Theo quy luật, vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại diễn ra rất phức tạp. Người dân cần nâng cao ý thức trong mua bán, tiêu dùng hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật, tránh việc vô tình tiếp tay cho tội phạm…
Theo báo cáo của các cơ quan liên quan như Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) hay Tổng Cục quản lý Thị trường Bộ Công Thương, thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại tập trung chủ yếu các mặt hàng tiêu dùng phục vụ Tết và các mặt hàng cấm như pháo nổ, thuốc lá, động vật hoang dã, lương thực, thực phẩm, rượu bia, bánh kẹo, đường, sữa, mỹ phẩm, thuốc lá, hàng điện máy, điện tử, đồ gia dụng, thời trang, đồ chơi trẻ em...
Đặc biệt, những mặt hàng này được bày bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội mà thiếu đi sự kiểm soát đồng bộ. Các đối tượng buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ tập trung vào các mặt hàng trên để tổ chức buôn bán phi pháp, thu lợi bất chính.
Để lừa dối người tiêu dùng và lẩn tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, các đối tượng sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và xâm phạm sở hữu trí tuệ thường triệt để lợi dụng nền tảng công nghệ số để bán hàng trên các trang thương mại điện tử, các mạng xã hội để tiếp cận nhanh nhất đến người tiêu dùng, đồng thời dễ dàng xóa dấu vết phạm tội, trốn tránh sự truy xét của các cơ quan chức năng.
Các dấu hiệu nhận biết
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) chú ý những dấu hiệu để nhận biết sau:
Về thông tin liên hệ: Các mặt hàng làm giả, làm nhái, kém chất lượng mặc dù cũng có đầy đủ các thông tin trên nhưng qua thực tế xác minh thường thấy các doanh nghiệp sản xuất hàng giả hay thương nhân nhập khẩu phân phối không có địa chỉ chính xác, các trang web không hoạt động hoặc không có tương tác với khách hàng và các đại lý phân phối. Số điện thoại của đường dây nóng thường không có thực hoặc luôn trong tình trạng thuê bao không liên hệ được.
Về nguồn gốc hàng hóa: Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hay xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng cấm mặc dù cũng cố tình tạo ra mã số, mã vạch để xác định nguồn gốc hàng hóa nhưng thường khi truy cập không thể hiện được xuất xứ hàng hóa hoặc lại là nguồn gốc hàng hóa khác do bị copy từ những mã số, mã vạch của những nhóm hàng khác tương tự.
Hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng cấm cũng rất khó tạo ra mã số xác thực điện tử do phần mềm xác thực này được quản lý rất chặt chẽ khi tiếp nhận thông tin của các sản phẩm đăng ký bảo vệ.
Người tiêu dùng cần áp dụng các biện pháp phòng tránh, kiểm tra như sau:
- Cần kiểm tra nhanh thông tin liên hệ của nhà sản xuất trên vỏ hộp hàng hóa, nhất là các thông tin qua web, số điện thoại đường dây nóng, thông tin hoạt động của doanh nghiệp trên trang tra cứu công khai của cơ quan thuế, quản lý thị trường hay Cục sở hữu trí tuệ.
- Chủ động áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trong đó công nghệ QR Code (Mã phản hồi nhanh) được coi là giải pháp hiệu quả giúp nhà sản xuất bảo vệ thương hiệu, quản lý lưu thông hàng hóa; Giúp người tiêu dùng nắm rõ hơn thông tin về sản phàm hàng hóa trên thị trường.
Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao ý thức chấp hành việc mua bán, tiêu dùng hàng hóa theo đúng các quy định của pháp luật, tránh việc vô tình hay cố ý tiếp tay cho tội phạm buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Trong khi mua, bán hàng hóa nếu phát hiện thấy có những dấu hiệu bất thường hay nghi ngờ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hay xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng cần chủ động thông tin, tố giác các hành vi có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan chức năng để kịp thời xác minh, xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả xâm phạm các quy định của Nhà nước trong quản lý thị trường, xâm phạm lợi ích người tiêu dùng, quyền được bảo hộ của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất kinh doanh đứng đắn.
Theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 15 năm tù nếu hàng giả có giá thành sản xuất 100 triệu đồng trở lên; hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200 triệu đồng trở lên; hàng giả tương đương với số lượng hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500 triệu đồng trở lên; thu lời bất bất chính 500 triệu đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bình luận