Trong thời kỳ Xô Viết, có rất nhiều thành phố “cấm” được ít người biết đến, do các nguyên nhân của quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân và mức độ bảo mật của các xí nghiệp quốc phòng ở đây. Tất cả được ẩn giấu sau hàng rào thép gai và các trạm kiểm soát.
Một thực tế thú vị là hầu hết các thành phố “cấm” này thậm chí không được đánh dấu trên bản đồ, mặc dù chúng là nơi sinh sống của hàng nghìn người. Taxi và xe buýt không thấy xuất hiện, người dân không có kết nối với thế giới bên ngoài.
Norilsk - thành phố tận cùng thế giới
Norilsk là thành phố nằm phía trên Vòng Bắc Cực (phía Đông sông Yenisei và phía Nam bán đảo Taymyr), thuộc chủ thể Krasnoyarsk Krai. Đây được coi là thành phố lớn nhất và nổi tiếng nhất, được chính quyền Xô Viết “ẩn giấu” trong một thời gian dài.
Nhưng nguyên nhân có lẽ không phải do yếu tố bên trong, mà là do yếu tố bên ngoài. Bởi vì, Norilsk chưa có các tuyến đường nhựa và đường sắt dẫn vào thành phố. Và mọi người cũng chỉ có thể ra khỏi Norilsk bằng máy bay hoặc tàu thủy.
Norilsk được thành lập vào cuối những năm 1920, nhưng ngày thành lập chính thức là theo truyền thống vào năm 1935, khi Norilsk được mở rộng như một khu định cư cho khu phức hợp khai thác luyện kim Norilsk, và trở thành trung tâm của hệ thống trại cải tạo lao động dưới thời Xô Viết.
Norilsk hiện là khu liên hợp khai thác và luyện kim lớn nhất thế giới. Do đó thành phố này cũng là khu vực ô nhiễm nhất thế giới. Tuổi thọ trung bình của dân cư ở đây thấp hơn bất kỳ thành phố nào khác khoảng 10 năm.
Hiện nay, Norilsk có dân số thường trú 175.000. Nếu tính cả dân số tạm trú, dân số của thành phố đạt 220.000.
Ozersk - Thành phố 40
Ozersk thành phố “khép kín”, nằm trong vùng Chelyabinsk, thuộc vùng Ural của Nga-Xô. Đây được chọn là nơi xây dựng nhà máy chế tạo plutonium cấp độ vũ khí cho Liên Xô, theo một sắc lệnh của Nguyên soái Stalin.
Nhiều khu vực của địa phương này, nằm cách thủ đô Matxcơva khoảng 1.600 km, hiện không có cư dân sinh sống. Gần Ozersk có một trung tâm chuyên lưu trữ chất thải hạt nhân.
Thành phố này nhìn từ bên ngoài khá đẹp: có quảng trường rộng, kiến trúc đặc sắc và có vô số cây cối mọc trong thành phố. Tuy nhiên bức xạ hạt nhân và hệ thống dây điện ở khắp mọi nơi sẽ khiến nhiều người không thích với thế giới xung quanh ở Ozersk.
Ozersk là nơi sản xuất nguyên tố phóng xạ plutonium chính cho Nga-Xô kể từ năm 1947, khi nó được xây dựng với tên gọi "Thành phố 40" (hay Thành phố Chết). Trong suốt nhiều thập niên, thành phố 100.000 dân này không tồn tại trên bản đồ và danh tính người dân nơi đây cũng bị xóa khỏi những cuộc điều tra dân số.
Trong thời kỳ Xô Viết, thành phố này từng trải qua một vụ nổ hạt nhân, nguy hiểm gấp 4 lần vụ tai nạn Chernobyl. Nhưng sau đó dường như chính quyền che giấu vụ việc.
Theo đó, năm 1957 tại Ozersk xảy ra vụ nổ bồn chứa 80 tấn chất thải phóng xạ. Thảm họa buộc hàng ngàn cư dân phải sơ tán khỏi thành phố và nhiều người trong số họ đã thiệt mạng sau đó.
Ngày nay, mọi chuyện xảy ra bên trong và xung quanh TP Ozersk đều được xếp vào loại bí mật quân sự. Tuy vậy, thành phố “bí ẩn” này vẫn là nơi sinh sống của hơn 90.000 người.
Thành phố "khép kín" Zarechny
Zarcheny là một “thành phố khép kín” ở vùng Sverdlovsk, cách Matxcơva khoảng 660 km. Có hơn 62.000 cư dân ở đây hiện sống bên trong hàng rào thép gai cao ở khu vực này.
Zarechny trước đây có tên gọi là Penza-19, là nơi có nhà máy chế tạo một số bộ phận vũ khí hạt nhân. Tại Zarechny có nhiều khu vực cấm vào, trong đó có các vị trí xung quanh Rosatom, tập đoàn quốc doanh chuyên sản xuất các bộ phận vũ khí hạt nhân của Nga-Xô.
Zarechny được gọi là thành phố thuộc về thời kỳ Xô Viết. Hầu hết cư dân sống gần nhà máy điện hạt nhân, họ không nhận được nhiều chế độ, nhưng luôn có việc làm, giá cả dễ chịu và nhà nước cố gắng đưa ra nhiều chương trình xã hội khác nhau.
Thành phố “khép kín” này được đặt biệt danh là “hộp bưu điện”, vì thư cho người dân sẽ phải được gửi đến các hộp bưu điện đặc biệt ở các thị trấn lân cận, mà không được gửi trực tiếp.
Du khách đến các thành phố này phải được người dân ở đây mời, và ngay cả như vậy cũng không đảm bảo được rằng họ sẽ được phép vào. Cư dân của Zarechny hiện nay được tự do ra vào, nhưng thành phố vẫn bị bao kín bởi hàng rào thép gai. Tuy nhiên, hiện nhiều người trẻ tuổi muốn rời khỏi thành phố Zarechny.
Bình luận