Từ năm 2014 đến hết năm 2018, tổng giao dịch vũ khí toàn cầu tăng 7,8% so với giai đoạn 2009-2013. Đây là kết quả phân tích được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm.
Trong top 5 quốc gia xuất khẩu vũ khí, Mỹ tiếp tục ở vị trí dẫn đầu. Các vị trí tiếp theo được xác định là Nga, Pháp, Đức và Trung Quốc. Trong 5 năm qua, số lượng giao dịch vũ khí của 5 quốc gia này chiếm 3/4 tổng số giao dịch vũ khí toàn cầu. Đức và Pháp là hai quốc gia hoán đổi vị trí cho nhau trên bảng xếp hạng. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất chính là Ả Rập Xê Út, Ấn Độ, Ai Cập, Australia và Algeria.
Mỹ tiếp tục củng cố vị thế của mình với tư cách là nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới sau khi tăng 29% lượng xuất khẩu trong 5 năm qua. Có tới 98 quốc gia trên thế giới đang là khách hàng mua vũ khí của Mỹ. Theo đó, nước Mỹ chiếm tới 36% lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu.
Đức cũng tăng lượng xuất khẩu vũ khí của mình thêm 13%. Theo đó, nước này đã tăng thị phần giao dịch vũ khí của mình trên toàn cầu từ 6,1% lên 6,4%. Sản phẩm được các khách hàng ưa chuộng nhất của Đức chính là tàu ngầm. Những khách hàng chính của Berlin là Hàn Quốc (chiếm 19%), Hy Lạp (10%) và Israel (8,3%). Khu vực xuất khẩu chính của Đức là Châu Á và Châu Đại Dương (chiếm 30%), tiếp đến là Châu Âu (27%), Trung Đông (25%), Nam Mỹ (11%) và Châu Phi (7,39%).
Theo chuyên gia Peter Weseman của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm, Nga, Pháp và Đức có dấu hiệu tăng đột biến lượng cung cấp vũ khí cho Ai Cập trong những năm gần đây.
Trước đó, trong tháng 2/2019 Chính phủ Pháp có yêu cầu Đức mở rộng hợp tác xuất khẩu vũ khí sang các nước thứ ba. Cụ thể, Paris tỏ ra không hài lòng với việc không thể bán vũ khí của Đức cho Ả Rập Xê Út.
Bình luận