• Zalo

Những thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng hàng đầu cho trẻ

Đời sốngThứ Năm, 02/04/2015 04:15:00 +07:00Google News

Dị ứng sữa là do cơ thể không sản xuất lactase, một enzyme cần thiết để tiêu hóa đường chủ yếu trong sữa.

(VTC News) - Dị ứng sữa là do cơ thể không sản xuất lactase, một enzyme cần thiết để tiêu hóa đường chủ yếu trong sữa.

Sữa và trứng đều là những thực phẩm dễ gây dị ứng cho trẻ. 
Sữa

Dị ứng sữa là do cơ thể không sản xuất lactase, một enzyme cần thiết để tiêu hóa đường chủ yếu trong sữa. Vậy nên, tránh sữa, sữa chua, bơ, pho mát và kem nếu cơ thể bạn không dung nạp lactose. Đây là một trong những dạng dị ứng phổ biến ở trẻ đặc biệt là trẻ đang trưởng thành, chiếm khoảng 2,5%.

Theo các chuyên gia, trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ ít có khả năng bị dị ứng hơn so với các bé uống sữa bột công thức. Các bác sĩ chuyên gia còn khuyến cáo các mẹ không nên cho trẻ dưới 1 tuổi dùng sữa bò vì trong sữa bò có hàm lượng protein cao có thể khiến trẻ bị dị ứng. Hầu hết những đứa trẻ bị dị ứng với sữa bò cũng sẽ phản ứng tương tự với sữa dê và sữa cừu.

Trứng

Dị ứng trứng phổ biến xảy ra ở trẻ em và hầu hết các bé sẽ thoát khỏi dị ứng khi lên 3 tuổi. Phần lớn các protein gây dị ứng trứng nằm trong lòng trắng trứng trong đó có ba loại chính là ovomucoid, ovalbumin và conalbumin.

Dị ứng trứng thường biểu hiện ra ngoài da (viêm da, nổi mề đay) và tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn). Phản ứng ngoài da đầu tiên có thể xuất hiện chỉ vài phút sau khi dùng trứng, trong khi các biểu hiện tiêu hóa thường rất khác biệt về thời điểm xuất hiện, độ nặng và mức độ kéo dài. Thậm chí có trường hợp sau khi ăn trứng bị sốc phản vệ và phản ứng hô hấp.

Đậu nành

Theo nghiên cứu, trung bình có khoảng 0,4% trẻ em mắc phải chứng dị ứng với đậu nành. Nhưng rất may mắn là hiện tượng dị ứng với đậu nành là nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến trẻ.

Dị ứng đậu nành thường xảy ra khi chúng ta còn nhỏ và mất dần ở tuổi trưởng thành. Triệu chứng của dị ứng đậu nành cũng tương tự như dị ứng sữa bao gồm phát ban, tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng và khó thở. Tuy nhiên hiếm có trường hợp dị ứng đậu nành gây sốc phản vệ.

Nhiều trường hợp dị ứng đậu nành cũng dễ có phản ứng với các loại thực phẩm như đậu xanh, lúa mạch đen và bột lúa mạch.

Chanh

Ít ai ngờ rằng chanh cũng là một thực phẩm có thể gây dị ứng cho trẻ nhỏ. Nếu trong cơ thể bé có chứa hàm lượng axit cao, ăn thêm chanh vào sẽ làm cho hàm lượng axit đó tăng lên và sau đó chảy qua mạch máu dẫn đến dị ứng mà biểu hiện chủ yếu là phát ban khắp người.

Lạc

Trẻ em thường dị ứng với đậu phộng hơn người lớn. Phản ứng da và các vấn đề về tiêu hóa và hô hấp là các triệu chứng phổ biến. Nếu bạn bị dị ứng với đậu phộng, thêm một biện pháp phòng ngừa là phải tránh sô-cô-la với đậu phộng.

Một số loại cá

Dị ứng cá có thể gây ra các phản ứng nghiêm trọng, bao gồm cả sốc phản vệ. Dị ứng cá thường gây biểu hiện ngoài da và tiêu hóa, xuất hiện ngay sau khi ăn. Những người phản ứng với một loại cá thường cũng dị ứng với các loài cá khác.

Cá hồi, cá ngừ và cá bơn là một trong những loại cá dễ gây dị ứng cho trẻ nhỏ. Trong gia đình có ai bị dị ứng với tôm, cua, cá không, nếu có hãy đợi đến khi bé được 2 tuổi mới cho bé ăn cá. Điều này sẽ giúp bé giảm nguy cơ bị dị ứng với đồ biển.

Dấu hiệu của người bị dị ứng thực phẩm

Dấu hiệu dị ứng thức ăn thường rất đa dạng, có thể là biểu hiện biểu hiện ngoài da nhẹ như mẩn ngứa và sưng vùng quanh môi, miệng, trong người bứt rứt khó chịu, nổi mề đay, viêm da atopy.

Hoặc biểu hiện ở bộ máy hô hấp như viêm mũi, hen phế quản; dị ứng tiêu hóa với các triệu chứng: nôn, tiêu chảy, táo bón, trào ngược dạ dày thực quản.

Nhưng cũng có thể biểu hiện nặng là phản ứng sốc phản vệ với các triệu chứng rầm rộ: nghẹt thở, cảm giác sắp chết, tay chân lạnh, da nhợt nhạt, toát mồ hôi, huyết áp tụt, mất tri giác... 

Ngoài ra dị ứng thức ăn còn có biểu hiện bởi các triệu chứng khác như: đau đầu, đau cơ, hội chứng thận hư, viêm đại tràng, hội chứng đại tràng kích thích...

Khi  bị dị ứng nên làm gì?

Nếu đã có dấu hiệu bị dị ứng thức ăn cần sơ cứu: chườm, đắp nước ấm, uống nhiều nước, uống thuốc kháng histamin. Khi phản ứng dị ứng thực phẩm có chiều hướng nặng lên, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.


An Nhiên (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn