Dù không phải là ngày nghỉ lễ chính thức nhưng ngày Cá tháng Tư vẫn rất phổ biến và được đón chào ở nhiều quốc gia do tính giải trí cao của nó và được coi là nét đẹp trong phong tục truyền thống. Mọi người thường tung tin giả, nói dối nhau những điều vô hại để đem lại không khí vui vẻ và những kỷ niệm khó quên.
Ở Việt Nam, ngày Cá tháng Tư không có gì xa lạ, tuy nhiên có rất nhiều điều thú vị về ngày này mà nhiều người trong chúng ta còn chưa biết rõ.
Nguồn gốc ngày Cá tháng Tư vẫn là ẩn số
Tuy đã rất phổ biến trên thế giới nhưng cho tới hiện tại, nguồn gốc chính xác của ngày Cá tháng Tư vẫn còn rất nhiều bí ẩn. Nước Pháp được coi là nơi bắt nguồn ngày Cá tháng Tư.
Theo một giả thuyết rất phổ biến, người Pháp vốn coi 1/4 là ngày đầu tiên của mùa xuân và đón mừng năm mới trong khoảng thời gian từ 25/3 đến 1/4. Vào năm 1582, Hoàng đế Charles IX ra lệnh chuyển ngày đầu năm mới về ngày 1/1.
Hồi đó phương tiện liên lạc còn lạc hậu, người ta truyền tin chủ yếu bằng cách chạy bộ nên không phải người dân nào cũng biết có sự thay đổi này. Một số người tuy biết nhưng vẫn không chấp nhận lịch mới, vẫn tiếp tục đón năm mới vào ngày 1/4.
Điều này khiến những người cấp tiến không hài lòng và khái niệm "ngớ ngẩn" được đặt ra dành cho những kẻ vẫn ăn tết ngày 1/4. Ngày này cũng bị coi là tượng trưng cho sự sai lệch thông tin. Một số người lém lỉnh trêu đùa gọi ngày 1/4 năm đó là “ngày nói dối”. Cũng từ đó, cái tên “ngày nói dối” xuất hiện.
Trong khi đó, khái niệm Poission d’avril - Cá tháng Tư - lại có nguồn gốc khác. Nhà thơ d’Amerval là người đầu tiên đưa ra khái niệm này, bởi tháng tư là tháng của cung Song Ngư với biểu tượng hai con cá quấn vào nhau.
Theo thời gian, trò đùa vào ngày 1/4 trở thành truyền thống và lan từ Pháp sang Anh và Scotland (thế kỷ 18). Người Anh và người Pháp đưa tục lệ nói dối sang các thuộc địa ở Bắc Mỹ. Từ đó, ngày Cá tháng Tư mang tính quốc tế, được chấp nhận ở nhiều nước.
Nhiều kiểu kỷ niệm ngày Cá tháng Tư
Đều có ý nghĩa mua vui và mang lại tiếng cười sảng khoái, việc kỷ niệm ngày Cá tháng Tư có những điểm khác biệt ở một số quốc gia.
Tại Scotland, ngày Cá tháng Tư xưa kia có tên gọi là săn chim cúc cu - Hunt the Gowk, trong đó "gowk" vừa là cách gọi khác của chim cúc cu vừa có nghĩa là kẻ ngốc. Trò đùa truyền thống là yêu cầu ai đó chuyển giúp một tin nhắn được niêm phong ghi: "Dinna cười to, dinna cười mỉm. Hãy săn chim cúc cu ở nơi khác. Người nhận phải chuyển tin nhắn cho "nạn nhân" tiếp theo.
Người ta cho rằng, trò đùa “hãy đá tôi một phát” bắt nguồn từ trò chơi ngày Cá tháng Tư của dân Scotland, theo đó mọi người cố gắng lén dán một con cá bằng giấy vào lưng "nạn nhân".
Ở Ba Tư cũng có một ngày nghỉ với chủ đề tương tự với tên gọi Sizdahbedar. Vào ngày này, thường trùng với ngày 1 tháng 4, mọi người cũng trêu chọc nhau bằng các trò chơi khăm vui nhộn.
Còn ở Việt Nam, ngày này thường chỉ thịnh hành với những người trẻ. Mọi người thường trêu đùa nhau vào ngày này để xích lại gần nhau hơn. Nhiều bạn trẻ còn lợi dụng ngày nói dối để thể hiện tình cảm đối với người mình đang thầm thích.
Ở một số quốc gia, bạn chỉ được phép nói dối đến trưa ngày 1/4
Ngày Cá tháng Tư, mọi người có thể thoải mái nói dối nhau. Tuy nhiên không phải bất kỳ thời gian nào trong ngày này, lời nói dối của bạn cũng dễ dàng được tha thứ.
Bạn có thể nói dối cả ngày ở Mỹ, Pháp, Ireland... nhưng chỉ được nói dối đến giữa trưa ngày 1/4 ở Anh, Canada, New Zealand, Úc. Ở những quốc gia này, nếu nói dối sau buổi trưa ngày 1/4, bạn sẽ bị coi là bất lịch sự, thậm chí người bị lừa còn giận và cạch mặt bạn.
Tóm lại, những người đùa giỡn sau buổi trưa thì sẽ tự biến mình thành kẻ ngốc.
Người Việt Nam gọi ngày Cá tháng Tư theo cách của người Pháp
Ngày nay, ở Anh, người ta gọi những người bị lừa trong dịp ngày cá tháng tư 1/4 là “April Fool”, ở Scotland thì được gọi là “Gowk”, cũng có nghĩa là Fool – kẻ ngốc.
Người Pháp thì gọi những người bị lừa là Poissons D’Avirl có nghĩa là “những con cá tháng Tư”. Có lẽ do ảnh hưởng của văn hóa Pháp nên ở Việt Nam, chúng ta cũng thường gọi ngày này là ngày Cá tháng Tư.
Bình luận