Những ý tưởng gây choáng của học trò Đà Nẵng cho các nhà khoa học

Khoa học - Công nghệThứ Hai, 16/04/2018 07:09:00 +07:00

Học sinh nêu lên ý tưởng, sau đó cùng với các chuyên gia, nhà khoa học giàu kinh nghiệm nghiên cứu, thực hiện để ứng dụng ý tưởng đó vào thực tiễn.

Ý tưởng thùng rác thông minh “made by học sinh”

Nếu như các cuộc thi khoa học kỹ thuật trước đây dành cho học sinh chỉ nghiêng về đánh giá, trao thưởng đối với sản phẩm đã hoàn thành. Thì bây giờ, học sinh có thể chỉ nêu ý tưởng và cùng thực hiện với các chuyên gia, nhà nghiên cứu dày dặn kinh nghiệm.

ytuonghocsinh

 

Ấp ủ ý tưởng làm một chiếc thùng rác thông minh có thể tự động di chuyển đến những bãi rác khi đã đầy thùng của Trần Gia Huy, học sinh lớp 10/8 (trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi) tưởng như chỉ nằm trên bàn giấy. Bởi sự phức tạp về công nghệ khiến cậu học sinh lớp 10 gặp nhiều khó khăn khi bắt tay thực hiện.

“Mỗi ngày, cư dân thành phố xả ra hàng triệu tấn rác, khiến các cô chú nhân công phải rất vất vả trong việc thu gom. Nếu sản xuất được chiếc thùng rác thông minh thì công nhân chỉ cần đến bãi rác để gom và phân loại”, Huy cho hay.

Chia sẻ về nguyên lý hoạt động của chiếc thùng rác thông minh này, Huy nói sẽ sử dụng công nghệ để chiếc thùng tự động di chuyển với lộ trình vạch kẻ sẵn và di chuyển về trạm đúng giờ. Thùng rác sẽ được gắn hệ thống có các cảm biến thông minh (tự động báo rác đầy, đóng mở nắp khi có người bỏ rác, định vị trí bằng GPS...).

Trong lúc đó, trạm sẽ tự động thu gom, giám sát lộ trình các thùng rác di chuyển và tự động phân phối về vị trí cũ. Huy cho biết, có thể điều khiển thùng rác qua máy tính và sạc nguồn chính acquy bằng năng lượng mặt trời.

“Em hình thành ý tưởng này từ hồi học cấp 2 nhưng không có kinh phí, thiết bị và người hướng dẫn để thực hiện. Ở đây, em được các thầy cô hướng dẫn, định hướng và được hỗ trợ một bo mạch để có thể hoàn thiện sản phẩm”, Huy nói thêm.

Tiến sĩ Trần Thế Vũ - Trưởng bộ môn Công nghệ thông tin tại Viện nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh cho biết, ý tưởng về thùng rác thông minh của Huy rất hay và có tính ứng dụng thực tiễn cao. Ngoài việc theo sát, hỗ trợ kỹ thuật và phát triển mẫu thử, Tiến sĩ Vũ còn hướng dẫn Huy kỹ năng thiết trình và sử dụng bo mạch, mua thêm linh kiện cho sản phẩm.

Chiếc hộp xanh vạn năng

“Chiếc hộp xanh này có thể tăng năng suất cho cây trồng, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho cây phát triển. Nó được lắp ráp từ các bộ phận như: cảm biến độ ẩm để tự động tưới cây, cảm biến ánh sáng để cung cấp ánh sáng cho cây để giúp quang hợp tốt hơn... Các thông số sẽ được hiện thị ở màn hình LCD giúp chủ nhân có thể quản lý”, bạn Nguyễn Quang Hào, học sinh lớp 10/6 (trường Trung học phổ thông Phan Châu Trinh) nói về ý tưởng của mình.

Đây là một sản phẩm được tạo ra để tự động hóa công việc tạo ra rau sạch để sử dụng. Thay vì ra chợ để mua rau nhưng không rõ nguồn gốc để ăn thì giờ đây bạn đã có rau để ăn sau một thời gian trồng tự động bằng chiếc hộp xanh.

Khi trồng thủ công, thay vì phải nhớ để chăm sóc cây, tốn thời gian với nó nhưng lại không đảm bảo được năng suất vì thiếu/dư nước, thiếu ánh sáng... thì chiếc hộp của em sẽ giải quyết được việc đó – Hào thông tin thêm.

Với ý tưởng này, Hào là một trong những học sinh sẽ được các chuyên gia công nghệ hướng dẫn thực hành tại không gian sáng chế Maker Innovation Space (thuộc Đại học Đà Nẵng). Tại đây, Hào sẽ cùng với các chuyên gia triển khai ý tưởng của mình trên các bảng mạch điện tử, chế tạo các mẫu thử nghiệm.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương - Phó Giám đốc phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh cho biết, sân chơi này nhằm khuyến khích học sinh bậc phổ thông có niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học - công nghệ - kỹ thuật.

Qua đó, giúp các em vận dụng các kiến thức, lý thuyết đã học để hình thành ý tưởng và giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Theo Tiến sĩ Hương thì những sản phẩm có tính ứng dụng cao sẽ được chọn để giới thiệu cho các doanh nghiệp nhằm ứng dụng vào thực tiễn.

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn