Cây cỏ tranh còn có tên gọi khác là cỏ tranh răng, bạch mao căn, dia (K’Dong), nhất địa (Gia Rai)... Bộ phận dùng làm thuốc là rễ cây. Vậy, uống nước rễ cỏ tranh có tác dụng gì?
Tổng quan về cây cỏ tranh
Cỏ tranh có tên khoa học là Imperata cylindrical Beauv. Rễ cỏ tranh màu từ trắng ngà đến vàng nhạt, nhiều đốt, xung quanh có các lá vẩy và rễ con. Trong rễ cỏ tranh 18% là đường (cả đường glucose và Fructose), đó là lý do vì sao rễ loại cây này có vị ngọt cùng các loại acid citric, malic, tartatric, oxalic, triterpene methylethers, arundoin và cilindrin.
Khi dùng cỏ tranh làm thuốc, bạn phải cắt bỏ phần rễ nằm trên mặt đất, chỉ lấy phần rễ nằm dưới mặt đất, bổ sạch bẹ, lá, rễ con. Đông y gọi rễ cỏ tranh là mao căn, từ rễ cỏ tranh nguyên bản, tùy theo mức bào chế và mục đích chữa bệnh, vị thuốc này còn có thêm những tên gọi khác nhau.
Rễ cỏ tranh tươi, rửa sạch, thái nhỏ thì được gọi là sinh mao căn. Rễ cỏ tranh tẩm nước cho mềm rồi cắt thành đoạn, phơi khô sàng bỏ chất vụn thì được gọi là bạch mao căn. Lấy bạch mao căn cho vào nồi sao cho thuốc chuyển sang màu đen, bỏ ra phơi khô thì được gọi là mao căn thán.
Uống nước rễ cỏ tranh có tác dụng gì?
Có lẽ bất kỳ ai trong chúng ta đều một lần thử một cốc nước sâm mát lạnh trong những ngày hè nóng nực. Nhưng ít ai biết một trong những nguyên liệu làm ra nó lại là rễ cỏ tranh, một loại cây dại mà trước đây vẫn bị xem như là "kẻ thù của nhà nông". Lợi ích của nó không dừng lại ở một cốc nước sâm giải nhiệt.
Theo Đông y, rễ cỏ tranh vị ngọt, tính hàn nên có tác dụng thanh nhiệt, giải khát rất tốt. Nó còn giúp tiêu ứ huyết, lợi tiểu tiện, thanh phế vị nhiệt; chủ trị các chứng như chảy máu cam, tiểu ra máu, bí tiểu.
Các bài thuốc từ rễ cỏ tranh (bạch mao căn):
Điều trị sốt xuất huyết
Sử dụng 20g rễ cây cỏ tranh khô sắc chung với 20g cỏ mực, 16g tang diệp, 20g rau má, 16g kinh giới, 24g đậu đen đã sao thơm, 12g cam thảo. Chia thuốc làm 2 phần và uống trong ngày.
Chữa khạc hoặc ho ra máu do phế nhiệt
Bài thuốc gồm có sinh địa 12g, rễ cây cỏ tranh khô 16g, rau má 20g cùng với cỏ mực 20g và ngân hoa 12g. Sắc thuốc và uống 2 lần trong ngày.
Trị chứng khô họng, khô miệng do tân dịch vị bị hao tổn
Lấy 16g rễ cỏ tranh cùng với các loại thảo dược khác như 16g đinh lăng, 10g cam thảo, 10g sơn thù, 12g sa sâm, 16g hoài sơn, 8g đan bì, 16g đinh lăng, 12g khởi tử, 10g trạch tả, 12g mạch môn, 20g cát căn. Mỗi ngày sắc 1 thang và chia làm 2 lần.
Chữa xuất huyết đường tiêu hóa
Rễ cây cỏ tranh khô 20g sắc chung với 6g cây a giao, 21g củ gừng nướng cháy, 12g thục địa và 16g trắc bạch diệp. Sắc và chia thuốc uống 2 – 3 lần/ ngày.
Trị sỏi thận bằng rễ cỏ tranh
Sử dụng bạch mao căn 20g, mộc thông 10g, cối xay 16g, kim tiền thảo 10g, đinh lăng 20g, cối xay 16g, mã đề thảo 20g. Sắc thuốc, uống 2 lần mỗi ngày. Dùng liên tục 4 – 5 ngày.
Lợi niệu tiêu phù: Dùng cho người bệnh phù thũng do viêm thận cấp tính, tiểu tiện không lợi; chứng hoàng đản do thấp nhiệt.
Bài 1: bạch mao căn tươi 63g, vỏ dưa hấu 63g, râu ngô 12g, xích tiểu đậu 16g. Sắc uống. Trị phù thũng do viêm thận cấp tính.
Bài 2: bạch mao căn tươi (bỏ vỏ áo) 125g - 250g nấu cùng thịt lợn nạc 100 - 150g, ăn. Trị hoàng đản do thấp nhiệt, tiểu tiện không lợi.
Bài 3: bạch mao căn 20g, cam thảo 8g, bắc sa sâm 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Phòng bệnh ho gà.
Thanh nhiệt giáng hỏa: trị các chứng phiền khát do nhiệt ở trong, hen do nhiệt ở phế, nôn mửa do nhiệt ở vị.
Bài 1: bạch mao căn tươi 63g. Sắc uống lúc còn ấm. Trị hen do phế nhiệt.
Bài 2 - Thang mao cát: bạch mao căn 12g, cát căn 12g. Sắc uống lúc còn ấm. Trị chứng ợ nóng.
Dược thiện có cỏ tranh
Mao căn tử tô ẩm: bạch mao căn 50g, tử tô 10g, râu ngô 30g. Tất cả sắc lấy nước, chia 2 lần uống sáng chiều. Dùng cho người bị viêm phù thận, phù nhẹ toàn thân; phù thiểu dưỡng ở người cao tuổi.
Nước ép bạch mao căn: bạch mao căn tươi 40 - 60g, nghiền ép lấy nước uống. Dùng cho người chảy máu cam.
Bạch mao căn hầm đậu đỏ: bạch mao căn 100g, đậu đỏ 60g. Hầm chín nhừ, vớt bỏ bạch mao căn, ăn nước canh đậu. Dùng cho người phù to cổ trướng (phù nề to vùng bụng).
Cháo bạch mao căn xích tiểu đậu: bạch mao căn tươi 200g, gạo tẻ 100g, đậu đỏ 100g. Bạch mao căn nấu lấy nước, bỏ bã, cho gạo tẻ và đậu đỏ vào nấu cháo. Ngày ăn 3 - 4 lần. Dùng cho người bị phù nề.
Mao căn xích đậu chúc: bạch mao căn tươi 200g, gạo tẻ 100g. Nấu bạch bao căn khoảng 30 phút, gạn lấy nước, cho gạo vào nấu cháo, chia 2 - 3 lần ăn trong ngày. Dùng cho người phù nề, tiểu ít.
Kiêng kỵ:Phụ nữ có thai, người thể chất hư hàn, tiểu nhiều mà miệng không khát kiêng dùng.
Trên đây là những thông tin giải đáp về băn khoăn "Uống nước rễ cỏ tranh có tác dụng gì?". Lưu ý, rễ cỏ tranh cũng là một vị thuốc chính về thế người dân không nên tùy ý sử dụng. Nếu cần điều trị bệnh gì từ rễ cỏ tranh cần có sự tham vấn của các bác sĩ hoặc thầy thuốc Đông y.
Bình luận