(VTC News) - Theo một vài nghiên cứu, những em bé ngủ đủ và sâu trong điều kiện không ánh sáng, cơ thể sẽ sản xuất lượng kháng thể chống virus cao gấp đôi những em bé khác.
Để trẻ có giấc ngủ ngon và sâu mẹ không nên bật đèn trong phòng ngủ. |
Bé sơ sinh sẽ dễ ngủ hơn nếu ở trong môi trường bóng tối. Ánh sáng ức chế sự tiết melatonin - một hormone tự nhiên khiến bé buồn ngủ. Ngoài ra, sự phát triển của bé vẫn đang tiếp diễn trong khi ngủ, chính vì vậy giấc ngủ của bé sơ sinh vô cùng quan trọng.
Trẻ ngủ dưới ánh đèn sẽ có hệ thống miễn dịch yếu hơn
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, những em bé ngủ đủ, ngủ sâu trong điều kiện không ánh sáng, cơ thể sẽ sản xuất lượng kháng thể chống virus cao gấp đôi những em bé khác.
Vì vậy, để con có sức đề kháng tốt, mẹ nên đảm bảo ban đêm khi ngủ, bé không tiếp xúc với ánh sáng mạnh. Cách tốt nhất là các mẹ không nên thắp đèn ngủ suốt đêm, mà nên đặt cạnh giường chiếc đèn nhỏ để khi bé thức giấc, đòi bú, hay thay tã thì mẹ có thể bật đèn lên rồi sau đó có thể tắt luôn sau khi xong việc, để giúp bé mau chóng quay lại với giấc ngủ ngon.
Ảnh hưởng đến thị giác của trẻ
Bật đèn khi ngủ ảnh hưởng đến phát triển thị giác của trẻ. Một giấc ngủ dài dưới điều kiện vẫn có ánh sáng sẽ bất lợi cho sự phát triển thị giác của trẻ.
Khi trẻ ngủ, cơ mi sẽ khép lại và đôi mắt bên trong hoàn toàn thư giãn. Vậy nhưng nếu ngủ dưới ánh sáng của đèn ngủ, vẫn có kích thích ánh sáng, đôi mắt bé vẫn sẽ tiếp tục hoạt động và cơ mi cũng không được nghỉ ngơi đầy đủ.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khi mắt vẫn chưa thực sự ổn định, điều này có thể dễ dàng gây thiệt hại cho võng mạc, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của tầm nhìn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đèn ngủ càng sáng sẽ làm càng tăng khả năng cận thị của trẻ theo cấp số nhân.
Đèn ngủ khiến trẻ chậm lớn
Khi ngủ, cơ thể trẻ vẫn tiếp tục tiết ra các hormone tăng trưởng, thậm chí một số hormone tăng chiều cao cho trẻ còn tiết ra nhiều nhất vào ban đêm. Bật đèn ngủ không chỉ khiến giấc ngủ của trẻ không sâu mà còn cản trở sự tiết ra những hormone này. Mức độ hormone tăng trưởng giảm sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất bình thường của trẻ sơ sinh.
Tăng nguy cơ ung thư và trầm cảm
Theo tiến sỹ Joyce Walsleben, phó giáo sư tại trường Đại học Y khoa New York cho biết: “Ánh sáng ức chế việc tiết ra melatonin, một loại hoóc-môn thúc đẩy giấc ngủ một cách tự nhiên. Ngay cả khi bạn thiếp đi, ánh sáng vẫn lọt qua mí mắt của bạn và bộ não sẽ không sản xuất melatonin nếu nó lẫn lộn giữa ngày và đêm”. Chính vì vậy, các mẹ nên tắt đèn khi cho bé đi ngủ.
Tăng nguy cơ béo phì
Đèn ngủ tăng nguy cơ béo phì. Một nhóm chuyên gia ở Trường Đại học bang Ohio (Mỹ) đã thử nghiệm ánh đèn ban đêm ảnh hưởng đến trọng lượng, sự béo phì và mức chênh lệch về lượng đường (nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh tiểu đường thứ phát) trên cơ thể chuột. Họ đã phát hiện rằng, mở đèn lúc ngủ dù chỉ có chút ít ánh sáng cũng là nguyên nhân làm gia tăng cả ba điều trên.
An Nhiên (Tổng hợp)
Bình luận