• Zalo

Những trò quái gở ở ngôi mộ Phước "tám ngón"

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 06/09/2013 06:52:00 +07:00Google News

(VTC News) - Bãi đất trống trước mộ Phước “tám ngón” chẳng khác nào bãi chiến trường với vô khối vỏ chai và những thây người say xỉn…

(VTC News) - Bãi đất trống trước mộ Phước “tám ngón” chẳng khác nào bãi chiến trường với vô khối vỏ chai và những thây người say xỉn…


Cứ mỗi lần trúng số là những người ôm ấp giấc mộng đổi đời ấy lại đem lễ đến trước mộ Phước “tám ngón” để tạ ơn. Hầu hết những kẻ đến đây “xin lộc” đều đánh lớn nên lễ tạ ơn ấy cũng rình rang, linh đình lắm.

Có người còn thuê cả xe tải chở bia, đồ nhậu lên nghĩa địa để tri ân với tử tù ấy cả đêm để sáng hôm sau. Bãi đất trống trước mộ Phước “tám ngón” (trường bắn Long Bình, Quận 9, TP.HCM) chẳng khác nào bãi chiến trường với vô khối vỏ chai và những thây người say xỉn…

Quái gở trò xin số

Tới trường bắn, đặt lễ, xì xụp khấn vái xong, có nhiều cách để những “con ma lô, ma đề” ấy biết được con số mà Phước “tám ngón” ban cho mình. Tuy nhiên, có hai cách mà ông Ba Son thấy dân nghiền cờ bạc hay làm đó là xin số bằng đèn dầu và xin số bằng trứng gà.

Xin số bằng đèn thì sau khi nhang khói xong, người xin số lấy miếng giấy trắng nhúng vào rượu rồi hơ trên bóng đèn. Hơi nóng của đèn cùng muội khói sẽ “vẽ” lên trang giấy những hình thù khác kỳ quái và dựa vào những hình đó, người xin số sẽ luận ra được con số mà Phước “ban tặng” bằng một “binh pháp” riêng biệt mà chỉ những người… đam mê đề đóm mới hiểu.

Xin số bằng trứng gà cũng tương tự thế. Người xin chuẩn bị sẵn trứng cùng miếng nhựa, trên đó có đánh dấu những ký hiệu ám chỉ những con số mà chỉ người muốn xin biết được. Khấn lễ xong, dựng trứng lên, trứng đổ, lăn về phía nào thì cứ nhằm số đó mà đánh.

Ngoài hai cách xin số truyền thống trên, theo ông Ba Son, trước nấm mồ Phước “tám ngón”, dân nghiền cờ bạc, lô đề còn rất nhiều cách “xin số” lạ lùng quái đản khác nữa. Chẳng hạn như cách xin mang đầy tính phù thủy của mấy “cao thủ lô đề” người Trung Quốc ở Chợ Lớn. Họ thường về xin số vào giữa buổi trưa khi trời chang chang nắng.

tử tù
Mộ Phước 'tám ngón'
Ông Ba Son bảo, đến giờ, mỗi lần chứng kiến những người gốc Hoa ấy làm phép, dụi mắt mấy lần mà ông vẫn chẳng tin vào mắt mình. Người ta lấy một ống tre vát nhọn đầu cắm xuống mồ của Phước sau khi đã thắp hương, quỳ lạy xong.

Dựng ống tre theo phương thẳng đứng, họ mới cắt cổ con gà ác để tiết chảy theo ống tre xuống mồ. Lạ lùng, cứ khi tiết gà chảy xuống thì từ ống tre lại bốc lên những vệt khói trắng xóa. Giữa trưa nắng mà những vệt khói đó lởn vởn rất rõ ràng. Nhìn vệt khói đó, mấy người làm “thư ký” vội vàng vừa ghi chép vào sổ vừa bấm ngón tay vừa lẩm nhẩm tính ra “con số lý tưởng” của mình.

Ban đêm, trước 24 giờ, là thời điểm những người xin số vào “hầu”, thời gian còn lại đổ về sáng là dành cho những người đến lễ tạ, cảm ơn.

Ông Ba Son bảo, ông và những người sống quanh trường bắn thích những người “đến sau” này hơn, bởi đến tạ ơn là họ đã trúng số, bởi thế nên họ hào phóng, xin gì, mua gì cũng vung tay không phải nghĩ.

