Khi Dhruv Agarwal, 32 tuổi gọi điện cho gia đình vào ngày 9/11 năm ngoái, anh tỏ ra rất phấn khích.
Cuối cùng, anh cũng đặt chân tới Thung lũng Parvati đầy mê hoặc ở miền bắc Ấn Độ sau một chuyến buýt đường dài từ New Delhi. Agarwal muốn chia sẻ với gia đình khung cảnh tuyệt đẹp về thung lung được bao quanh bởi những ngọn núi phủ tuyết của dãy Himalaya.
"Nó lia điện thoại từ bên này sang bên khác và tỏ ra rất vui khi cho chúng tôi xem phong cảnh", Manica - chị của Agarwal nhớ lại.
Nhưng khi Agarwal bất ngờ cúi xuống như thể đang nhặt thứ gì đó, cuộc gọi bỗng nhiên bị ngắt kết nối.
Đó là lần cuối cùng gia đình liên lạc với Agarwal. Từ đó, người đàn ông 32 tuổi mất tích mà không để lại bất cứ dấu vết nào.
Thung lũng tử thần
Hàng chục trường hợp biến mất bí ẩn như Agarwal từng được ghi nhận ở Parvati. Hầu hết trong số này là du khách nước ngoài mất tích khi đang tham thú thung lũng thuộc địa phận bang Himachal Pradesh của Ấn Độ.
Điều này khiến Parvati được mệnh danh là "Tam giác quỷ Bermuda của Ấn Độ" hay "thung lũng tử thần".
Không có số liệu thống kê chính thức, nhưng truyền thông Ấn Độ cho biết ít nhất 21 du khách đã mất tích tại đây trong khoảng 3 thập kỷ qua. Người dân địa phương khẳng định con số thật còn cao hơn thế.
Trước Agarwal, một trường hợp cũng gây xôn xao là Justin Alexander, du khách người Mỹ mất tích năm 2016 khi đang đi bộ xuống hồ Mantalai.
Hiện tại, các bức tường của tòa nhà chính phủ, nhà vệ sinh công cộng trên các con đường xung quanh Parvati dán đầy các tấm áp phích tìm kiếm những người mất tích.
Bất chấp các vụ biến mất bí ẩn, các du khách vẫn tìm tới Parvati. Một phần là vẻ đẹp hùng vĩ của nó, một phần là vì tò mò, theo Aditya Kant - tác giả của cuốn sách lấy bối cảnh ở Thung lũng Parvati cho hay.
"Hầu hết mọi người tới đây sau khi được nghe về một loại chất kích thích "chất lượng cao" vốn rất nổi tiếng ở thung lũng này và tò mò muốn thử nó. Thêm vào đó, là cảnh trí ở đây đẹp đến nỗi thung lũng này thường được gọi là Thụy Sĩ thu nhỏ", Kant nói.
Loại chất kích thích mà Kant nói tới là kem Malana, một loại nhựa cần sa đắt đỏ được trồng tại địa phương. Người dân ở đây coi kem Malana là một thứ thảo dược thần kỳ trong khi nhiều du khách coi đây là một cách để "giải thoát tâm hồn".
“Vào cuối những năm 1980, khách du lịch Israel bắt đầu đổ xô đến đây vào thời điểm không mấy du khách Ấn Độ tới nơi này và việc buôn bán ma túy đã tăng mạnh. Dòng người này dần dần biến thung lũng trở thành một điểm đến nổi tiếng đối với khách du lịch nước ngoài", Kant cho hay.
Địa hình hiểm trở
Nhưng cũng nhiều du khách tới đây để tận hưởng sự yên tĩnh và vắng vẻ.
Abhishek - anh trai của Agarwal nói em trai mình là một du khách như vậy.
Thêm vào sự âm u và bí ẩn của thung lũng này là địa hình của nó. Vùng thượng lưu của thung lũng không có đường dành cho xe cơ giới. Cách duy nhất tới đó là đi bộ xuyên rừng, thường là dọc theo những con đường hẹp ngoằn ngoèo trên những sườn núi cao.
Các chuyên gia leo núi địa phương thường hợp tác để tìm kiếm những người mất tích.
"Thung lũng này nguy hiểm bởi các con dốc hẹp dần khi bạn leo lên cao", Manu Mahajan, một người leo núi thuộc Hiệp hội Cứu hộ Himalaya chia sẻ.
Mahajan tham gia vào các cuộc tìm kiếm khác nhau trong nhiều năm. Thông thường, thành công có nghĩa là tìm thấy hài cốt của một người đã chết.
"Có những điểm rất nguy hiểm. Ở đó, chỉ với một sai sót nhỏ bạn sẽ rơi xuống sông Parvati từ độ cao hàng nghìn mét", anh cho hay.
Tại đồn cảnh sát địa phương - công trình nhìn ra thung lũng rộng lớn, cảnh sát cho rằng Agarwal đã không khôn ngoan khi tới thung lũng một mình.
"Gia đình anh ấy nói với chúng tôi rằng chưa bao giờ đi bộ đường dài trước đây. Khách du lịch phải tự có trách nhiệm và nên có hướng dẫn viên địa phương và người khuân vác đi kèm. Họ không nên mạo hiểm đi một mình", một cảnh sát cho biết.
Trong khi đó, gia đình Agarwal chỉ trích cảnh sát địa phương điều tra hời hợt.
"Ngay cả đoạn phim CCTV cho thấy Agarwal vào một cửa hàng, mua quần áo mùa đông là do chúng tôi lấy từ cửa hàng chứ không phải cảnh sát", Manica, chị gái của Agarwal chia sẻ.
Hiện tại, gia đình Agarwal vẫn đang nỗ lực tìm kiếm anh. Họ thuê một đội cứu hộ tư nhân, tổ chức các chiến dịch truyền thông xã hội.
Hơn 2 tháng sau khi Agarwal mất tích, gia đình anh nhận được cuộc gọi từ 2 người là dân đi bộ đường dài từng tới Parvati. Họ nói đã xem các áp phích về trường hợp Agarwal trên mạng xã hội và muốn giúp đỡ.
Cả hai kể khi đi tới Parvati khám phá, họ bắt gặp một nhóm phụ nữ trẻ tìm cách “dụ” những du khách nam đi bộ một mình trên núi. Một trong hai người nói họ đã dùng một thứ gì đó mà nhóm phụ nữ này đưa cho và không nhớ gì khi thức dậy vào 3 ngày sau đó.
"Họ nói với chúng tôi rằng nhóm các cô gái này luôn rình rập những du khách nam một mình", Manica nói.
Đối với Manica và những người khác trong gia đình, lời giải thích có vẻ hợp lý.
Ở thời điểm mất tích, Agarwal chỉ có một mình, mang theo tiền mặt và thẻ ngân hàng.
"Em trai tôi rất dễ tin người. Có thể họ đã làm điều gì đó tương tự với nó", Manica nói.
Bình luận