Có thể kiếm thêm 1 tỷ đồng nếu để đất thêm 3 ngày là một trong những chuyện được cò đất tại Cần Giờ tiết lộ với khách mua.
Kể từ đầu tháng 4, giá đất tại Cần Giờ tăng đột biến theo cấp số nhân, tỷ lệ thuận với số lượng giao dịch trên địa bàn 2 xã Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp và thị trấn Bình Khánh. Đây là những khu vực được cho là nằm trong tâm của cơn sốt đất đang diễn ra tại Cần Giờ.
Trước đây, giá đất tại khu vực này chỉ dao động từ 5 - 6 triệu đồng/m2, nay lên đến 7 - 8 triệu đồng. Một số vị trí đẹp nằm gần mặt tiền và gần UBND xã Bình Khánh, trong tuần trước đã chạm mốc 10-12 triệu đồng/m2.
Khu vực nóng nhất Cần Giờ là thị trấn Cần Thạnh cùng với xã Long Hòa. Các tuyến đường trọng yếu như Duyên Hải, Lương Văn Nho, đường Thạnh Thới, đường Tắc Xuất, đường Đào Cử, đường Đặng Văn Kiều và Lê Hùng Yên... giá đất tăng theo từng ngày kể từ đầu tháng 4 đến nay. Mỗi ngày, giá giao dịch có thể tăng lên vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng mỗi m2.
Một môi giới đất tại thị trấn Cần Thạnh cho biết nhiều khách hỏi mua đất tại đường Lương Văn Nho nhưng không còn để bán. Đây là con đường đang được thi công mở rộng lộ giới lên 24-28 m, cũng là một trong những tuyến đường có quy mô rộng nhất tại trung tâm Cần Thạnh. Giá đất ở đây đầu tháng 4 được giao dịch 7-15 triệu đồng/m2 và gần như không có đất chính chủ, đa số đã được người mua đầu tư sang tay.
Nhiều chuyên gia cho rằng có hai nguyên nhân dễ thấy nhất và cũng chính là lý do gây sốt đất ở Cần Giờ.
Thứ nhất là thông tin xây cầu Bình Khánh và việc xuất hiện các ông lớn Vingroup và Tập đoàn Tuần Châu tại Cần Giờ với các dự án du lịch nghỉ dưỡng lấn biển.
Một cán bộ hưu trí tại huyện này cho biết cách đây một tuần, UBND huyện tổ chức cuộc họp với người dân, công bố đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 khu vực ven biển xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, thuộc khu vực phía Nam huyện Cần Giờ.
Nhưng với giới hiểu thị trường thì câu chuyện sâu xa khiến giá đất tăng dựng đứng chỉ trong một tháng, là do các nhà đầu tư cá nhân di chuyển theo luồng, dùng kỹ xảo đẩy giá lên cao rồi bán ra sau khi mua vào với giá thấp trước đó.
Không chỉ tại Cần Giờ, tại dự án Thanh Hà Cienco 5, giá đất cũng được thổi lên khá cao, trong khi giá gốc từ chủ đầu tư chỉ dao động từ 14 - 19 triệu đồng/m2, thì trên thị trường, giá được đẩy lên tới 22 triệu đồng/m2, thậm chí những lô vị trí đẹp, giá đất đã lên tới 29 - 30 triệu đồng/m2.
Gần đây nhất, cơn sốt đất Đông Anh cũng khiến nhiều người giật mình. Từ sau Tết Nguyên Đán đến nay, giá đất thổ cư tại hai xã Xuân Canh, Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội) liên tục tăng cao, nhiều người có nhu cầu phải tranh mua.
Anh Chung – một người đầu tư bất động sản cho biết, anh đã đặt cọc để mua mảnh đất thuộc xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội) với giá 13 triệu đồng/m2 nhưng khi gom đủ tiền, quay lại để thực hiện giao dịch thì chủ đất lại đòi giá 15 triệu đồng/m2. Theo anh Chung, nếu không phải là người có kinh nghiệm anh không thể mua được mảnh đất trên với giá đã thỏa thuận dù hai bên đã có khế ước.
Đặc biệt, có những khu đất trước Tết giá chỉ 15 – 16 triệu/m2, hiện giờ giá đã là 24 – 25 triệu/m2.
Được biết, đất thổ cư ở ở khu vực hai xã Xuân Canh, Đông Hội đã rục rịch tăng giá kể từ năm 2016, sau lễ động thông dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia. Gần đây, khi rộ lên tin đồn về dự án cầu Tứ Liên (khởi động từ năm 2010 – kết nối Đông Hội, Xuân Canh với nội đô Hà Nội) sẽ được triển khai trong thời gian tới thì giá đất bắt đầu ở vào trạng thái “sốt”.
Tuy nhiên, nếu không phải nhà đầu tư trường vốn thì nên cân nhắc kỹ trước khi đầu tư vì việc kỳ vọng lợi nhuận tăng cao phải chờ thêm một thời gian lâu nữa.
Video: Kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn
Bình luận