• Zalo

Những thực phẩm dễ gây dị ứng cần cẩn thận, nhất là trong dịp Tết

An toàn thực phẩmThứ Sáu, 24/01/2020 17:56:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Với một số người, dị ứng thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, thậm chí bị sốc phản vệ, nguy hiểm tới tính mạng.

Dị ứng thực phẩm là phản ứng của hệ thống miễn dịch xảy ra sau khi ăn loại thực phẩm nhất định. Chỉ lượng nhỏ thực phẩm gây dị ứng cũng có thể kích hoạt các dấu hiệu và triệu chứng như vấn đề về tiêu hóa, nổi mề đay, sưng đường thở.

Ở một số người, dị ứng thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, thậm chí bị sốc phản vệ, nguy hiểm tới tính mạng.

Khoảng 6-8% trẻ em dưới 3 tuổi và 3% người trưởng thành bị dị ứng thực phẩm. Dị ứng thực phẩm không có thuốc chữa trị nên mọi người thường phải sống chung với nó suốt đời.

Những thực phẩm dễ gây dị ứng cần cẩn thận, nhất là trong dịp Tết  - 1

Dị ứng thực phẩm có thể gây thiệt mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Các triệu chứng của dị ứng thực phẩm

Các triệu chứng dị ứng thực phẩm thường xảy ra trong vòng 2 phút đến 2 giờ sau khi ăn. Các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng thực phẩm phổ biến nhất bao gồm:

-          Ngứa khắp người hoặc ngứa trong miệng

-          Phát ban, ngứa hoặc chàm

-          Sưng môi, mặt, lưỡi và cổ họng hoặc các bộ phận khác của cơ thể

-          Khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở

-          Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn

-          Chóng mặt hoặc ngất xỉu

Sốc phản vệ

Ở một số người, dị ứng thực phẩm có thể kích hoạt phản ứng nghiêm trọng, gọi là sốc phản vệ. Sốc phản vệ có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng đe dọa tính mạng, gồm:

-          Hạn chế và thắt chặt đường thở

-          Cổ họng bị sưng hoặc cảm giác bị nghẹn ở cổ họng khiến bạn khó thở

-          Sốc vì huyết áp giảm nghiêm trọng

-          Mạch nhanh

-          Chóng mặt hoặc mất ý thức

Khi có những triệu chứng này, ngay lập tức cần đưa người bị dị ứng đi cấp cứu nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng.

Những thực phẩm dễ gây dị ứng cần cẩn thận, nhất là trong dịp Tết  - 2

Nếu biết rõ mình bị dị ứng món thực phẩm nào, hãy nhớ để tránh.

Lúc nào cần đi cấp cứu khi bị dị ứng thực phẩm?

Hãy đi khám bác sĩ khi bạn có triệu chứng dị ứng thực phẩm ngay sau khi ăn. Ngoài ra, khi gặp những triệu chứng sau, bạn phải đi cấp cứu ngay:

-          Hạn chế đường thở, khó thở.

-          Sốc vì giảm huyết áp nghiêm trọng.

-          Mạch nhanh.

-          Chóng mặt.

Thực phẩm nào khiến con người dễ bị dị ứng?

- Ở người lớn, các loại thực phẩm dễ gây dị ứng là động vật có vỏ như tôm, tôm hùm, cua, đậu phộng, các loại hạt như quả óc chó, quả hồ đào, cá.

- Ở trẻ em, các loại thực phẩm dễ gây dị ứng là: Đậu phộng, các loại hạt như quả óc chó, quả hồ đào, trứng, sữa bò, đậu nành, lúa mì.

Hội chứng dị ứng thực phẩm phấn hoa

Hội chứng này còn được gọi là hội chứng dị ứng miệng. Hội chứng dị ứng thực phẩm phấn hoa ảnh hưởng đến nhiều người bị sốt mùa hè. Trong tình trạng này, một số loại trái cây và rau quả tươi hoặc các loại hạt và gia vị có thể gây ra phản ứng dị ứng khiến miệng bị ngứa. Trong trường hợp nghiêm trọng, phản ứng này dẫn đến sưng cổ họng hoặc thậm chí sốc phản vệ.

Protein trong một số loại trái cây, rau, quả hạch và gia vị gây ra phản ứng vì chúng tương tự như protein gây dị ứng được tìm thấy trong một số loại phấn hoa. Đây là một ví dụ về phản ứng chéo.

Những thực phẩm dễ gây dị ứng cần cẩn thận, nhất là trong dịp Tết  - 3

Cà rốt cũng có thể gây dị ứng thực phẩm.

Khi bạn nấu các thực phẩm gây ra hội chứng dị ứng thực phẩm phấn hoa, các triệu chứng của bạn có thể ít nghiêm trọng hơn.

Một số loại hoa quả, rau, hạt và gia vị có thể gây ra hội chứng dị ứng thực phẩm phấn hoa:

Hạnh nhân, táo, mơ, cà rốt, rau cần tây, quả cherry, hạt dẻ, đào, đậu phộng, lê, mận, khoai tây sống, đậu tương, một số loại thảo mộc, và gia vị (hồi, rau mùi, thì là, rau mùi tây), chuối, dưa chuột, dưa hấu, bí, kiwi, cam, cà chua, ớt chuông, bông cải xanh, cải bắp, cần tây, súp lơ, tỏi, củ hành.

Những thực phẩm dễ gây dị ứng cần cẩn thận, nhất là trong dịp Tết  - 4

Cha mẹ nên thật cẩn trọng nếu con bị dị ứng thực phẩm.

Phòng ngừa

Nếu bạn biết bạn bị dị ứng thực phẩm, hãy làm theo các bước sau:

- Biết rõ bạn đang ăn và uống gì. Đọc kỹ nhãn thực phẩm để biết các thành phần trong món đó là gì trước khi ăn.

- Khi bị dị ứng thực phẩm nghiêm trọng hãy đeo vòng cảnh báo y tế để mọi người biết bạn trong trường hợp bạn bị phản ứng dị ứng và không nói được.

- Đi khám bác sĩ và yêu cầu bác sĩ kê toa trước cho mình thuốc epinephrine để phòng trường hợp khẩn cấp.

- Khi ăn uống ở nhà hàng hãy cẩn thận, phải hỏi cho rõ trong mỗi món ăn có những thành phần gì, nếu bạn bị dị ứng thực phẩm nặng.

Nếu con bạn bị dị ứng thực phẩm, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa này để đảm bảo an toàn cho trẻ:

- Thông báo với những người gần gũi con mình về hiện trạng của con. Nói rõ với các giáo viên, người chăm sóc trẻ ở trường và những người lớn khác thường tương tác với con bạn rằng bé bị dị ứng thực phẩm.

- Giải thích các triệu chứng dị ứng thực phẩm với con và những người lớn chăm con.

- Cho trẻ đeo vòng cảnh báo y tế về dị ứng thực phẩm.

Gia An (Theo mayoclinic)
Bình luận
vtcnews.vn