Tập đoàn tài chính ngân hàng HSBC vừa chấp nhận khoản phạt 1,92 tỷ USD để giải quyết bê bối liên quan đến rửa tiền, giao dịch trái phép.
Giữa tháng 2, cây bút Matt Taibbi của tạp chí Mỹ Rolling Stone đưa ra nhận xét đầy châm biếm rằng dường như với những gì từng biết về HSBC thì tập đoàn này thường liên quan đến ma túy.
Số là từ năm 1840 - 1860, Anh tiến hành 2 cuộc chiến tranh nha phiến với triều đình Mãn Thanh để đòi quyền tự do mua bán thuốc phiện ở Trung Quốc. Nhà Thanh thất bại trong cả 2 cuộc chiến nên phải chấp thuận việc nước ngoài buôn bán nha phiến ở đất nước mình.
Ngoài ra, Trung Quốc còn phải mở nhiều cảng hơn cho nước ngoài thông thương, nhượng Hồng Kông cho Anh.
Giữa bối cảnh thời hậu chiến như thế, HSBC ra đời với vai trò “hỗ trợ giao thương giữa châu Âu với Trung Quốc”. Vì thế, số tiền ngày trước mà HSBC chịu trách nhiệm chuyển tiếp chắc chắn có liên quan đến những hoạt động mua bán nha phiến.
Khác với ngày trước, theo tạp chí Rolling Stone, HSBC thời hiện đại lại nhúng chàm với giới buôn bán ma túy ở Mexico. HSBC bị phạt nặng vì những cáo buộc liên quan đến rửa tiền và giao dịch trái phép.
Cụ thể hơn đó là băng nhóm Sinaloa nổi tiếng, bị cáo buộc gây ra hàng loạt vụ thanh toán, thủ tiêu với số nạn nhân có khi lên đến hàng chục người mỗi lần. Hồi tháng 7 năm ngoái, một nhóm lãnh đạo của HSBC khi điều trần trước quốc hội Mỹ đã phải muối mặt thừa nhận tồn tại việc rửa tiền ở ngân hàng này. Tất nhiên, họ biện minh rằng đó là vì thất bại trong việc chống rửa tiền.
BBC dẫn một báo cáo từ thượng viện Mỹ cho hay chi nhánh HSBC ở nước này (HSUS) đã nhận 7 tỷ USD do chi nhánh HSBC tại Mexico (HSMX) chuyển sang trong năm tài chính 2007 - 2008. Con số này nhiều hơn bất cứ chi nhánh nào chuyển cho HSUS.
Theo đó, một lượng lớn trong số tiền trên bắt nguồn từ những lợi nhuận bất chính do buôn bán ma túy mà có. Vì thế, giới chức Mỹ lo ngại nỗ lực chống buôn lậu ma túy từ Mexico sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Thậm chí, một lo ngại được đặt ra là Mexico có thể trở thành điểm trung chuyển giúp các nhóm buôn ma túy khắp thế giới tuồn tiền bẩn để sang rửa tại Mỹ.
Cỡ nào cũng chơi
Không chỉ rửa tiền cho tội phạm buôn ma túy, HSBC còn bị cho là đã nhúng chàm với nhiều đối tượng khác. Theo Rolling Stone, ngân hàng này đã mắt nhắm mắt mở tiếp tay cho việc rửa tiền.
Tạp chí này dẫn lời giới chức Mỹ cho biết: “Chúng tôi xác nhận rằng những tài khoản tại đảo Cayman không được lưu trữ trong bất cứ hệ thống lưu trữ nào”.
Thế nhưng, nhiều dữ liệu cho thấy HSBC đang “ăn nên làm ra” ở Cayman, nơi nổi tiếng là thiên đường trốn thuế. Chi nhánh HSBC tại Cayman từng có đến 50.000 tài khoản với tổng giá trị lên đến 2,1 tỷ USD. Ngay cả khi bị thượng viện Mỹ điều tra, số tài khoản mờ ám này vẫn còn ở mức 20.000 với tổng giá trị khoảng 670 triệu USD.
Ngoài ra, theo báo cáo của thượng viện Mỹ, ngân hàng này còn lén lút giao dịch với một số quốc gia bị Mỹ trừng phạt về kinh tế tài chính như Iran, Myanmar, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Báo cáo chỉ ra rằng HSUS bí mật tiến hành hơn 28.000 giao dịch đáng ngờ từ năm 2001 - 2007. Tổng số giao dịch này có trị giá lên đến 19,7 tỷ USD và phần lớn liên quan đến Iran.
Ngoài ra, hai chi nhánh của HSBC ở châu Âu và Trung Đông còn thường xuyên thay đổi các thông tin giao dịch để che giấu việc liên quan đến Iran.
Nghiêm trọng hơn, tập đoàn tài chính này còn bị cáo buộc đã tiếp tay cho Ngân hàng Al Rajhi ở Ả Rập Xê Út. Dù Al Rajhi nhiều lần chối bỏ nhưng vẫn bị cáo buộc đã dính líu đến những người hậu thuẫn tài chính cho lực lượng Al-Qaeda.
Với những “trọng tội” trên, HSBC khá may mắn khi chỉ bị phạt 1,92 tỷ USD, đặc biệt là chưa có quan chức nào của ngân hàng này bị lãnh án.
Trong khi đó, tạp chí Rolling Stone dẫn lời Everett Stern, chuyên gia chống rửa tiền ở HSBC, cho biết bản thân từng nhiều lần cảnh báo về một số dấu hiệu rửa tiền nhưng cấp trên dường như làm lơ. Như thế, có ý kiến đặt ra rằng phải chăng ban lãnh đạo HSBC “thiếu năng lực” hay vì một nguyên nhân nào khác.
HSBC là ngân hàng Hong Kong - Thượng Hải, được thành lập tại Hong Kong hồi năm 1865 với số vốn ban đầu vào khoảng 5 triệu HKD tính theo thời giá bấy giờ.
Cũng trong năm này, ngân hàng này chính thức có thêm trụ sở tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Suốt một thế kỷ sau đó, HSBC không ngừng phát triển mạnh mẽ và trở thành người khổng lồ của ngành tài chính thế giới.
Năm 1991, tập đoàn HSBC Holdings được thành lập tại Anh và trở thành tập đoàn mẹ của ngân hàng này. Theo thống kê mới nhất của tạp chí Forbes vào tháng 4/2012, HSBC Holdings là tập đoàn lớn thứ 6 trên thế giới với tài sản lên đến 2.550 tỷ USD, doanh thu 102 tỷ USD, lợi nhuận 16,2 tỷ USD và giá trị thị trường khoảng 164,3 tỷ USD. Cũng theo đó, HSBC là ngân hàng lớn thứ 3 thế giới.
Theo Thanh Niên
Bình luận