Vào năm 2015, khi Lingshan tìm hiểu xem quyết định sẽ học ngành gì ở trường đại học, thị trường bất động sản Trung Quốc đang bùng nổ và kỹ thuật dân dụng dường như là một ngành có lợi.
Nhưng bảy năm trôi qua, Lingshan, tốt nghiệp thạc sĩ, hiện rơi vào tình thế khó xử. Cô đã thất nghiệp được một năm và đang sống trong căn hộ chỉ rộng 8m2 ở thành phố Nam Kinh phía đông.
"Tôi bị suy thoái kinh tế vỗ vào mặt"
“Tại sao tôi lại học ngành xây dựng dân dụng nhỉ? Ôi trời, điều đó thật ngu ngốc”, Lingshan nói.
Cô nhớ lại: “Tôi từng muốn làm việc cho các công ty phát triển bất động sản nhưng khi tôi tốt nghiệp, họ lần lượt phá sản. Tôi đã bị suy thoái kinh tế vỗ vào mặt".
Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc nổ ra khi nhà phát triển Evergrande, vốn có khoản nợ hơn 300 tỷ USD, vỡ nợ vào năm 2021. Kể từ đó, các công ty chiếm 40% doanh số bán nhà ở Trung Quốc đã vỡ nợ. Cuộc khủng hoảng hiện tiếp tục nhấn chìm một nhà phát triển lớn khác, Country Garden.
Theo báo chí Trung Quốc, 50 nhà phát triển bất động sản hàng đầu nước này cắt giảm 200.000 việc làm vào năm ngoái. Khi còn nhiều ngôi nhà chưa hoàn thiện và giá bất động sản tiếp tục giảm, ngành chưa thấy "ánh sáng cuối đường hầm".
Lingshan gần đây tiếp tục phải đối mặt với thực tế khi một nhà tư vấn việc làm nói với cô: “Nếu bạn vẫn muốn ở lại ngành kỹ thuật dân dụng, sơ yếu lý lịch của bạn đang không được có lợi lắm".
Nhà tư vấn Xu Hongfei nói với cô: “Đầu tiên, bạn là phụ nữ nên không thể làm việc ở các công trường xây dựng. Thông thường họ hay thuê đàn ông. Ngoài ra, hầu hết các công ty sẽ chỉ tuyển dụng từ lứa mới tốt nghiệp. Hiện tại, đó là lứa sẽ tốt nghiệp năm 2024, trong khi bạn đã tốt nghiệp vào năm 2022".
Trong khi chờ đợi công việc livestream thành công, cô săn lùng các đợt giảm giá và sử dụng phiếu giảm giá trên nền tảng mua sắm trực tuyến Taobao, làm những gì có thể để kiếm thêm tiền.
Cô nói: “Tôi cố gắng giảm mức chi tiêu bằng mọi cách có thể.
“Tôi không giao lưu hay đi ăn ngoài. Tôi không muốn có một căn hộ hay kết hôn. Tôi chỉ cần một ít thức ăn để tồn tại".
Dữ liệu thất nghiệp của Trung Quốc và các cuộc trò chuyện trên mạng xã hội cho thấy không chỉ mình Lingshan gặp tình trạng này.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị Trung Quốc với những người từ 16 đến 24 tuổi đã tăng lên mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6. Trong khi đó, 11,6 triệu sinh viên sẽ hoàn thành chương trình giáo dục đại học vào mùa hè này và bước chân vào thị trường việc làm có thể coi là khắc nghiệt nhất trong lịch sử những năm gần đây.
Theo phân tích của nhà cung cấp tin tức CNBC về các báo cáo của truyền thông Trung Quốc, kỷ lục 7,7 triệu người đã tham gia kỳ thi công chức trong vòng nộp đơn năm nay, cạnh tranh hơn 200.000 vị trí việc làm trong chính phủ ở cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Số liệu thống kê dù vậy cũng có thể chưa cho thấy toàn bộ bức tranh. Trước hết, có những người gốc nông thôn, khi không thể tìm được việc làm ở thành phố, sẽ trở về quê hương. Bert Hofman, giám đốc Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nhận định: "Như vậy, họ không được tính là thất nghiệp ở khu vực thành thị".
