Các tính năng an toàn trên ô tô ngày càng phát triển để giảm thiểu tổn thương cho người lái và hành khách trong trường hợp tai nạn. Dưới đây là một số tính năng ô tô tự kích hoạt khi tai nạn:
Bung túi khí
Khi xảy ra va chạm, tùy vào mức độ nặng nhẹ các cảm biến va chạm xung quanh xe sẽ gửi tín hiệu đến bộ xử lý, kích hoạt hệ thống bơm căng túi khí bằng khí nitơ không độc, với tốc độ nhanh hơn một cái chớp mắt.
Sau khi chịu lực va chạm, túi khí tự xẹp ngay lập tức. Túi khí sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi người ngồi thắt dây an toàn.
Vì vậy, một số hãng xe thiết lập chỉ thắt dây an toàn túi khí mới bung, trong khi hầu hết các hãng khác mặc định hai tính năng này hoạt động độc lập.
Kích hoạt đèn cảnh báo
Đèn cảnh báo nguy hiểm (hazard) sẽ tự động kích hoạt trong trường hợp xe phanh gấp hoặc xảy ra va chạm, cảnh báo các phương tiện đang lưu thông trên đường về mối nguy hiểm ở phía trước.
Cần gạt mưa bật
Tình trạng cần gạt mưa hoạt động khi xe xảy ra va chạm là điều hay xảy ra. Lý do là vì vị trí cần gạt mưa thường được bố trí sau vô-lăng, là vị trí dễ bị tác động của ngoại lực, hoặc lực quán tính từ tay tài xế khiến vô tình đẩy vào cần khi có va chạm xảy ra. Một số trường hợp va chạm có nước, dầu, chất lỏng bắn lên bề mặt kính xe cũng có thể kích hoạt hệ thống gạt mưa tự động.
Dây an toàn siết chặt
Đa số dây an toàn trên các xe hiện nay tự động siết chặt, giữ chắc cơ thể con người nhằm ngăn tình trạng bị văng về phía trước. Một số xe cũ hơn, dây an toàn tự động khóa cứng, nhưng không siết chặt.
Dây an toàn giúp tăng độ hiệu quả bảo vệ của túi khí, đồng thời giữ chắc cơ thể không bị quăng quật hoặc văng ra khỏi xe nếu xảy ra lật.
Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ NHTSA ước tính sự kết hợp giữa túi khí với dây đai an toàn giúp giảm 61% nguy cơ tử vong trong các vụ va chạm trực diện, so với mức giảm 50% khi chỉ sử dụng dây an toàn và giảm 34% khi chỉ có túi khi bung.
Cột lái sụp
Khi va chạm, cơ thể theo quán tính văng về phía trước. Vị trí ngay ngực tài xế là vô-lăng, nếu để phần ngực tác động mạnh vào vô-lăng sẽ gây ra nhiều chấn thương nguy hiểm, do đó cột lái tự sụp ra đời nhằm giảm thiểu thương vong do va đập vào phần vô-lăng.
Thay vì dùng dạng trục đặc, cột lái tự sụp dùng ống lồng ở một số đoạn. Khi xảy ra va chạm ở phía trước, hệ thống lái, bánh bị ép, đoạn ống lồng này bị nén lại, hấp thụ lực, giúp vô-lăng không bị đẩy vào ngực tài xế.
Gập ghế đúng vị trí
Một số mẫu xe cao cấp, ví dụ như Mercedes, được trang bị hệ thống tự động dựng thẳng lưng ghế đến vị trí tối ưu, nếu ghế đang trong tình trạng ngả ra khi xảy ra va chạm. Điều này giúp cơ thể không bị trượt khỏi dây an toàn, văng về phía trước.
Cửa mở khóa
Hầu hết các xe hiện nay phải được trang bị tính năng mở cửa tự động trong trường hợp xảy ra tai nạn hay túi khi được kích hoạt. Điều này giúp những người bị nạn trong xe có thể được cứu hộ dễ dàng trong trường hợp bị bất tỉnh.
Mặt khác, trên các xe có nút bấm mở cửa điện tử luôn được trang bị lẫy mở cửa cơ học truyền thống ở bên trong, nhằm giúp hành khách có thể thoát khỏi xe trong trường hợp hệ thống điện không còn hoạt động.
Động cơ trượt dưới khoang hành khách
Động cơ xe thường có trọng lượng trung bình từ 140-320 kg, đặt trực diện phía trước tài xế và hành khách.
Để ngăn ngừa trường hợp động cơ biến thành "quả đạn" nặng hàng trăm kg lao thẳng vào khoang lái khi va chạm mạnh, phần khung sườn được thiết kế, tính toán kỹ để khi đầu xe bị ép, đoạn khung gắn động cơ sẽ bị bẹp chéo xuống, khiến khối động cơ trượt phía dưới khoang hành khách, thay vì bị ép ngang. Hầu hết các khung xe mới hiện nay đều được thiết kế với tính năng an toàn này.
Bình luận