Thịt chó
Các chuyên gia y tế đưa ra nhiều khuyến cáo về nguy cơ ngộ độc do ăn thịt chó, đặc biệt là ăn phải thịt chó bị bã thuốc, hoặc chó dại.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết chó bị đánh bả làm thịt rất nguy hiểm. Bả chó được làm bằng nhiều nguồn chất độc như thuốc trừ sâu, thuốc chuột, những chất này sẽ ngấm vào máu của chúng.
Khi con người ăn phải, các độc tố sẽ tác động tiêu cực tới cơ thể như gây đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, gia tăng bài tiết, co giật, hôn mê, thậm chí thiệt mạng.
Theo PGS Thịnh về nguyên tắc, virus dại sẽ chết nếu được nấu chín hoàn toàn. Tuy nhiên, trong quá trình giết mổ, nước dãi của chó chứa các virus dại, dễ rơi rớt sang các chỗ khác như rơi vào dao thớt, qua ruồi rồi rơi vãi vào thức ăn gây hiện tượng nhiễm chéo... Nếu ai đó ăn vào khả năng mắc bệnh dại rất lớn. Đặc biệt, tiết canh chó còn nguy hại hơn thịt chó rất nhiều vì đó là thực phẩm sống.
Tiết canh sống
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tiết canh sống là một trong những món ăn nguy hiểm, chứa nhiều vi khuẩn, virus, trứng và ấu trùng giun sán. Nó còn là môi trường rất tốt cho vi khuẩn phát triển.
Khi ăn tiết canh, bạn có nguy cơ mắc các bệnh rất nguy hiểm, như bệnh giun xoắn, hay nhiễm liên cầu lợn (Streptococus suis)... Người nhiễm bệnh có triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm khớp, tỉ lệ thiệt mạng lên đến 7%.
Ngoài ra, người ăn tiết canh sống còn có thể bị nhiễm virus dại (Rabies virus) khi ăn tiết canh chó. Nhiễm virus cúm gia cầm khi ăn tiết canh vịt, tùy theo độc lực của virus và sức đề kháng của cơ thể thực khách mà sinh bệnh nặng hay nhẹ.
Thực tế có nhiều ca thiệt mạng do tiết canh gây ra như vào tháng 5/2019, một người đàn ông ở Quảng Bình qua đời do viêm cầu lợn gây ra khi ăn tiết canh (lợn) sống.
Côn trùng làm mồi nhậu
Các món ăn từ côn trùng được nhiều người coi là đặc sản, trong đó có Việt Nam. Nhưng cũng có không ít trường hợp người ăn bị ngộ độc bởi loại thức ăn này. Tiêu biểu năm 2016, 12 người bị ngộ độc do ăn bọ xít lửa tại Hòa Bình, hai người ngộ độc và một người thiệt mạng sau khi ăn sâu ban miêu tại Lào Cai. Mới đây, tháng 5/2019, một người đàn ông tại Quảng Ninh phải nhập viện do sốc phản vệ sau khi uống rượu và ăn ve sầu.
Cục An toàn thực phẩm thông tin những trường hợp ngộ độc thường là do ăn phải công trùng đã chết sinh ra độc tố; côn trùng bị nhiễm nấm độc; côn trùng chứa nhựa cây độc, hoặc các chất tiết có độc tố không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến; côn trùng có nhiều protein lạ gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm để chế biến thức ăn.
Ngoài ra quá trình lựa chọn, sở chế, chế biến côn trùng, hoặc dùng côn trùng lạ “thử nghiệm” để ăn hoặc ngâm rượu… đã và đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc và thậm chí gây ra tử vong cho người ăn.
Gỏi cá sống
Gỏi cá sống hay gỏi cá nhảy là một món ăn đặc biệt của người dân tộc Tây Bắc như Thái, Mông... Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết cá là thủy sản do đó rất dễ bị nhiễm khuẩn và ký sinh trùng có hại từ trong nguồn nước.
Khi ăn, những sinh vật có hại này đi vào cơ thể và gây ra các bệnh về đường ruột. Ông cũng lấy ví dụ ở Nhật Bản nổi tiếng sạch sẽ và an toàn nhưng vẫn còn người bị ngộ độc khi ăn thủy sản sống trong món sushi và Sashimi.
Theo một số tài liệu, cá sống có thể nhiễm khuẩn và nhiễm ký sinh trùng mà đáng kể nhất là giun đầu gai Gnathostoma. Loại giun này ký sinh vào các bộ phận của cơ thể như gan, mắt (gây mù lòa), di chuyển dưới da, thậm chí là não và tủy sống, hay định vị trong hệ thần kinh trung ương và gây chứng viêm não tủy, làm rối loạn cảm giác, liệt tứ chi và có thể thiệt mạng.
Bình luận