Trưa 21/11, Trung tâm sản xuất phim truyền hình VFC xác nhận ngừng sản xuất Táo quânsau 16 năm. Là chương trình được chờ đợi nhất mỗi khi Tết đến Xuân về, việc phải nói lời tạm biệt với Táo quân khiến nhiều người tiếc nuối.
Ban đầu, Táo quân chỉ là một tiểu phẩm của chương trình Gặp nhau cuối năm được sản xuất vào năm 2003. Suốt 16 năm lên sóng, Táo quân châm biếm những vấn đề nổi cộm của xã hội trong một năm bằng những tiết mục ấn tượng.
Trong Táo quân 2009, NSND Tự Long với vai Táo Thoát nước mang đến tiết mục nhạc chế Lụt từ ngã tư đường phố để nói về trận ngập lụt kéo dài nhiều ngày tại thủ độ Hà Nội vào năm 2008.
Tạo hình của Tự Long trong vai Táo Thoát nước khiến nhiều người thích thú. Tiết mục này còn có sự minh họa của bộ đôi Nam Tào (Xuân Bắc) và Bắc Đẩu (Công Lý).
Video: Lụt từ ngã tư đường phố - Táo quân 2009
Ngoài Lụt từ ngã tư đường phố, khán giả còn có dịp thưởng thức ca khúc Money Money Money với lời bài hát chế lại để châm biếm, đả kích nạn ăn hối lộ của cảnh sát giao thông. Đánh trúng suy nghĩ của người dân, ca khúc này từng gây sốt một thời gian dài.
Năm 2010, những vấn nạn trong ngành giáo dục liên tục xuất hiện trên truyền thông với những căn bệnh thành tích, bạo lực học đường... gây phẫn nộ cho người dân. Ngay lập tức, Táo quân 2011 cũng đưa vấn đề này vào chương trình và NSND Tự Long - Táo Văn hóa xã hội bị Nam Tào - Bắc Đẩu chế lời ca khúc Đi học để mỉa mai anh.
Video: Đi học - Táo quân 2011
Trong chương trình Táo quân, hình ảnh "Táo" Tự Long gần như gắn liền với những ca khúc nhạc chế bởi anh là người mượn bài hát đả kích vấn đề xã hội nhiều nhất.
Trong Táo quân 2012, nam nghệ sĩ vừa hát vừa nhảy trên nền ca khúc Đường cong của Thu Minh, được chế lại lời để chỉ trích những người đẹp khoe thân, chụp ảnh nude để nổi tiếng trong showbiz.
Sang đến Táo quân 2013, Quang Thắng lại "cướp ngôi" của Tự Long khi gây sốt với Hoang mang style - chế lại từ hiện tượng Gangnam style. Cùng dàn vũ công trên sân khấu, Quang Thắng gây ấn tượng mạnh mẽ với câu hát "Một năm kinh tế buồn - Doanh nhân buồn" để nói về toàn cảnh kinh tế Việt Nam năm đó, từ việc vay nợ cho đến vấn đề kinh doanh cổ phiếu, bất động sản "đóng băng".
Video: Hoang mang style - Táo quân 2013
Năm 2014, Táo quân mang đến làn gió mới khi để người dân lên tiếng nói. Cụ thể, Ngọc Hoàng thật bị bệnh và Nam Tào - Bắc Đẩu vì không muốn dời buổi chầu nên xuống trần gian tìm một người giống hệt Ngọc Hoàng để dự chầu thay, kết quả dẫn đến những câu chuyện dở khóc dở cười.
Chương trình năm đó nhận được nhiều lời khen vì truyền tải mọi vấn đề thông qua cái nhìn của người dân chứ không phải từ những gì Ngọc Hoàng nghe các Táo bẩm tấu.
Đây cũng là năm y đức của ngành y bị mang ra "mổ xẻ" rất nhiều khiến "Táo y tế" Vân Dung một phen khốn đốn vì bị Ngọc Hoàng giả treo lên cao. Ngoài ra, trai đẹp bị trục xuất gây sốt mạng xã hội hay những vấn đề trong ngành Điện lực cũng được đưa vào.
Video: Một trích đoạn trong "Táo quân 2014"
Năm 2016, Táo quân mang đến nhiều màu sắc mới mẻ hơn và đặc biệt cũng là năm có rất nhiều ấn tượng. Từ việc công nhận giới tính thật của "cô Đẩu" để nhắc lại việc cộng đồng LGBT "bước ra ánh sáng", Táo quân 2016 còn có những phát ngôn như "Nước trong quá thì không có cá - Người tốt quá thì không ai chơi", "Giàu thì nó ghét - Đói rét thì nó khinh còn thông minh nó tìm cách tiêu diệt"...
Táo quân 2017 tiếp tục đánh dấu danh xưng "thánh nhạc chế" của "Táo" Tự Long. Nam nghệ sĩ trong vai Táo Môi trường đã hát ca khúc nhạc chế để đả kích vấn đề ô nhiễm môi trường biển khi doanh nghiệp xả thải gây phẫn nộ trong dư luận.
Video: Táo Môi trường Tự Long vào chầu
Bình luận