Tháng trước, chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ tạm thời ngừng công bố dữ liệu về tình trạng thất nghiệp của thanh niên với lý do cần "cải thiện và tối ưu hóa hơn nữa số liệu thống kê khảo sát lực lượng lao động".
Thị trường ngày càng cạnh tranh
Sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường việc làm khiến nhà tư vấn Xu nhận được những yêu cầu mới gần như hàng tuần. Anh đang giúp những sinh viên mới tốt nghiệp tìm việc và hiện có 200 khách hàng trả phí.
Khi Xu rời trường vào năm 2009, số sinh viên tốt nghiệp ở Trung Quốc mỗi năm chỉ bằng một nửa so với hiện nay.
“Thị trường ngày càng trở nên cạnh tranh hơn”, Xu bình luận.
Cũng chỉ có từng ấy công việc. Bạn đã học ở một trường tốt? Người khác học trường tốt hơn bạn. Bạn đã có kỳ thực tập tốt? Người khác đã thực tập tốt hơn bạn. Đó là sự cạnh tranh. "Ngày càng nhiều nhà tuyển dụng yêu cầu ít nhất phải có bằng thạc sĩ cho các công việc văn phòng, ngay cả khi vị trí đó khó có thể đáp ứng được điều này".
Xu nói: “Đối với người sử dụng lao động, việc tuyển dụng rất tốn kém. Nhà tuyển dụng có thể có quan điểm thế này: Tôi không có nhiều thời gian tuyển dụng, tôi bận. Vì vậy, tôi sẽ chỉ chọn trong số những người có bằng thạc sĩ”, Xu giải thích.
“Tất nhiên, tôi biết một số người có bằng cử nhân cũng rất xuất sắc, nhưng các nhà tuyển dụng không có thời gian để tìm hiểu khả năng của họ”.
Bên cạnh COVID-19, chính sách kinh tế cũng được cho là tác động phần nào khiến thị trường việc làm trở nên khó khăn hơn đối với giới trẻ, theo Zhang Yifan, giáo sư khoa sinh thái học tại Đại học Trung Quốc Hong Kông (CUHK).
Những chính sách này bao gồm quản lý chặt chẽ việc tích lũy nợ của các nhà phát triển bất động sản, dẫn đến sự sụp đổ của thị trường nhà ở, cũng như hạn chế các ngành đào tạo sau giờ học nhằm giảm bớt căng thẳng trong học tập.
Chính quyền cũng kiểm soát các công ty công nghệ có ảnh hưởng như Tencent và Alibaba.
Zhang nói: “Những ngành này trước đây đều rất sôi động và thu hút nhiều lao động trẻ. Nhưng giờ những công ty như công ty giáo dục tư nhân New Oriental Education Group đã sa thải hơn 60.000 công nhân vào năm 2021".
Hiệu ứng vết sẹo
Các nhà phân tích nhận định, dù có thể than thở trên mạng, người trẻ vẫn đối mặt với những ảnh hưởng khác khi thất nghiệp kéo dài.
Có một “hiệu ứng vết sẹo” khi bị mất việc làm trong thời gian dài. Giáo sư Zhang từ CUHK nói: “Các kỹ năng của họ có thể trở nên lỗi thời sau một thời gian dài thất nghiệp… điều đó sẽ ảnh hưởng lâu dài đến tương lai. Thu nhập của họ có thể không thể phục hồi về mức bình thường được, ngay cả khi họ có 10 hoặc 15 năm kinh nghiệm làm việc”.
