Khi gặp khó khăn về nguồn tiền mặt đầu năm nay, gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande quay về chính nhân viên của mình với một chính sách mạnh mẽ: Những người muốn bảo toàn các khoản tiền thưởng sẽ phải cho công ty vay một khoản ngắn hạn.
Một số nhân viên đành vay mượn bạn bè và gia đình cho công ty. Những người khác vay từ ngân hàng. Đến tháng này, Evergrande đột ngột ngừng trả các khoản vay vốn được xem là đầu tư lãi suất cao nói trên.
Giờ đây, hàng trăm người, nhân viên cũng như khách hàng, tụ tập bên ngoài trụ sở công ty hoảng loạn đòi lại tiền. Từng là nhà phát triển bất động sản giàu có nhất Trung Quốc, Evergrande ngày càng vững ngôi "vua nợ".
Nợ người cho vay tiền, nợ nhà cung cấp và nhà đầu tư nước ngoài, nợ căn hộ trong những dự án chưa hoàn thiện - Evergrande phải đối mặt với các vụ kiện và đánh mất hơn 80% giá trị cổ phiếu trong năm nay.
Các nhà quản lý lo ngại rằng sự sụp đổ của một công ty tầm cỡ như Evergrande sẽ gây chấn động cho toàn bộ hệ thống tài chính Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa có động thái cứu trợ nào, vì từng hứa sẽ dạy cho các công ty nợ nần chồng chất một bài học.
Tài trợ chuỗi cung ứng
Jin Cheng, một nhân viên 28 tuổi ở thành phố Hợp Phì cho biết, các nhân viên tại Fangchebao - nền tảng bán bất động sản và ô tô trực tuyến của Evergrande, tháng nào cũng phải “đầu tư” vào Evergrande Wealth.
Jennifer James, giám đốc đầu tư tại Janus Henderson Investors, nói bà và các nhà đầu tư khác biết về chiến lược quản lý tài sản liên quan đến nhân viên của Evergrande, khi công ty tiết lộ rằng họ cần trả một khoản 145 triệu USD. Theo New York Times, công ty bắt đầu buộc các nhân viên giúp đỡ ngay từ tháng 4 với các khoản vay ngắn hạn.
Một tư vấn viên Evergrande Wealth, Liu Yunting, gần đây trả lời phỏng vấn rằng khoảng 70 đến 80% nhân viên của Evergrande trên khắp Trung Quốc phải bỏ tiền ra để rồi các khoản tiền sau đó được dùng cho hoạt động của công ty. Ban lãnh đạo công ty nói các khoản đầu tư là một phần của "tài trợ chuỗi cung ứng" và sẽ cho phép Evergrande thanh toán cho các nhà cung cấp. “Bởi vì nhân viên chúng tôi phải hoàn thành định mức, chúng tôi đã nhờ bạn bè và gia đình bỏ tiền vào”, theo Liu. Bố mẹ và vợ Liu đã đầu tư 200.000 USD, trong khi đó chính ông đã bỏ khoảng 75.000 USD.
Một phần của cuộc phỏng vấn trên đài An Huy sau đó đã bị gỡ. Vẫn chưa rõ phạm vi chiến dịch hay số tiền công ty huy động được từ đây là bao nhiêu.
Áp lực ngày càng lớn
Evergrande gần đây cho biết đang chịu áp lực tài chính "khủng khiếp" và đã thuê các chuyên gia tái cấu trúc để giúp họ đưa ra quyết định cho tương lai. Các chủ nợ ngày càng mất kiên nhẫn.
Khi có tin đồn rằng Evergrande có thể phá sản trong tháng này, Jin và một số đồng nghiệp tụ tập trước các văn phòng chính quyền cấp tỉnh để gây áp lực buộc chính quyền phải vào cuộc. Ở thành phố Thâm Quyến, người mua nhà và nhân viên cũng tụ tập đòi Evergrande trả lại những đồng tiền mà họ đã phải kiếm bằng "máu và mồ hôi".
Trước khi quay cuồng vì trả nợ, trong hơn hai thập kỷ, Evergrande là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Tập đoàn hái ra tiền từ sự bùng nổ bất động sản trên quy mô chưa từng thấy. Thành công nối tiếp thành công, Evergrande mở rộng sang các lĩnh vực mới - nước đóng chai, thể thao chuyên nghiệp, xe điện.
Các ngân hàng và nhà đầu tư khi đó vui vẻ rót tiền, đặt cược vào tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển của Trung Quốc – tầng lớp với khao khát sở hữu nhà cửa và tài sản. Thế rồi, khi các cơ quan quản lý muốn kiểm soát sự bùng nổ này và bắt đầu giám sát chặt chẽ thị trường nhà, ngành bất động sản bắt đầu phải trả nợ.
Ý tưởng ban đầu của họ là giảm việc các ngân hàng Trung Quốc liên quan quá nhiều tới lĩnh vực bất động sản. Nhưng trong quá trình này, các nhà quản lý cũng thắt chặt nguồn tiền mà những nhà phát triển như Evergrande cần để hoàn thành các dự án xây dựng, khiến các gia đình đã trả tiền mua không được nhận nhà.
Bà James bình luận: “Hệ thống tài chính của Trung Quốc thực sự phức tạp và nếu ngày mai Evergrande biến mất, bạn nhận ra đó có thể là một vấn đề xã hội mang tính hệ thống".
Theo New York Times, Evergrande đã cố gắng bán bớt phần này phần kia để có tiền, nhưng cho đến tuần trước, họ vẫn không chắc có thể hoàn thành kịp bất kỳ thương vụ nào. Công ty trong khi đó cho rằng truyền thông đang đưa tin quá tiêu cực, gây ra sự hoảng loạn của những người mua nhà.
Bên cạnh những khoản nợ cao ngất ngưởng, hàng loạt dự án chưa hoàn thành cũng là một vấn đề lớn khác của Evergrande có thể khiến các nhà quản lý lưu tâm.
Công ty có gần 800 dự án đang được phát triển tại hơn 200 thành phố trên khắp Trung Quốc. Theo ước tính, Evergrande đang đến hạn cần giao khoảng 1,6 triệu bất động sản cho người mua nhà. Đầu tháng này, công ty đã tập hợp các giám đốc điều hành và yêu cầu họ ký công khai một cam kết hoàn thành các công việc phát triển bất động sản còn dang dở.
Bình luận