Phước “tám ngón” là dân giang hồ nên người ta thường “tạ ơn” hắn bằng bia rượu. Khi cầu cúng, ai cũng tiện mồm bảo: “Nếu trúng, tôi bao anh một chầu nhậu tới bến thì thôi!”. Vậy nên, có nhiều người đánh cả ô tô tải chở bia đến.

Lên đây, thắp hương cho Phước xong, họ vung bia cho tất thảy những ai có mặt. Mồi nhậu là heo quay, là gà luộc. Nhậu say thì mỗi người một góc, cứ ôm bia mộ tử tù mà ngủ.

Ông Ba Son kể, nhiều hôm, đi thu dọn bãi chiến trường ấy, riêng vỏ lon bia, ông cũng kiếm đủ. Có hôm, từ nghĩa địa tử tù, ông mang về nguyên một con heo sữa. Dân “tạ ơn” nhậu không hết, không biết mang đi đâu nên đành cho ông. Một thân một mình ông cũng không ăn hết nên xẻ ra chia xóm làng mỗi người một tảng.
tử tù
Nghĩa địa tử tù Long Bình 

Trò ma mãnh

Ông Ba Son là người đứng ra xây cất lại phần mộ cho Phước “tám ngón”. Chi phí cho việc “cải mả” ấy cũng do một người may mắn trúng số tài trợ.

Trò chuyện với chúng tôi, ông bảo, đi với bụt thì mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy, nên theo hợp đồng, tính toán ông lấy tiền công chỉ gần 2 triệu đồng, nhưng sau này, biết người đó trúng lớn, ông và các “cộng sự” của mình đã “chăn” được gần trăm triệu bạc. Người thuê ông là 2 anh em “pê đê” ở quận 4.

Đêm đó, khi công trình hoàn tất, hai anh em đã thuê ông đánh hẳn chiếc xe 12 chỗ chở đầy bia và đồ lễ lên. Trong cuộc trò chuyện, ông biết, sau khi xin số từ mộ Phước “tám ngón”, người anh đã trúng 7 tỉ đồng còn người em ăn cả đề, cả lô cũng thu về hơn một tỉ.

Thấy họ thắng lớn mà trả công cho mình có ngần ấy, nổi máu tham, ông đã bàn với các chiến hữu của mình tính cách kiếm thêm. Bởi thế, khi cuộc nhậu đang tới hồi tướt mướt thì bỗng đâu ánh đèn sáng lóa dọi đến từ bốn phía.

tử tù
Ông Ba Son 
Đang nhậu, mấy kẻ bán mình cho những con số may rủi đó bỗng giật mình bởi tiếng quát: “Đứng im, công an đây, đề nghị các anh về đồn!”.

Nghe tiếng quát rắn rỏi đó, mấy kẻ đang thả mình trong men say chiến thắng ấy tỉnh hẳn, líu ríu vỗ vai ông Ba nhờ cách giải thoát. Thấy cá đã cắn câu, ông Ba Son bồi thêm: “Tiền các anh có được là tiền đánh bạc, lên đồn là bị thu trắng đấy! Được rồi, anh này là chỗ quen biết, để tôi ra quan hệ xem sao!”.

Nói rồi, ông hớt hải đi, lát sau quay về ghé tai người anh bảo phải chi tiền mới có cơ thoát nạn. Vậy là còn bao nhiêu tiền đem theo, mấy kẻ khờ dại ấy dốc sạch, đưa cho ông để đi… lo lót.

Ông Ba Son bảo, khi ấy, thấy bọn chúng móc sạch mới được gần trăm triệu đồng, nghĩ già néo đứt dây nên ông đành… cầm tạm. Về nhà, chia cho những người “đóng kịch” giúp mình 30 triệu, số còn lại ông tự thưởng cho mình.

Tuy nhiên, mấy năm nay những dòng người tìm đến mồ Phước “tám ngón” bỗng nhiên giảm hẳn. Người ta không còn lũ lượt rồng rắn kéo nhau đến nữa mà chỉ lác đác có mấy người ở những khu dân cư gần đó.

Ông Ba Son bảo, bởi chính quyền đã cấm đoán quyết liệt hơn nhưng nguyên do chính là dân nghiền số đề không còn thấy, không còn tin vào sự linh ứng Phước “tám ngón” nữa.

Nhiều người máu me đen đỏ đội lễ đến đây nhưng vẫn tán gia bại sản, nhiều kẻ cũng chính bởi giấc mơ làm giàu theo cách “ăn của thiên hạ” đó mạt kiếp, mạt vận phải theo “con đường mà Phước “tám ngón” đã đi ấy là đi cướp.

Còn tiếp…

Tư Lợi
Bình luận