Louise Loo, nhà kinh tế Trung Quốc của Oxford Economics, cho biết giới trẻ chiếm khoảng 20% lượng tiêu dùng ở Trung Quốc. Vì vậy, vấn đề việc làm có thể ảnh hưởng đến mức độ tiêu dùng và động lực tăng trưởng dài hạn.
Các chính quyền địa phương Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy việc làm cho thanh niên. Các tỉnh An Huy và Quý Châu yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước đảm bảo ít nhất một nửa số nhân viên mới tuyển dụng của họ là sinh viên mới tốt nghiệp, theo South China Morning Post.
Tại Hồ Nam, việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đã được bổ sung vào đánh giá hiệu suất hàng năm đối với các giám đốc điều hành tại các công ty nhà nước.
Tỉnh Hà Nam đưa ra kế hoạch 100 ngày từ tháng 5 đến tháng 8 để giải quyết tình trạng thất nghiệp ở thanh niên một cách linh hoạt. Theo Reuters, các biện pháp này bao gồm thúc đẩy việc làm trong các tổ chức công và doanh nghiệp nhà nước, các dự án việc làm ở cơ sở hoặc nông thôn.
"Còn không thể nuôi nổi chính mình"
Tình trạng thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc làm nổi bật sự chênh lệch về kỹ năng cũng như kỳ vọng của thanh niên và người sử dụng lao động.
Qiang, đến từ phía Tây Nam Trung Quốc, vừa tốt nghiệp chuyên ngành chăm sóc người cao tuổi – một kỹ năng phù hợp ở quốc gia đang có tốc độ già hóa nhanh chóng. Nhưng anh không còn quan tâm đến việc sử dụng bằng cấp của mình nữa. “Tiền công quá ít và thời gian thì nhiều”, anh nói.
“Bạn cần phải trực 24/24 và làm ca đêm. Khi thử việc, mức lương chỉ từ 1.500 đến 2.000 nhân dân tệ (205,3 USD đến 273,8 USD)”, anh nói. “Ngay cả khi được nhận, bạn vẫn chỉ được trả nhiều nhất là 3.000 nhân dân tệ” (410,7 USD).
Khi Qiang trò chuyện với bạn bè trong bữa ăn, một người nói: “Làm nhân viên chăm sóc à? Thế thì ai sẽ lấy cậu? Hay cậu muốn độc thân mãi mãi? Với mức lương đó, cậu thậm chí còn không đủ khả năng nuôi mèo”.
Một người bạn khác lên tiếng: “Đến bản thân còn không nuôi nổi ấy chứ".
Cha mẹ của Qiang sở hữu hai nhà hàng. Họ đã hy vọng có thể giúp anh mở trung tâm chăm sóc riêng sau khi anh tốt nghiệp. Nhưng sau 3 năm COVID-19, họ không còn đủ khả năng tài chính làm điều đó nữa.
Maria Ana Lugo, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới, giải thích: “Khi các quốc gia phát triển thành nền kinh tế có thu nhập trung bình và mong muốn trở thành nền kinh tế có thu nhập cao, kỳ vọng của người dân cũng thay đổi”. Thanh niên có những kỳ vọng cao hơn so với cha mẹ họ ngày trước và mong đợi một mức thu nhập và loại công việc nhất định.
Hofman nói thêm, những người đang tham gia lực lượng lao động hiện nay được giáo dục tốt hơn nhiều so với những người đã rời khỏi lực lượng lao động.
“Những người hiện đã rời khỏi lực lượng lao động, họ chỉ có khoảng sáu đến bảy năm học tập. Còn những người đang tham gia lực lượng lao động, họ khoảng 12 năm học vấn".
Ông cho rằng điều này sẽ tốt cho sự tăng trưởng của Trung Quốc trong trung hạn. Nhưng trong ngắn hạn, có thể có một số vấn đề về thất nghiệp tạm thời và tình trạng “học tập quá mức” tạm thời.
Bình luận