Căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng tăng cao đến mức độ chưa từng có trong năm 2017 khi Triều Tiên cương quyết không từ bỏ các chương trình tên lửa và hạt nhân, coi đây là giải pháp tự vệ của mình.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu đầu năm mới 2018, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói Bình Nhưỡng sẵn sàng đàm phán với Seoul và tham gia Thế vận hội Mùa đông PyeongChang Hàn Quốc dù vẫn giữ thái độ cứng rắn với Mỹ.
Theo Business Insider, Triều Tiên và Hàn Quốc từng đạt được những bước tiến lớn trong quá trình xây dựng hòa bình và hoàn toàn có thể khởi động lại quá trình này.
Tháng 7/1988, Chiến tranh lạnh đi tới hồi kết, Tổng thống Hàn Quốc đương thời Rho Tae-woo thông báo kế hoạch tích cực đẩy mạnh các chuyến thăm trao đổi giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, thành phần bao gồm các chính trị gia, doanh nhân, nhà báo, các lãnh đạo tôn giáo, văn hóa, nghệ sĩ, học giả và sinh viên.
Chính sách này được gọi là Nordpolitik, dựa trên chính sách Ostpolitik của Tây Đức. Dù vậy, mất 10 năm để những trao đổi này được bắt đầu.
Năm 2000, hai lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc lần đầu tiên gặp nhau tại Bình Nhưỡng kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung khẳng định với cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, đề xuất xây dựng hòa bình của Hàn Quốc nhằm thúc đẩy cùng tồn tại với Triều Tiên trong hòa bình.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên, chính phủ Triều Tiên và Hàn Quốc mở rộng được một số hoạt động xây dựng hòa bình xuyên biên giới như các trao đổi nhân đạo, phát triển, hợp tác kinh tế, kinh doanh, văn hóa – xã hội.
Chỉ trong vài năm, các hoạt động này đưa hơn nửa triệu người từ Hàn Quốc sang Triều Tiên và ngược lại. Trong khi đó, gần 2 triệu khách du lịch Hàn Quốc đến thăm Triều Tiên.
Một số ý kiến cho rằng quá trình xây dựng hòa bình liên triều bị gián đoạn bởi thay đổi trong chính sách của Mỹ và Hàn Quốc đối với Triều Tiên sau sự kiện 11/9, trong khi đó những ý kiến khác cho rằng tham vọng hạt nhân của Triều Tiên là nguyên nhân.
Video: Người Triều Tiên ăn mừng phóng thử thành công tên lửa Hwasong-15
Dù vậy, lí do chung được đưa ra là sự bất ổn sâu sắc của Triều Tiên. Các lãnh đạo Triều Tiên qua hàng thập kỉ luôn đề cập đến sự tấn công của Mỹ như lí do cho đường lối lãnh đạo của mình.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế liên tiếp và phô trương sức mạnh quân sự của Mỹ và Hàn Quốc không những không khiến Triều Tiên ngừng phát triển chương trình hạt nhân, mà còn trở thành lí do để chương trình tiếp tục.
Trong khi đó, đối với những nhóm dân sự xã hội Hàn Quốc, những người vẫn nhớ về việc đi qua biên giới trước đây thì xây dựng hòa bình vẫn là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề trên bán đảo.
Bình luận