• Zalo

Những thành tựu của ông Lý Khắc Cường với kinh tế Trung Quốc

Tư liệuThứ Sáu, 27/10/2023 11:18:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Lý Khắc Cường kiên trì đổi mới, cải cách và mở cửa có những bước tiến lớn, giúp kinh tế Trung Quốc đạt nhiều thành quả tốt đẹp.

Sáng 27/10, truyền thông Trung Quốc đưa tin cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã từ trần vào lúc 0h10 cùng ngày (giờ địa phương), tại thành phố Thượng Hải, hưởng thọ 68 tuổi.

Ông Lý Khắc Cường, người từng giữ chức Thủ tướng Trung Quốc hai nhiệm kỳ, qua đời ở tuổi 68 vào ngày 27/10, sau một cơn đau tim. (Ảnh: SCMP)

Ông Lý Khắc Cường, người từng giữ chức Thủ tướng Trung Quốc hai nhiệm kỳ, qua đời ở tuổi 68 vào ngày 27/10, sau một cơn đau tim. (Ảnh: SCMP)

Ông Lý Khắc Cường là một nhà kinh tế, từng tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh. Ông là Bí thư thứ nhất Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc từ năm 1993 - 1998.

Sau đó, ông Lý đảm nhiệm công tác ở địa phương khi làm Bí thư tỉnh ủy Hà Nam rồi Liêu Ninh. Năm 2008, ông trở thành Phó thủ tướng rồi giữ chức Thủ tướng Trung Quốc từ năm 2013 - 2023 (mức tối đa 2 nhiệm kỳ được hiến pháp Trung Quốc cho phép đối với chức thủ tướng).

Trong nhiệm kỳ 5 năm làm Phó thủ tướng, ông Lý Khắc Cường được đánh giá là người nhạy bén, quyết đoán sẵn sàng đối mặt với thách thức, có phong cách làm việc chuyên nghiệp. Ông đã đạt được những thành tích đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế, cải thiện dân sinh và tăng cường cải cách.

Ông Lý Khắc Cường là người đứng đầu ban soạn thảo kế hoạch cải cách hành chính, mà đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18.

Trên cương vị Phó thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường ủng hộ mạnh mẽ việc thay đổi ngành đường sắt cố hữu hoạt động với chức năng cơ quan hành chính và doanh nghiệp. Ông cũng yêu cầu sáp nhập các cơ quan chức năng quản lý an toàn thực phẩm và lĩnh vực hàng hải.

Bên cạnh đó, ông Lý cũng thúc đẩy tinh giản và phân cấp phê duyệt trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh, giảm bớt các thủ tục và lệ phí hành chính. Khi nhiều doanh nghiệp than phiền thủ tục đăng ký kinh doanh quá phức tạp, ông Lý Khắc Cường đã thay đổi hệ thống cấp giấy phép dễ dàng hơn. Doanh nhân được phép đăng ký lập công ty chỉ cần thỏa thuận vốn điều lệ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) bắt tay cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường trong phiên họp Quốc hội tại Đại lễ đường Nhân dân vào tháng 3/2023, đánh dấu việc kết thúc hai nhiệm kỳ 5 năm của ông Lý. (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) bắt tay cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường trong phiên họp Quốc hội tại Đại lễ đường Nhân dân vào tháng 3/2023, đánh dấu việc kết thúc hai nhiệm kỳ 5 năm của ông Lý. (Ảnh: Reuters)

Trong một thập niên trên cương vị Thủ tướng, đặc biệt là nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 2 (2017 - 2023), ông Lý Khắc Cường cùng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lèo lái nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vượt qua giai đoạn khó khăn với nợ chính phủ tăng, đại dịch COVID-19 và căng thẳng thương mại với Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Giai đoạn này, cơ cấu kinh tế Trung Quốc có nhiều thay đổi lớn, phát triển theo hướng đổi mới, cải cách và mở cửa có những bước tiến lớn, đạt thành quả tốt đẹp.

Năm 2019, khi Mỹ liên tục đè thêm gánh nặng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, nhà đầu tư nước ngoài dần tháo chạy khỏi nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới, Bắc Kinh quyết định mở cửa toàn diện cho doanh nghiệp ngoại đầu tư.

Ông Lý Khắc Cường khi đó với cương vị Thủ tướng cho biết, Trung Quốc quyết định gỡ bỏ giới hạn đối với quyền sở hữu cổ phiếu, bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng tương lai của doanh nghiệp ngoại. Điều này cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc nắm giữ đa số cổ phần trong doanh nghiệp và mở hoàn toàn quyền sở hữu vào năm 2021.

Ngoài lĩnh vực tài chính, nhà đầu tư ngoại cũng được cho phép tiếp cận ngành viễn thông, Internet và giao thông vận tải với ít rào cản hơn.

Theo quy định trước đó, các tổ chức và cá nhân tại Trung Quốc phải nắm giữ đa số cổ phần trong các hãng hàng không. Bộ máy lãnh đạo đại diện của những hãng này cũng phải là người có quốc tịch Trung Quốc.

Các nhà mạng điện thoại, doanh nghiệp viễn thông và Internet nội địa cũng bắt buộc phải có 50% số vốn đầu tư của Trung Quốc.

Ông Lý Khắc Cường khi đó nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nội và ngoại trong lĩnh vực thẻ tín dụng và xếp hạng tín dụng. Đây là lĩnh vực doanh nghiệp ngoại thời điểm đó vẫn chần chừ chưa nhảy vào dù Bắc Kinh đã tuyên bố mở cửa.

Dưới chính sách phát triển theo hướng đổi mới, cải cách và mở cửa có những bước tiến lớn, kinh tế Trung Quốc 5 năm qua đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, đời sống người dân tiếp tục được nâng cao, môi trường sinh thái dần được cải thiện.

Cụ thể, GDP tăng từ 54.000 tỷ nhân dân tệ trong năm 2017 lên 82.700 tỷ nhân dân tệ sau 5 năm, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 7,1%. Doanh thu tài chính tăng từ 11,7 nghìn tỷ nhân dân tệ lên 17,3 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Giá tiêu dùng tăng với tốc độ bình quân hàng năm là 1,9%, duy trì ở mức tương đối thấp. Hơn 66 triệu việc làm mới ở đô thị đã được tạo ra và đất nước với dân số hơn 1,3 tỷ người này đã đạt được tình trạng việc làm tương đối đầy đủ.

Trong báo cáo công tác chính phủ cuối cùng của mình với tư cách người đứng đầu tại lễ khai mạc kỳ họp quốc hội thường niên ở Bắc Kinh vào tháng 3/2023, ông Lý Khắc Cường khẳng định sự phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc đã "đạt được những thành tựu lịch sử và trải qua những thay đổi mang tính lịch sử".

Ông Lý nói: "Những thành tựu toàn diện, tiên phong cũng như những thay đổi căn bản và sâu sắc được thực hiện trong 5 năm qua một lần nữa đã thu hút sự chú ý của thế giới, khiến người dân cả nước rất vui mừng và tự hào".

Cựu Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh: "Dù cho gió mây thế giới có thay đổi như nào thì sông Hoàng Hà cũng không bao giờ chảy ngược và Trung Quốc sẽ không ngừng mở cửa".

Hoa Vũ(Nguồn: China News, SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn