niêm yết trên sàn làm tài sản bảo đảm. "Có 29.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản đảm bảo. Nếu tính cả trái phiếu bất động sản được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là gần 60 nghìn tỷ đồng, chiếm 64% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành 6 tháng đầu năm 2021", báo cáo SSI Research nêu. 

Liên quan đến sự bùng nổ này, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhiều nhà đầu tư tin rằng cổ phiếu của doanh nghiệp uy tín trên thị trường thì hoàn toàn có thể yên tâm về sự bảo đảm vì nếu nhà phát hành không trả được nợ cho họ, họ sẽ bán cổ phiếu lấy lại tiền. 

Tuy nhiên, theo ông Hiếu trường hợp này khó xảy ra. Bởi nếu nhà phát hành mất thanh khoản thì ngoài thị trường chứng khoán chắc chắn cổ phiếu cũng sẽ giảm giá rất mạnh. Do đó, khách hàng có cầm cổ phiếu thì họ cũng không lấy lại được tiền.

Có thể nói dùng cổ phiếu của nhà phát hành để bảo đảm cho trái phiếu cũng giống như người lấy mạng sống của mình bảo đảm cho món nợ khi họ mất khả năng thanh toán”, ông Nguyễn Trí Hiếu ví von.

Đồng quan điểm, SSI Research cũng cho rằng, việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư cá nhân khi rót tiền vào kênh trái phiếu doanh nghiệp phải thẩm định được hoạt động kinh doanh, nhận diện các rủi ro của doanh nghiệp, tham khảo kỹ các điều khoản hợp đồng như cam kết mua lại trước hạn, xử lý tài sản đảm bảo. Nếu không đủ khả năng, nhà đầu tư cá nhân có thể tìm đến những tổ chức, chuyên gia tài chính chứng khoán thẩm định giúp.

Đặc biệt, nhà đầu tư cũng cần lưu ý phân bổ cơ cấu tài sản khi rót tiền vào trái phiếu doanh nghiệp. Đây là kênh đầu tư trung dài hạn với kỳ hạn phổ biến trên thị trường 1-3 năm nên nhà đầu tư cá nhân cần tính toán kỹ về dòng tiền nhàn rỗi của mình, chấp nhận bị chôn vốn trong một khoảng thời gian.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn