“Việc Evergrande sụp đổ sẽ là phép thử lớn nhất mà hệ thống tài chính Trung Quốc phải đối mặt trong nhiều năm qua”, ông Mark Williams, nhà kinh tế học châu Á tại Capital Economics cho biết.
Evergrande là ai?
Evergrande hiện diện khắp mọi nơi ở Trung Quốc. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty này là bất động sản. Họ là nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc tính theo doanh số.
Evergrande sở hữu hơn 1.300 dự án bất động sản ở 280 thành phố Trung Quốc. Các dịch vụ quản lý bất động sản của công ty có liên quan đến gần 2.800 dự án ở khắp 310 thành phố.
Công ty có 7 đơn vị hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm xe điện, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sản phẩm tiêu dùng, sản xuất video, truyền hình và một công viên giải trí. Evergrande cho biết có 200.000 nhân viên, nhưng công ty gián tiếp tạo ra hơn 3,8 triệu việc làm mỗi năm.
Cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande được đưa vào các chỉ số trên khắp Châu Á.
Chuyện gì đã xảy ra?
Sau nhiều năm mở rộng nhanh chóng trong khi kinh tế Trung Quốc bùng nổ, Evergrande giờ bị “vùi” trong đống nợ khổng lồ lên tới 300 tỷ USD.
Nhà phát triển bất động sản này đang phải chật vật trả nợ cho các nhà cung cấp, liên tục cảnh báo các nhà đầu tư rằng họ có thể vỡ nợ.
Hôm 15/9, Evergrande cho biết doanh số bán bất động sản của công ty này có khả năng sẽ tiếp tục giảm mạnh trong tháng 9, sau nhiều tháng giảm liên tiếp, khiến tình hình dòng tiền của họ càng trở nên tồi tệ hơn.
Việc Evergrande vỡ nợ có thể ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính Trung Quốc và rộng hơn là cả quốc tế. Các ngân hàng hiện đã phản ứng với tình hình này. Một số ngân hàng ở Hong Kong, bao gồm HSBC và Standard Chartered từ chối mở rộng khoản vay đối với những người mua có hai dự án Evergrande chưa hoàn thành, theo Reuters.
Các công ty xếp hạng trong khi đó liên tục hạ cấp Evergrande vì vấn đề thanh khoản. Vấn đề của công ty càng trở nên trầm trọng hơn khi vào năm ngoái, Trung Quốc đưa ra quy định siết chặt chi phí đi vay (lãi và các chi phí phát sinh do vay vốn) của các nhà phát triển. Điều này khiến mức nợ liên quan đến dòng tiền, tài sản và mức vốn của công ty bị giới hạn.
Giá cổ phiếu của Evergrande đã giảm gần 80% trong năm nay, giao dịch trái phiếu của công ty liên tục bị các sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc tạm dừng trong những tuần qua.
Ai sẽ bị ảnh hưởng?
Nếu Evergrande sụp đổ, các bên sẽ chịu ảnh hưởng bao gồm ngân hàng, nhà cung cấp, người mua bất động sản và nhà đầu tư.
Evergrande đã cảnh báo trong tuần này rằng những rắc rối leo thang của công ty có thể dẫn đến tình huống "vi phạm chéo" - trong đó vỡ nợ ở một thỏa thuận này làm nảy sinh các nghĩa vụ trả nợ ở nhiều thỏa thuận khác (dù chưa đến hạn), kéo theo tình trạng vỡ nợ tràn lan.
Khi đó, ngân hàng sẽ là một trong những ngành đầu tiên bị ảnh hưởng nếu thị trường bất động sản Trung Quốc chịu tác động lan truyền từ vụ vỡ nợ, theo Williams.
Tiếp theo là người mua bất động sản và nhà đầu tư. Các cuộc biểu tình giận dữ liên quan đến Evergrande đã nổ ra ở nhiều thành phố Trung Quốc trong những ngày gần đây, làm dấy lên lo ngại. Hôm 13/9, khoảng 100 nhà đầu tư xuất hiện tại trụ sở chính của Evergrande ở Thâm Quyến đòi nợ với những khoản vay đã quá hạn – tạo nên khung cảnh hỗn loạn.
Tâm lý về vụ của Evergrande đã lan ra châu Á đối với trái phiếu lợi suất cao. Theo công ty tư vấn TS Lombard, các nhà đầu tư nước ngoài đang rơi vào tình trạng thua lỗ.
Sự thất bại của Evergrande cũng có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp khác nếu các nhà cung cấp không được trả tiền. Theo đánh giá của S&P Global Ratings, Evergrande đang “cố gắng thuyết phục” các nhà cung cấp và nhà thầu chấp nhận thanh toán bằng các tài sản vật chất - trong nỗ lực duy trì tiền mặt trả nợ.
Trong một báo cáo hồi tháng 8, S&P ước tính trong 12 tháng tới, Evergrande sẽ có hơn 240 tỷ nhân dân tệ (37,16 tỷ USD) các khoản hóa đơn để thanh toán cho các nhà thầu - khoảng 100 tỷ nhân dân tệ trong số đó sẽ đến hạn trong năm nay.
Evergrande quá lớn để sập?
Theo các nhà phân tích, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ can thiệp xét đến sự quan trọng của tập đoàn bất động sản này.
Dan Wang, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Hang Seng bình luận: “Evergrande là một nhà phát triển bất động sản quan trọng, nên nếu có bất kỳ điều gì xảy ra với công ty này thì đó sẽ là một thông điệp mạnh mẽ. Tôi tin rằng sẽ có một số biện pháp hỗ trợ từ chính phủ trung ương, hoặc thậm chí là ngân hàng trung ương, nhằm cố gắng giải cứu Evergrande".
Nhưng các nhà phân tích khác nghiêng nhiều hơn về kịch bản tái cấu trúc.
“Cái kết có khả năng xảy ra nhất bây giờ là tái cấu trúc có kiểm soát, trong đó các nhà phát triển khác tiếp quản các dự án chưa hoàn thành của Evergrande để đổi lấy một phần quỹ đất của họ”, Williams của Capital Economics nhận xét.
Theo chuyên gia này, nhiều khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ ưu tiên người mua nhà và ngân hàng hơn các bên khác. “Ưu tiên chính của các nhà hoạch định chính sách sẽ là những hộ gia đình đã bàn giao tiền đặt cọc cho bất động sản chưa xây xong. Các chủ nợ khác của công ty có thể sẽ bị thiệt hại".
Ngân hàng đầu tư Natixis thì cho rằng Trung Quốc sẽ tránh “rủi ro hệ thống” trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc năm 2022. “Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy khủng hoảng nợ của Evergrande có thể tích tụ”, và tăng trưởng kinh tế sẽ không còn giảm thiểu thiệt hại tài chính như trong quá khứ, theo ngân hàng này.
Bình luận